Một bài báo trích dẫn ý kiến của một "nhân sỹ bí ẩn", phản đối Chính sách kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gây chấn động thị trường Trung Quốc cũng như khiến báo giới quốc tế đưa ra nhiều dự đoán về thân phận của người này.
Ngày 8/5, báo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài bình luận. Bài viết trích dẫn lại bài phát biểu của một “nhân sỹ quyền uy” giấu tên trong lĩnh vực kinh tế Trung Quốc cũng như những chính sách trong tương lai. Bài phát biểu của ông này đã gây chấn động thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng khiến báo giới quốc tế đưa ra nhiều suy đoán về thân phận cũng như chức danh của người đàn ông bí ẩn này.
Bài viết được đăng trên trang đầu của Nhân dân nhật báo, với phong cách bình luận về người đàn ông giấu tên có những đặc sắc cá nhân. Những nhận xét về người này được coi là khác hoàn toàn so với những bài báo nói về các quan chức khác của báo này. Trong bài báo cũng bộc lộ sự bất mãn của mình đối với động thái núi nợ công của Trung Quốc đột ngột tăng mạnh.
Ông Lưu Hạc- người nắm giữ chức danh chủ nhiệm văn phòng làm việc của nhóm lãnh đạo tài chính trung ương Trung Quốc, kiêm phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách là người phù hợp với nhân vật giấu tên này. |
Người đàn ông bí ẩn này so sánh, việc tăng tỷ lệ nợ công quá cao, cũng giống như việc xây nhà chọc trời, nhưng các phòng đều là cho người khác ở, chứ không phải cho thuê. Người này còn cho rằng, các cơ quan chính phủ không nên công bố chính sách hay quyết định vào ban đêm, khiến nhân dân “trở tay không kịp”. Ông này tiết lộ, hiện nay tình hình kinh tế Trung Quốc đang đi theo chiều hướng suy thoái hình chữ L (Suy giảm và nằm ở đáy nhiều năm liên tục), không có cách vào thay đổi sang hai kiểu suy thoái hình chữ U (Tụt dốc nhanh, phục hồi chậm chạp) và chữ V (Suy giảm mạnh, nhưng cũng phục hồi nhanh tương ứng). Ông này khẳng định: “Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là, với suy thoái theo mô hình chữ L này kinh tế Trung Quốc sẽ liên tiếp sụt giảm, và một hai năm không thể giải quyết được vấn đề”.
Báo sáng Nam Hoa của Hồng Kông chỉ ra rằng, xét trên nhiều lĩnh vực, ý kiến này của vị nhân sỹ bí ẩn là hoàn toàn ngược lại với chính sách của Quốc vụ viện do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ đạo, cũng là trái chiều những ý kiến được phát biểu trước đó của nhiều quan chức Trung Quốc.
Chỉ 7 tuần trước đó, với tư cách là một trong bảy ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã phát biểu trước nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới, phó Thủ tướng Trương Cao Lệ đã lớn tiếng khẳng định kinh tế Trung Quốc trong năm nay đã khởi đầu vô cùng thuận lợi. Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực để giải quyết hết mọi khó khăn, “dọn đường” để kinh tế Trung Quốc sẽ bước sang một trang lịch sử tươi sáng mới trong năm 2017.
Ai là người có “quyền lực” hơn so với Quốc vụ viện hay phó Thủ tướng? Có khá nhiều báo chí trong nước, như Sina hay báo Bắc Kinh mới cho rằng, “người đàn ông bí ẩn” được Nhật báo Nhân dân dẫn lời là một vị quan chức nào đó trực tiếp tham gia vào việc quyết định chính sách trong tương lai. Những người này có thể là các chuyên gia, quan chức có cấp bậc như chủ nhiệm văn phòng làm việc của nhóm lãnh đạo tài chính trung ương Trung Quốc, chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô-thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách.
Báo chí trong nước cho rằng, ý kiến mà tờ Nhật báo Nhân dân này trích dẫn tuy chưa trực tiếp chỉ ra vị quan chức dám lớn tiếng phản bác lại chính sách kinh tế, nhưng Cố vấn kinh tế đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình-ông Lưu Hạc là người duy nhất phù hợp với thân phận “người đàn ông quyền uy bí ẩn”.
Hiện nay, ông Lưu Hạc đang nắm giữ chức danh chủ nhiệm văn phòng làm việc của nhóm lãnh đạo tài chính trung ương Trung Quốc, kiêm phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách.
Đây là lần thứ 3 Nhật báo Nhân dân đăng bài với hình thức hỏi đáp về những “nhân vật bí ẩn” tương tự như vậy. Lần đầu tiên có bài tương tự là tháng 5/2015 với nội dung có liên quan đến tình hình kinh tế Trung Quốc. Lần thứ 2 là tháng 1 năm nay, người tiếp nhận phỏng vấn đã bàn bạc thảo luận về tình hình “cải cách cung ứng của Trung Quốc”.
Tháng 1 năm nay, Nhật báo Nhân đã đăng bài bình luận của một tài khoản nước ngoài có tên “Đảo hiệp sỹ” , cho rằng khi đăng một bài bình luận phê bình Tưởng Giới Thạch trên Nhật báo Nhân dân từ năm 1940, ông Mao Trạch Đông đã che giấu thân phận bằng cách sử dụng hình thức giấu tên. Tuy rằng, chưa chắc bài viết chê trách đó là do Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đích thân viết, nhưng không có điều gì nghi ngờ rằng đây chính là ý kiến cá nhân của ông, vì nó mang đậm phong cách và đặc sắc cá nhân của Mao chủ tịch.
Nghiêm Thu (Duowei)