Nhiều nơi yêu cầu PG khai thêm thông tin về tửu lượng – khả năng uống bia, rượu… Nhiều người khi xem hồ sơ của các PG đã so sánh chúng không khác gì hồ sơ của các người mẫu, diễn viên.
PG (viết tắt của từ tiếng Anh Promotion Girl – nghĩa là nữ nhân viên tiếp thị) đã không còn là một nghề quá lạ lẫm trong những năm gần đây. Hình ảnh những thiếu nữ xinh đẹp, ăn mặc gợi cảm xuất hiện tại các sự kiện, trung tâm thương mại, thậm chí là các quán bia, quán nhậu… đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
“Xem trộm” hồ sơ PG
Làm PG đang được coi là nghề hot, có sức hấp dẫn đặc biệt với cô gái trẻ, đặc biệt là các nữ sinh. Khi nghề PG đã trở nên phổ biến và nhu cầu cần các nữ tiếp thị của các công ty, nhãn hàng ngày càng nhiều, một số công ty chuyên cung cấp PG đã ra đời. Các công ty tổ chức sự kiện luôn có trong tay các tập dày hồ sơ cá nhân của các PG để sẵn sàng liên hệ với các cô gái phù hợp khi cần thiết.
Huyền Trang, được xem là một trong những PG thế hệ đầu tiên ở Hà Nội, cho biết: “Khi mới xuất hiện, việc tuyển chọn PG còn tiến hành khá đơn giản, có thể nói là nghiệp dư. Nhưng khi công việc này phát triển hơn trong mấy năm gần đây, việc tuyển PG cũng khắt khe và chuyên nghiệp hơn”.
Khác với hồ sơ xin việc của nhiều ngành nghề khác, hồ sơ lý lịch của PG chú trọng đến các yếu tố về ngoại hình, sắc đẹp và hình thể. Trong hồ sơ này, bên cạnh tên tuổi, quê quán, điện thoại liên hệ… các nữ tiếp thị bắt buộc phải cung cấp các thông tin chi tiết về chiều cao, cân nặng và cả số đo các vòng. Việc cho biết cỡ quần, cỡ áo của PG cũng là một thông tin bắt buộc phải có. Và không thể thiếu trong hồ sơ của một PG là các bức ảnh chụp chân dung và toàn thân đẹp nhất của các cô gái. Ngoài ra, các PG còn phải cho biết về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, sở thích cá nhân. Một số nơi còn yêu cầu PG khai thêm thông tin về tửu lượng – khả năng uống bia, rượu… Nhiều người khi xem hồ sơ của các PG đã so sánh chúng không khác gì hồ sơ của các người mẫu, diễn viên.
Nhiều PG có gương mặt xinh đẹp và vóc dáng chuẩn không thua kém người mẫu, diễn viên (Ảnh minh họa).
Lý giải về việc các nữ tiếp thị phải cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hình thể, Anh Ngọc, hiện đang là trưởng một nhóm PG ở Hà Nội, cho biết: “Sở dĩ PG phải khai cả số đo ba vòng trong hồ sơ là để đơn vị tổ chức may trang phục cho vừa vặn. PG sẽ là bộ mặt của các công ty, nhãn hàng trong các lần tổ chức sự kiện nên phải đặc biệt chú ý đến hình thức, ăn mặc thật đẹp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sắc đẹp, hình thể và trình độ văn hóa của các PG là tiêu chí cực kỳ quan trọng để “định giá” trả thù lao và sắp xếp vào các vị trí phù hợp. PG nào càng xinh đẹp, có chiều cao, cân nặng chuẩn, có số đo ba vòng nóng bỏng, thậm chí giỏi giao tiếp, ngoại ngữ thì càng đắt giá và “đắt hàng”.
“Không phải tất cả PG đều đòi hỏi phải xinh lung linh, nhưng đều phải ở mức ưa nhìn trở lên. Chân ngắn cũng có thể làm PG, không nhất thiết phải chân dài. Nhưng PG phải có ngoại hình cân đối, hơi gày một chút cũng được, nhưng người nào béo thì đừng mơ làm gái tiếp thị”, PG Anh Ngọc cho biết thêm.
Phân chia đẳng cấp PG
Cùng tính chất làm “bộ mặt”, đại diện hình ảnh cho các công ty, nhãn hàng trong các sự kiện, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm nhưng nghề PG được phân chia thành nhiều loại khác nhau, tùy theo loại hình công việc và chất lượng của mỗi PG.
Theo Trà My, một cô gái xinh đẹp có bốn năm kinh nghiệm làm PG, hiện nay nghề PG có thể chia thành các loại chính là: PG tiệc, PG sự kiện, PG tiếp thị sản phẩm và PG tóc. Mỗi hình thức PG trên lại chia thành nhiều loại công việc nhỏ hơn, tùy thuộc vào các sự kiện cụ thể. Tiêu chí tuyển chọn và mức thù lao trả cho mỗi loại PG cũng khác nhau. PG tiệc thường “có giá” nhất và PG tóc chịu nhiều “tổn thương” nhất.
Muốn làm PG tiệc, các thiếu nữ phải có gương mặt xinh, vóc dáng chuẩn và khả năng giao tiếp tốt. Trong những bữa tiệc có nhiều khách là người nước ngoài, PG còn phải có trình độ ngoại ngữ giao tiếp ở mức cơ bản để có thể hiểu và trò chuyện với khách. Chính vì đòi hỏi cao cả về tài và sắc nên các PG tiệc thường được người trong nghề xếp ở đẳng cấp cao nhất. “Tiền nào của ấy”, mức lương mà mỗi PG nhận được cho một buổi tiệc không dưới 1 triệu đồng. Ngoài môi trường làm việc tốt, được dự tiệc, các PG tiệc còn có cơ hội tiếp xúc với nhiều vị khách sang trọng. Không ít PG sau các buổi tiệc như thế đã “đổi đời” hoặc được nhiều đại gia giúp đỡ trong con đường học tập, công việc.
PG sự kiện thì yêu cầu không cao bằng PG tiệc. Các PG tham gia sự kiện không nhất thiết phải xinh nổi bật mà chỉ cần có gương mặt ưa nhìn và vóc dáng cân đối. Mức thù lao mỗi PG sự kiện được trả cho một ca làm việc 4 tiếng thường từ 250.000 – 500.000 đồng tùy sự kiện và mức độ “chịu chơi” của công ty tổ chức.
Các PG tiếp thị sản phẩm thường có yêu cầu về ngoại hình và trình độ thấp nhất. Do đặc thù công việc cần hoạt động nhiều nên PG tiếp thị sản phẩm đòi hỏi nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt, ngoại hình và gương mặt không cần yêu cầu quá khắt khe. Công việc vất vả, thường phải đứng ở ngoài trời để quảng bá sản phẩm nhưng các PG loại này chỉ được trả mức thù lao thấp hơn nhiều so với các PG khác, thường từ 150.000 – 250.000 đồng/1 ca 4 tiếng. Có nơi PG phải làm cả ngày (8 tiếng) mới nhận được khoản tiền trên. Tuy nhiên, phân loại PG được coi là có đẳng cấp thấp nhất này lại có một ngoại lệ. Đó là trường hợp các PG tiếp thị sản phẩm cho các hãng xe lớn tại các triển lãm ô tô, xe máy. Các PG này thường được chọn từ các diễn viên, người mẫu chuyên nghiệp nên nhan sắc và ngoại hình thuộc hàng “tuyển” và có mức thù lao rất cao.
Chịu nhiều tổn thất và không phải cô gái nào cũng dám làm là PG tóc. Với hình thức PG này, các cô gái phải làm người mẫu để các nhà tạo mẫu tóc thỏa sức cắt xén, nhuộm hấp trong các cuộc thi, triển lãm tóc. Tuy mức thù lao được trả cho một buổi làm mẫu khá cao, từ 800.000 – 1.000.000 đồng, nhưng thiệt hại mà PG tóc phải chịu cũng không nhỏ. Một PG tóc cho biết: “Nhận được 1 triệu tiền công nhưng số tiền bỏ ra để mua thuốc dưỡng tóc, nhuộm lại màu cũng gần hết. Đấy là chưa kể phải sống chung với mái tóc lởm chởm, nhiều khi là “quái dị” trong mấy tháng trời. Thường vì muốn được xuất hiện trên mặt báo nên em mới chấp nhận làm PG tóc, những cũng chỉ làm 1, 2 rồi bỏ”.
Tuy có sự phân chia đẳng cấp tương đối rõ ràng và nhiều cô gái có thâm niên vài năm trong nghề, nhưng đa số các PG ở Việt Nam hiện nay là nghiệp dư. Họ chủ yếu là sinh viên, chỉ coi PG là công việc làm thêm để tăng thu nhập và thường bỏ nghề khi ra trường, có công việc khác ổn định hơn.
Duy Minh