Nhà báo Lại Văn Sâm là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình nhiều chục năm qua với vai trò dẫn dắt, biên tập và sản xuất cho nhiều chương trình lớn. Tháng 7/2017, thông tin ông về hưu để lại nhiều tiếc nuối cho những đồng nghiệp, đàn em từng có thời gian cộng tác. Hụt hẫng - là cảm giác mà anh em ngôi nhà V3 bày tỏ khi chia tay người anh lớn sau mấy chục năm gắn bó. Bởi đó không chỉ là tình đồng nghiệp mà còn là tình cảm anh em qua nhiều thăng trầm trong công việc, của cuộc sống… Không chỉ thế, biết bao thế hệ khán giả cũng cảm thấy tiếc nuối khi từ đây sẽ không còn nhiều dịp nhìn thấy hình ảnh một MC "quốc dân" quen thuộc trên nhiều chương trình của VTV. Và những tình cảm đó, cũng là điều mang lại cho ông cảm xúc kinh ngạc nhất.
MC Lại Văn Sâm nói: "Tôi không chọn, không quyết định là mình về hưu lúc nào, mà chỉ làm theo đúng chế độ luật lao động của Việt Nam đến tuổi là về. 90 triệu người thì cuối cùng người nào cũng phải đến cái quy luật về hưu thôi. Thế nhưng đến khi mà mình về hưu thì nó lại như một cái sự kiện gì đấy làm tôi cảm thấy hoá ra mình cũng được rất nhiều khán giả yêu quý. Trong cả quãng đời hơn 30 chục năm cống hiến cho truyền hình, đấy mới là cái giá trị tôi thấy mình nhận được nhiều nhất, chứ không phải tích luỹ được bao nhiêu tiền hay bản thân tiến được bao nhiêu bậc trong danh vọng. Bởi tất cả những thứ đấy cuối cùng chỉ là cái vớ vẩn so với tình cảm mà moi người đã dành cho tôi".
Một bài hát Nga đã nói "Trên thế giới này, không có cái gì là biến mất mà không để lại dấu vết". Vấn đề là dấu vết đấy sẽ để lại như thế nào. Và ông nghĩ rằng những năm tháng mà mình cống hiến với nghề không hề vô bổ, cũng đã để lại những dấu vết rất ngọt ngào trên cuộc đời . Ông kể, khi đi đến một số nơi làm việc, thì khán giả bắt tay và chia sẻ sự tiếc nuối vì không thấy Lại Văn Sâm tham gia các chương trình, ông cảm thấy rất vui và trân trọng những giá trị tinh thần đó. Ông cũng khẳng định, mình chỉ nghỉ công việc quản lý thôi nhưng nếu chương trình vẫn muốn ông ở lại làm như "Ai Là Triệu Phú" thì ông vẫn làm, chứ không bỏ gì cả.
Về hưu, nhiều người sẽ có những trăn trở, dang dở trong sự nghiệp nhưng MC Lại Văn Sâm thì không. Ông nhìn nhận mình là người khá rạch ròi và sòng phẳng trong mọi chuyện. Bản thân ông suy nghĩ, mỗi người có một nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ của ông đã hoàn thành. Ông thanh thản với chuyện đó. Còn những điều, chưa làm được ông muốn những người đàn em tiếp tục.
Một mong muốn khác, MC Lại Văn Sâm hy vọng truyền hình VIệt Nam sẽ được phát triển đúng tầm và mỗi kênh truyền hình của mình phải rõ được bản sắc riêng của nó. "Khoảng độ 7 - 8 năm trở lại đây thì truyền hình bị nhạt nhoà rồi. Ngày xưa mỗi kênh đều chuyên biệt rất rõ từng lĩnh vực: kênh 1 là chính luận; kênh 2 là khoa học và giáo dục; kênh 3 là giải trí; kênh 4 là đối ngoại. Bây giờ nó cứ không rõ ràng. Tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu các kênh truyền hình có bản sắc riêng và phát triển mạnh, để đám ứng được từng nhu cần cụ thể của các đối tượng khán giả".
Đừng tìm ai thay thế, bởi vì thế thì mọi người còn nhớ tôi cái gì nữa?
Người ta xem Lại Văn Sâm như một "MC quốc dân", một gương mặt huyền thoại trên sóng truyền hình và là một cái tên khó có thể thay thế được, nhưng bản thân ông lại không thích những danh xưng đó.Ngoài ra, ông cũng không tin trên đời lại có cái gì hay ai là bất biến, không thể thay thế.
"Cá nhân tôi cũng có nhiều người thích và nhiều người không thích chứ, chắc chắn là như thế. Cho nên khi tôi nghỉ, một số bạn trong ban biên tập cũng có ý nói rằng khó ai có thể thay thế, nhưng tôi bảo là "Không. Đừng có tìm ai thay thế anh, bởi vì thế thì mọi người còn nhớ anh cái gì nữa". Tôi rất thích một câu châm ngôn của Việt Nam là "Gái có công thì chồng không phụ". Tôi đã cố gắng hết sức, đã cống hiến trong nhiều năm và bây giờ nhận được tình cảm của khán giả thì tôi nghĩ rằng khán giả đã không phụ tôi rồi", ông nhận định.
MC Lại Văn Sâm từng phát biểu trong một bài phỏng vấn: "Tôi may mắn hơn rất nhiều người khi vào Đài Truyền hình Việt Nam đúng giai đoạn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn các chương trình truyền hình. Về lý do của câu nói này, ông giải thích rằng, sau 12 năm ở Nga về, ông từng là một kẻ thất nghiệp, không có cơ quan, đơn vị nào nhận hết. Tình cờ may mắn gặp một nhóm những người đồng trang lứa mà học ở Nga về hỗ trợ giới thiệu vào truyền hình, được truyền nghề và được học về dẫn chương trình. Rồi dần dần, ông và những người đồng nghiệp cùng nhau tạo nên những chương trình được nhiều người ủng hộ.
Thời của ông, truyền hình là vùng đất hoang, chỉ việc đến san bằng đất trồng trọt, xây nhà. Còn bây giờ, người ta còn phải xây những tòa chung cư đẹp đẽ, quy hoạch đường sá, công viên... Giống như hình dung, những người khai hoang bao giờ cũng đỡ hơn là những người phải quy hoạch lại theo những yêu cầu cao hơn. Ông lấy ví dụ về chương trình ngày xưa mà mình làm như SV. Ánh sáng thì không đủ, sân khấu thì lôm nha lôm nhôm. Tất cả mọi thứ chả theo một quy chuẩn nào hết, chỉ được mỗi tinh thần, thế thôi. Bây giờ mà xem lại thì chắc các bạn trẻ sẽ buồn cười lắm, có khi bảo: Chương trình thế này cũng được lên sóng à.
"Hồi đấy không có nhiều chương trình nên mọi thứ chúng tôi làm ra đều được khán giả chấp nhận. Giống như nhà nghèo chỉ cần được ăn đủ no thôi chứ đâu nghĩ đến chuyện ăn món này ngon hơn món kia. Các bạn giờ muốn vào thi tuyển vào đài Truyền hình thì các bạn phải có bằng cấp, chứ như tôi bây giờ, còn lâu mới vác mặt dám thi. Bởi vì tôi chẳng được học hành gì cả. Tôi nói là mình may ở chỗ đấy", ông nói vui.
Khi nghỉ hưu rồi, chỉ làm, nhận lời những gì mình thích
Thời gian gần đây, MC Lại Văn Sâm nhận lời "cầm trịch" chương trình "Mặt trời bé con" (Little big shots) - là sân chơi để các tài năng nhí trong nước và quốc tế đến phô diễn biệt tài riêng của mình trước công chúng. Đây cũng là công việc mới đầu tiên của ông sau khi nghỉ hưu. Với vai trò mới, ông cho biết mình không phải hướng dẫn, đào tạo mà chỉ giữ vai trò giới thiệu câu chuyện của các bé và khai thác để các bé thể hiện tài năng của mình đến khán giả. Yêu thích trẻ nhỏ - đó là lý do ông nhận lời tham gia vào chương trình này.
Trước đó, có những chương trình đã mời Lại Văn Sâm nhưng ông từ chối vì bản thân ông chỉ làm những điều mình cảm thấy thích. Bây giờ khi nghỉ hưu rồi, không có ai, áp lực nào bắt ông phải làm những điều không thích.
"Khi xem show này, tôi cảm thấy rất thích thú, và càng cảm thấy yêu trẻ con hơn. Không biết là trẻ con Việt Nam có được như trẻ con nước ngoài hay không? Nếu có thì làm cách nào để khán giả cũng có được những giây phút tuyệt vời như khán giả xem những show nước ngoài? Nói chuyện với trẻ con, bản thân chúng tạo cho tôi những điều kinh ngạc từ hành vi, câu nói, suy nghĩ, tư duy...
Bây giờ có bao nhiêu chuyện với trẻ con xảy ra, chuyện bạo lực cho đến chuyện quấy rối, thì những chương trình như này không chỉ dành cho trẻ con, mà dành cho cả người lớn để có thể nhìn nhận thế giới trẻ thơ một cách trân trọng, yêu thương và đừng làm điều gì tổn thương, có hại với chúng nó. Nếu được như thế thì rất tốt, thì đây vừa là chương trình giải trí nhưng chất nhân văn rất cao, hướng cho khán giả đến những điều thiện, điều tươi sáng hơn", ông nói.
Trước câu hỏi có bị áp lực nếu bị so sánh với bản gốc không, MC Lại Văn Sâm lại nghĩ đừng bao giờ sợ bị so sánh vì mọi thứ đều là khập khiễng hết, làm sao người châu Á so với người châu Âu về thể hình, làn da... "Nếu so sánh, bây giờ bạn hình dung mọi chương trình làm ở Việt Nam giống hệt ở Mỹ thì chán phèo. Mình cố gắng theo họ cũng rập khuôn như thế thì có còn gì riêng biệt nữa đâu. Tuân thủ format gốc nhưng mình cố gắng sao cho khi xem người ta cảm thấy yêu trẻ con Việt Nam, và thấy chúng có cái ngộ nghĩnh riêng, đáng yêu riêng là được".
Drama truyền hình thực tế - Đôi khi tư tưởng lớp trẻ phóng đạt, sinh động hơn nên họ thích thế
Chiêu trò, drama, mâu thuẫn mang tính chất bạo lực đang dần tạo hình ảnh tiêu cực về truyền hình thực tế trong mắt khán giả. Là một người hoạt động ở mảng truyền hình lâu năm, MC Lại Văn Sâm cho biết bản thân ông đôi khi lại muốn hỏi lớp khán giả trẻ trước rằng: Không biết những ồn ào đó có đang đúng với nhịp sống, suy nghĩ và tư tưởng của các bạn trẻ hay không? Thế hệ của ông thì những điều này khó chấp nhận, nhưng biết đâu bây giờ lớp trẻ thích lại như thế. Đôi khi cuộc sống bây giờ đa dạng hơn, tư tưởng phóng đạt hơn, thì mọi cái hoạt động ở bên ngoài sinh động hơn, hấp dẫn hơn ngày xưa rất nhiều... Vì vậy, ông không đưa ra những nhận định mang tính quy chụp.
Cá nhân ông khẳng định mình không thích những chiêu trò như thế. Bởi có những điều ở nước ngoài chấp nhận được nhưng vì văn hóa của họ khác, còn với người Á Đông thì phải cân chỉnh sao cho phù hợp, ông không tin tất cả mọi người thích kiểu như thế.
"Không phải Việt Nam là nước Á Đông duy nhất nhập chương trình phương Tây về đâu. Các nước khác như Singapore, Malaysia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có, nhưng họ vẫn luôn luôn cố gắng giữ được nét văn hóa riêng của mình trong đó. Nó cũng như bóng đá Việt Nam, biết bao nhiêu chiến thuật, sơ đồ, cách đá nhưng người Việt Nam đâu thể nào đá như người ta đâu. Có thể về nguyên tắc, anh học thuộc lòng, nguyên tắc bài bản như thế, nhưng thể lực, tầm vóc, tư duy của mình không phải như người ta, thì làm được không? Không làm được thì phải tìm cách gì đấy để giữ lại cái của mình".
Hàng chục năm làm trong lĩnh vực giải trí, tiếp cận với mặt sáng - tối của showbiz, MC Lại Văn Sâm bày tỏ, cách để bản thân giữ sự khách quan trong công việc đó là: Hãy luôn là mình.
"Tôi nghĩ rằng, dù bạn là ai, nếu bạn sống đúng với con người của mình thì đi đâu cũng được chấp nhận. Lấy ví dụ từ chính tôi, tôi thấy một người lao công quét rác không khác gì một ông tổng giám đốc xí nghiệp. Các bạn cũng là con người mà thôi, có những ưu điểm và có những hạn chế, vấn đề các bạn phải là chính các bạn. Có một bài hát Nga đã hát: "Chúng ta đã đi hết hiệp 1 của cuộc đời, người đàn ông ấy quay ra và nhìn lại, nhận ra một điều, nếu bạn muốn không bị biến mất trên trái đất này, thì hãy cố gắng đừng bao giờ tự đánh mất mình".
Những mặt tối đôi khi là những ảo tưởng, ngộ nhận, hay bởi một lí do gì đó thay đổi con người dẫn tới việc tự đánh mất bản thân, chứ không ai gạt bỏ bạn ra khỏi cuộc sống này hết, kể cả showbiz, hay ở thương trường, xã hội. Tất cả chúng ta đều có quyền tồn tại. Đừng cố làm điều gì để chiều lòng người khác. Tôi sống đúng với con người của mình nên giờ tôi thấy rất thanh thản. Bởi tôi chưa bao giờ làm điều bản thân nghĩ là không nên làm".