Thật khó để có quỹ thời gian bên cạnh cha mẹ mà không phải cuốn vào vòng xoay cơm áo gạo tiền, cũng thật khó để giữ cha mẹ mãi bên đời khi họ có thể lìa xa chúng ta bất cứ lúc nào. Và vì thế, trân quý những phút giây khi còn có thể là điều duy nhất ta có thể làm.
Mùa thu là mùa của nỗi nhớ niềm thương, mùa của những hạt mưa sa lác đác giữa trời. Lòng người sắt đá cũng nhờ mùa thu mà thổn thức. Và mùa thu cũng là mùa Vu Lan báo hiếu, mùa của mẹ, của cha, mùa của tổ tiên gia tộc. Cũng bởi lẽ đó, nhiều người hay hoài cảm về kiếp nhân sinh mỗi khi tháng 7 Âm lịch tới.
Là khi những đóa hoa hồng đỏ thắm nở trên áo của những ai may mắn còn mẹ, và những đóa hoa hồng trắng nhạt sẽ lặng lẽ trước ngực những ai sớm mất mẹ thiếu cha.
Cuộc sống vốn hối hả ngược xuôi, nhưng cứ hễ đầu tháng Vu Lan, dòng người vẫn không quên tề tựu về chùa Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong dịp lễ đặc biệt. Đúng 19h30 tối 18/8 (tức 8/7 Âm lịch), ngôi chùa nằm nép mình bên dòng sông Tô Lịch rực sáng ánh đèn.
Nhiều người cài hoa trắng bật khóc tại lễ Vu Lan tháng Bảy ở chùa Bằng. Thực hiện: Minh Nhân.
Buổi lễ Vu Lan sớm tại chùa Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Có phải con quá hờ hững, vô tâm lắm phải không?
Điều mà ai cũng biết, mẹ là người mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang rồi thêm 3 năm bồng ẵm. Mẹ nhường con ngọt bùi, cay đắng phần mình gánh chịu. Cha là người chăm sóc, lo lắng đủ điều. Cha có thể đi sớm về trưa, một sương hai nắng nhưng vẫn sẽ mỉm cười chỉ cần nhìn thấy con vui. Công dưỡng sinh thành của cha, của mẹ chẳng ngôn từ nào có thể diễn đạt đủ đầy.
Bao lo lắng suy tư đã làm mái đầu xanh của mẹ pha sương trắng. Những nhọc nhằn vất vả của cuộc đời đã làm quằn nặng cả hai vai cha. Suốt một đời này, cha mẹ chỉ biết sống cho con, vì con. Dẫu phải đánh đổi bất cứ điều gì, mẹ cha cũng bằng lòng chấp nhận chỉ để con hạnh phúc, yên vui.
Các tăng ni phật tử chắp tay thành kính.
Sư thầy thắp nến hoa sen bắt đầu buổi lễ.
Đến một sớm mai nào đó, con vươn mình lớn lên. Con từ biệt mẹ cha để rong ruổi tha phương. Con mải mê đôi bàn chân. Con đi rồi, mẹ cha vẫn đợi, vẫn chờ. Mấy mùa qua dẫu nước sông quê hết dòng lại lớn, nhưng mải miết mẹ cha vẫn chưa thấy con trở về. Giọt nước mắt già nua không ứ nổi, mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng.
Con mỗi ngày một lớn thêm, còn mẹ cha mỗi ngày một già cỗi.
Đến một lúc nào đó, con chợt bồi hồi nhớ về cha về mẹ như muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa thân ái. Với nhiều người, chắc gì đã còn cơ hội. Tuổi xế chiều ngày càng chồng chất, mẹ cùng cha đón thời gian lạnh lùng bước qua đời. Cuộc hành trình thầm lặng hướng về phía hoàng hôn.
Những em bé nhỏ tuổi cũng theo chân cha mẹ, người thân tới chùa.
Nga (23 tuổi, quê Nam Định) bật khóc nức nở giữa hàng trăm tăng ni phật tử ngồi chắp tay tại chùa Bằng. Đây là lần đầu tiên cô có mặt tại đây vào một dịp lễ quá đỗi đặc biệt. Nga làm việc ở Hà Nội, còn bố mẹ cô lặng lẽ cuộc sống êm đềm ở quê. Nga không biết cách kiềm chế cảm xúc, cô cứ mặc nước mắt rơi. Lúc này, cô nhớ nhiều về cha mẹ mình.
"Mình rất xúc động. Trong giây phút đó, mình nhớ tới cha mẹ nên đã bật khóc. Mình cảm thấy có lúc đã làm bố mẹ buồn, mình không nghe lời và thực sự hối hận".
Cả có những phút giây xúc động.
Nga bật khóc trong suốt buổi lễ.
Những câu hát về tình mẹ nghĩa cha vang lên bao trùm cả không gian nhỏ. Nhiều người lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Tối hôm nay họ có quyền được khóc, được trải hết lòng mình về những đấng sinh thành, về cha, về mẹ.
"Con đã bỏ mặc mẹ cha đêm ngày cô đơn, hiu quạnh. Có phải con quá hờ hững, vô tâm lắm phải không?". Câu hỏi được phép bỏ ngỏ câu trả lời. Với mỗi cá nhân, ai cũng có đáp án của riêng mình.
Với Nga, với những người trẻ mười tám, đôi mươi, lắm khi sự hối hả của cuộc sống vô tình khiến họ hững hờ, không quan tâm tới mẹ cha. Đã bao lâu rồi, bạn không ăn cơm cùng gia đình? Đã bao lâu rồi, bạn không nói "con yêu mẹ"? Và đã bao lâu rồi, bạn không về thăm cha?
"Lâu lắm rồi!"
Người phụ nữ lớn tuổi không kìm được nước mắt.
Khái niệm "lâu lắm rồi" với Linh - cô gái trẻ 22 tuổi đầy hoài bão, thực sự khiến nhiều người phải đánh giá cô là một người con "không ra gì". Đã 6 tháng, cũng đã được nửa năm. Chẳng ai rõ thứ ma lực ghê gớm nào có thể níu chân Linh ở lại Thủ đô, mà trong từng ấy thời gian không kịp dành chút thời gian cho cha mẹ mình.
Linh vội lấy bông hồng đỏ cài áo. Mùa báo hiếu về rồi, cô dự tính tuần sau sẽ về quê.
"Bông hồng đỏ con cài áo hôm nay là cả một hành trang
Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ
Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ
Gửi về mẹ, cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương!"
Ai cũng bật khóc nhớ tới cha mẹ mình.
Buổi lễ có sự tham dự của Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương.
Còn bố còn mẹ thì vẫn vui hơn chứ!
Trên ngực trái bà Hằng (75 tuổi) là một bông hoa trắng. Mẫu thân, phụ thân bà đều qua đời cách đây chừng mười năm. Từ đó, bà bắt đầu tới chùa Bằng thắp hương khấn vái, những cầu mong cho cha mẹ được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
"Nhớ bố nhớ mẹ lắm chứ, cảm giác rất buồn. Ai còn cha còn mẹ thì vui lắm!"
Bà Hằng hệt như một đứa trẻ con khi nhắc tới cha mẹ mình. Đôi mắt sáng rực, miệng cười chúm chím. Dù trước đó chỉ vài phút thôi, dưới hàng ghế của các phật tử khuôn mặt bà in hằn những giọt nước mắt.
Năm nào vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, bà Hằng lại cuốc bộ từ nhà tới chùa Bằng. Bà khẽ đặt lên ngực trái một bông hoa trắng. "Bố mẹ khi còn sống khoẻ mạnh lắm dù khi đấy 2 cụ đều đã gần 90. Nhưng mà kiếp người không ai đoán trước được...".
Lễ tan, bà Hằng theo người bạn hàng xóm dắt tay nhau đi về. Bà để bông hoa trắng ở chùa, như đặt lại một niềm thương nỗi nhớ, còn trong tim vẫn mãi mãi hình bóng mẹ cha.
Những ngọn nến hình sen được thắp sáng.
"Ðố ai đếm được lá rừng,
Ðố ai đếm được mấy từng trời cao.
Ðố ai đếm được những vì sao,
Ðố ai đếm được công lao mẫu từ".
Mong cha mẹ tha thứ
Chị Quỳnh (30 tuổi, pháp danh Hoa Hạnh) là cựu phật tử tại chùa Bằng. Cả nhà chị, từ bố mẹ tới chồng con đều đã quy y cửa Phật. Dù thành viên bé nhất chưa đến 2 tuổi, nhưng mùa Vu Lan năm nay đã được chị bế ẵm tới chùa Bằng.
Mỗi mùa Vu Lan, chị Quỳnh lại có cảm xúc riêng. Nhưng chung quy lại đều là xúc động! Dù hiếu kính cha mẹ không phải chỉ riêng một ngày Vu Lan, nhưng cứ đến ngày này chị đều cảm thấy "có lỗi" với cha mẹ mình. Chẳng ai tránh được có những lúc khiến cha mẹ buồn, cha mẹ muộn phiền. Chị Quỳnh mong con cái - thế hệ sau chị cũng sẽ hiểu được phần nào.
"Có thể ngày thường chúng ta không để ý, nhưng mỗi khi nghĩ đến những bậc sinh thành, mình lại mong họ tha thứ cho những lỗi lầm. Năm nào những dịp thế này, mình đều cố gắng đưa các cháu đến".
Còn cha còn mẹ là một niềm hạnh phúc lớn lao không gì bằng.
Cuộc sống sẽ luôn tấp nập và xô đẩy chúng ta đến một chân trời nào đó cũng chẳng rõ, nhưng mà, cha mẹ vẫn mãi là bờ vai vững chắc.
Có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu Lan báo hiếu. Vì suy cho đến cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh cha mẹ. Bởi thế hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.
"Đêm đêm con thắp đèn trời