Những vài văn có trí tưởng tượng phong phú: Khuyên Thúy Kiều lấy đại gia, trở thành Hiệu trưởng ngôi trường mình đang học 20 năm sau với trang thiết bị tối tân, hiện đại...là những bài văn gây sốt cư dân mạng thời gian qua.
Bài văn tưởng tượng làm Hiệu trưởng
Với đề bài: "Viết thư gửi tôi 20 năm sau", Lương Trọng Nghĩa (học sinh lớp 10A2, trường THPT Anh-xtanh, Hà Nội) đã sáng tác một bài văn thú vị và hài hước. Mở đầu bài làm là hình ảnh của lễ buổi khai giảng năm 2034, chàng trai này tưởng tượng khi đó mình đã trở thành hiệu trưởng của chính nơi đang theo học.
Đây còn là thời điểm khánh thành ngôi trường mới chuẩn quốc tế hoành tráng với phòng hội nghị công nghệ 3D sức chứa 15.000 người, học sinh giáo viên được trang bị iPad 16, hệ thống nhà hàng 8 sao, nóc tòa nhà còn có sân đỗ trực thăng...
Đặc biệt, nhân dịp này, vị hiệu trưởng mới đã đọc lại bức thư của chính mình viết cách đây 20 năm nêu lý do vì sao từ một nam sinh lười học lại có thể đạt được thành công như ngày hôm nay. Với ngôn ngữ hài hước, trí tưởng tưởng phong phú, bài văn khiến người đọc không khỏi bật cười.
Bài văn khuyên Thúy Kiều lấy đại gia
Bài kiểm tra Văn của Nguyễn Thị Hồng Yến (học sinh lớp 10A4, trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) hóa thân vào nhân vật Thúy Kiều và chọn cách đi làm thêm, kiếm tiền cứu cha đã nhận được điểm 9 cùng lời nhận xét tốt của giáo viên.
Với cùng đề bài “Nếu ở trong hoàn cảnh của Thúy Kiều (cha và em bị bắt, bị đánh đập dã man trong cơn gia biến). Em có lựa chọn nào khác so với cách Kiều đã chọn (bán mình cứu cha, trao duyên cho em) không?”, các học sinh khác của lớp 10A4 cũng đưa ra nhiều giải pháp bất ngờ.
Tiêu biểu, Thúy Kiều có thể bán đất, bán nhà lấy tiền cứu cha, hay góp vốn làm ăn cùng Kim Trọng, lấy sắc đẹp thi tuyển vợ đại gia, làm thiếp của quan phủ...
Bài thơ về Chí Phèo - Thị Nở
Tác giả của bài thơ này là bạn Trần Thế Hoàng Phước, lớp 11 Hóa 2, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu.
Với đề bài mở: Nếu em là người dân làng Vũ Đại..., Hoàng Phước đã “phá cách” khi thể hiện bằng kiểu thơ lục bát. Nội dung bài thơ khắc họa cuộc đời nhân vật văn học nổi tiếng Chí Phèo và mối tình của Chí với Thị Nở (tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao). Hơn thế, bài thơ lột tả được thực trạng xã hội thời phong kiến khi người dân phải sống trong sự kìm hãm của địa chủ, quan lại.
Vì bất thình lình không nghĩ được ra cách làm bài văn xuôi nên Hoàng Phước “xuất khẩu thành thơ” và cũng nơm nớp lo sợ điểm của mình cũng “phiêu lưu” không kém:“Đến đây em cũng bí rồi/ Văn thơ chấm dứt một thời thăng hoa/ Người nào chẳng có lúc sa/ Vì văn không biết nên là làm thơ/ Mong cô ngoảnh mặt làm ngơ/ Đừng cho không điểm kẻo mờ em toi/ Đồng thời cô cũng săm soi/ Có gì sai sót góp lời cho em”.
Bài thơ được chấm 9 điểm bởi sự sáng tạo, có tài của học sinh mặc dù hơi lan man và chưa sát với đề ra: “Thơ em viết thật là hay/Khiến cô cũng thấy vui lây thế nào/ Thấm tình Thị Nở Chí Phèo/ Càng thương tình cảnh đói nghèo lầm than/ Dù đôi ý có lan man/ Lại thêm chưa sát với đề cô cho/ Nhưng công sáng tạo ra trò/Con trai - chuyên Hóa giờ còn mấy ai?/Độc đáo lại cũng có tài/ Cô liền hạ bút chẳng sai: chín tròn!”.
Xem thêm video đang theo dõi nhiều trên tinmoi.vn: Cô giáo Mỹ cover "Cầu vồng khuyết" đốn tim dân mạng
Theo Zing