"Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi. Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào..." - Nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ trên trang cá nhân sau khi xem chương trình của "60 phút Mở".
Liên quan đến hai chương trình "60 phút Mở" của VTV, Nhà báo Trần Đăng Tuấn có viết hai stt liên quan.
Cụ thể, theo chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn trên trang cá nhân, status về chương trình "Chia sẻ trên mạng để làm gì" là góp ý của cá nhân ông với ekip làm chương trình. Nó đúng là đánh giá về chương trình. Ông viết với tâm thế là một đồng nghiệp.
Còn status quan đến chương trình 'Làm Từ thiện vì ai", ngược lại, không phải là về bản thân chương trình truyền hình đó, mà là về một quan điểm, một ý kiến được nêu trong chương trình đó.
"Tôi viết với tâm thế người xem truyền hình. Và status - ngoài phần bàn trực tiếp về quan điểm đó, phần còn lại là nhân đó tôi nêu suy nghĩ cá nhân về mối tương quan giữa vấn đề được gọi là "bảo tồn bản sắc" và những vấn đề dân sinh cốt yếu khác. Đây đã là thảo luận hậu chương trình, không phải là đánh giá về chương trình truyền hình" - Ông Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng nêu rõ: "Ý kiến của tôi không hề là phản ứng về chương trình truyền hình. Cũng như ta có thể không đồng ý khi đọc được một ý kiến nêu trong cuộc hội thảo đã diễn ra - điều đó không có nghĩa là ta phản ứng với cuộc hội thảo đó".
Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, những chia sẻ của ông trên trang cá nhân là với tâm thế của một người xem truyền hình, đánh giá về một quan điểm được nêu trong chương trình. Ảnh minh họa |
Trước đó, Sau chương trình 60 phút Mở "đấu tố" MC Phan Anh với chủ đề "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?" gây ồn ào tuần trước, mới đây, talk show của VTV với người dẫn là nhà báo Tạ Bích Loan lại khiến Cộng đồng mạng "dậy sóng" với đề tài "Người ta làm từ thiện vì ai?".
Chương trình khiến người xem tranh luận khi nhà báo Tạ Bích Loan hỏi nhóm tình nguyện rằng: "Họ từ thiện vì ai, để giúp đỡ hay do muốn thể hiện, chứng tỏ bản thân?".
Nhà báo Tạ Bích Loan đặt ra câu hỏi: Tại sao đi làm từ thiện là hoạt động nhân văn lại bị chính quyền địa phương khước từ? Liệu có phải những món quà đó làm cho nhóm từ thiện, chứ không phải cho người nhận? Nhóm từ thiện và chính quyền, họ hành động như vậy vì ai?
Nhà báo Tạ Bích Loan cũng đặt thẳng câu hỏi cho nhóm Xây trường Vùng cao rằng: “Các bạn làm chương chính đó, đi lên đó và mang theo lượng thức ăn như thế vì các bạn hay vì các em nhỏ?”.
Điều khiến người xem cảm thấy khó chịu là ý kiến từ tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Ông cho rằng, việc làm từ thiện với 3.600 chiếc bánh chưng của nhóm Xây trường Vùng cao giống như mấy nghìn cái đùi gà, bánh chưng mấy tấn dâng vua Hùng, tô hủ tiếu mấy lít…
“Một bữa đại tiệc chứng minh chúng ta là người làm to nhất, chưa bao giờ có ai làm to được hơn chúng ta!”, ông nhìn nhận, nhóm Xây trường vùng cao muốn chứng tỏ bản thân hơn là làm với mục đích từ thiện.
Sau đó, vị tiến sĩ kết luận, làm từ thiện có thể sẽ tạo ra những mối nguy cho người được nhận. Ví dụ như việc đem quần áo từ dưới xuôi lên vùng cao cho người dân mặc, về lâu dài người ta sẽ không còn mặc loại quần áo thổ cẩm nữa, dần dần làm mất đi thứ bản sắc văn hoá lâu đời của họ.
Chính khách mời - ca sĩ Thái Thùy Linh - đã phải lên tiếng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa là của các cấp chính quyền địa phương và quốc gia. Còn các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa chỉ quan tâm việc có quần áo mặc giữa mùa đông rét buốt, đủ ăn để không chết đói và phải nghỉ học vì nhà nghèo.
Sự cao trào của chương trình được đẩy lên khi nhà báo Tạ Bích Loan liên tục hỏi “Để làm gì ạ?”, đại diện nhóm từ thiện trả lời: "Để thể hiện được lòng yêu thương đối với mọi người".
Nhà báo Tạ Bích Loan tiếp “Nhưng mà để làm gì ạ?”, đại diện nhóm đáp lại "Để trong cuộc sống mình cảm thấy thanh thản". Lại tiếp tục câu hỏi được đưa ra “Nhưng mà để làm gì ạ?”, thì anh khẳng định, thanh thản để trong cuộc sống mình sẽ làm được nhiều điều khác tốt hơn.
Ngay khi chương trình vừa phát sóng, cộng đồng mạng bày tỏ quan điểm khác nhau trước những câu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan và cả cách nhìn nhận vấn đề từ tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Các khách mời chia sẻ ý kiến trong chương trình "60 phút Mở". Ảnh cắt từ clip |
Sau khi xem chương trình "60 phút Mở" với chủ đề trên, Nhà báo Trần Đăng Tuấn đăng Status trên trang cá nhân: "Ở nhà thành phố khen tường đất đẹp thì nho nhã rồi. Hãy vào trong cái nhà trình tường mùa sương mù, nền đất nhão nhoét thành lớp bùn, tường ướt nhẹp, cửa sổ bé tý, tối om...sẽ thấy họ ở vậy vì xưa nay không thể có nhà kiểu khác thôi. Ai yêu sống trong nhà như vậy - cứ vào mà ở lấy một mùa.
Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi. Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào. Chúng tôi cũng cố gắng nhờ thiết kế mẫu áo rét có màu sắc hoa văn vùng cao đấy, nhưng chỉ kịp may thử một ít, còn thì cứ luôn phải tìm mua những gì đang có, ấm, bền mà phải rẻ, để kịp mang lên cho những đứa trẻ tím tái vì rét. Chúng rét không vì bảo tồn tính dân tộc đâu. Mũi chúng nó viêm quanh năm, tai nhiều đứa viêm chảy mủ. Chân tay chúng nó như cổ trâu. Để bảo vệ tính dân tộc - và cái thân thể dân tộc - chúng nó cần ấm một chút đã.
Có những vùng, có những cộng đồng người dân tộc không mặc lại quần áo cũ. Có những nơi trẻ em luôn mặc bộ đồ dân tộc. Cần biết để mang đồ quần áo lên ủng hộ đúng chỗ. Nhưng chẳng có nơi nào người ta từ chối nhận đồ ấm chống rét. Họ khoác áo rét đó cho con họ, phủ ngoài các bộ dân tộc. Tôi mạo muội đề xuất vị tiến sỹ mùa đông này đi với chúng tôi một lần. Tôi hứa dọc đường tôi sẽ luận bàn về bản sắc dân tộc với số lý thuyết lập luận có kém cũng không kém tiến sỹ nhiều đâu. Nhưng chỉ dọc đường thôi, trong xe ô tô kín đáo, có sưởi ấm. Trước khi đến với những ngôi nhà trình tường ướt nhoẹt và những lớp học thông thốc gió..."
Vũ Đậu (tổng hợp)