Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 7/9 khiến một cảnh sát PCCC hi sinh, quá trình điều tra, Cảnh sát PCCC TP.HCM xác định nguyên nhân ban đầu là do bảo vệ kho chứa hàng quần áo cũ đốt nhang muỗi trong khi ngủ gây cháy.
Tầng lửng của căn nhà được đúc bằng cốt lưới B40 không chịu được lực. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Pháp luật TP.HCM, chiều 12/9, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại căn nhà số 9, đường 10A (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) làm 3 lính cứu hoả thương vong xảy ra đêm 7/9.
Phát biểu tại buổi họp, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, qua công tác lấy lời khai, thực nghiệm hiện trường và thống nhất của các phòng nghiệp vụ, nguyên nhân ban đầu của vụ hỏa hoạn là do nhân viên của kho chứa hàng bất cẩn trong việc đốt nhang muỗi gây ra cháy.
"Vụ cháy lần này, chúng tôi vô cùng thương tiếc cho đồng chí Long đã hi sinh. Kinh nghiệm xương máu của anh em khi ra hiện trường là phải quan sát kỹ thực địa trước khi tiếp cận chữa cháy", Đại tá Bửu nói.
Theo phòng Pháp chế và điều tra xử lý về cháy, nổ, nguyên nhân do bảo vệ Nguyễn Thanh Hữu (18 tuổi, quê Cần Thơ) trước khi ngủ đã cắm nhang muỗi vào cây kéo cắt chỉ rồi nhét vào miếng bìa carton khác chứa quần áo, quạt để cách đó 2-2,5m nên trong thời gian ngắn đã bén lửa. Đến khi vụ cháy lớn mới phát hiện rồi bỏ chạy. Công an quận Bình Tân đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án.
Đại tá Huỳnh Văn Quyến - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân, cho biết căn nhà có diện tích 250m2, với một trệt, một lửng đúc giả (cốt bằng lưới B40). Diện tích sử dụng hơn 377m2, mái lợp tôn, có sức chịu lửa bậc ba.
Do vụ cháy phát hiện muộn nên lực lượng chữa cháy tại chỗ không thể dập lửa. Đơn vị PCCC quận Bình Tân có mặt thì căn nhà đã bùng cháy lớn.
Trung tâm chỉ huy Cảnh sát PCCC TP.HCM điều động 14 xe chữa cháy cùng 87 cán bộ, chiến sĩ thuộc phòng cảnh sát PCCC quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và đội PCCC Khu công nghiệp Vĩnh Lộc tiếp cận hiện trường.
Trong quá trình chữa cháy, khối sàn bêtông đúc giả mất khả năng chịu lực đột ngột sập xuống khi có 4 chiến sĩ đang đứng trên tầng lửng.
Đại úy Võ Thành Nam kịp chụp lại được ống chữa cháy leo lên được. 3 chiến sĩ bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Sau 15 phút, các chiến sĩ gặp nạn được cứu ra ngoài nhưng Thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi) đã hi sinh. Hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) và Hạ sĩ Phan Tấn Quốc (24 tuổi) bị thương.
Theo Đại tá Quyến, nguyên nhân căn nhà sập là do sàn đúc giả bằng lưới B40 không chịu được lực. Khi ngọn lửa cháy lớn, cộng với lượng hàng để trên tầng lửng khoảng 5 tấn nên đổ sập.
Trước đó, ngày 8/9, chính quyền thành phố cùng nhiều đơn vị đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình và các chiến sĩ bị nạn.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết trước mắt, Quận Bình Tân hỗ trợ gia đình Thượng úy Phạm Phi Long 120 triệu đồng, cùng các chiến sĩ xuống hỗ trợ lo hậu sự, chia buồn cùng gia đình… Quận Bình Tân cũng hỗ trợ mỗi chiến sĩ bị thương 50 triệu đồng. Ngoài ra, luôn có cán bộ túc trực theo dõi đảm bảo sức khỏe cho các chiến sĩ.
Để tỏ lòng tri ân sự hi sinh dũng cảm của Thượng úy Phạm Phi Long, Đảng ủy - Ban giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã báo cáo Bộ và được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý xét thăng cấp bậc hàm trước niên hạn từ Thượng úy lên Đại úy, đồng thời đơn vị đã làm đề xuất gửi Bộ Công an để công nhận liệt sĩ cho Thượng úy Phạm Phi Long.
Đức Hòa (tổng hợp)