Có tới 90% doanh nghiệp khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước đang hoạt động theo phương thức giao kế hoạch. Cơ chế bao cấp này tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng tiền Nhà nước.
“Sướng” như doanh nghiệp thủy nông
Theo tin tức, chưa tính phần ngân sách địa phương có thu điều tiết về ngân sách Trung ương (TW) tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, một năm, ngân sách TW cũng đã phải tiêu tốn trên 4.000 tỉ đồng cấp bù thủy lợi phí nhưng thực chất là để nuôi bộ máy quản lý vận hành các công trình thủy lợi từ TW đến địa phương vừa cồng kềnh vừa kém hiệu quả.
Hàng nghìn tỉ đồng cho những "cỗ máy" thủy lợi mỗi năm đang cho thấy sự lãng phí tiền ngân sách. |
Dẫn chứng như trường hợp công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (công ty Sông Nhuệ – PV) – một trong 5 doanh nghiệp của TP. Hà Nội được giao quản lý khai thác các công trình thủy lợi đầu mối, đảm nhiệm tưới tiêu cho hơn 100 ngàn ha diện tích nông nghiệp thuộc 9 quận, huyện của lưu vực sông Nhuệ. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, để duy trì hoạt động 87 trạm bơm, 570 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 1.000km đã được UBND TP phân cấp quản lý, doanh nghiệp phải nuôi một bộ máy nhân công vô cùng lớn với 1.100 lao động.
Dù được phép kinh doanh nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực thủy nông như cấp nước sạch cho nông thôn, cấp và tiêu thoát nước cho đô thị, công nghiệp, dịch vụ... nhưng nhiều năm qua, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp này hầu như chỉ tập trung vào việc thực hiện các đơn đặt hàng tưới tiêu hàng năm của UBND TP. “Doanh thu hàng năm của công ty chúng tôi khoảng trên 200 tỉ đồng nhưng trong đó đến 95% là từ các đơn đặt hàng tưới tiêu của thành phố”- bà Trần Thị Tuyết Hạnh- Phó Giám đốc công ty Sông Nhuệ cho biết.
Tương tự, với số lượng lao động cũng xấp xỉ 1.000, dù trong giấy phép kinh doanh công ty TNHH một thành viên ĐTPT thủy lợi Sông Đáy đăng ký tới 8 ngành nghề, nhưng hàng năm, doanh nghiệp này cũng không có nhu cầu mở rộng lĩnh vực kinh doanh để tăng nguồn thu cho doanh nghiệp mà chỉ chăm chăm chờ các đơn đặt hàng từ thành phố để hoạt động. Thậm chí, dù đơn vị này tuyên bố hùng hồn là sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận nhưng với cung cách làm ăn theo cơ chế như vậy thì làm sao có lãi.
“Một năm Thành phố đặt hàng cho Cty chúng tôi dao động từ 150-200 tỉ đồng. Đăng ký nhiều ngành nghề khác nhưng chỉ để hoàn thành hợp đồng tưới tiêu với thành phố cũng mệt rồi”-ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, công ty thủy lợi sông Đáy nói.
Theo tìm hiểu của PV, chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội, 5 công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi đang được Nhà nước đầu tư và giao cho quản lý 568 trạm bơm; 1.959 tuyến kênh với chiều dài 3.442km; 5 đập dâng cùng 29 hồ chứa nước phục vụ tưới cho 322 ngàn ha canh tác, tiêu cho 477 ngàn ha lưu vực.
Hàng năm, ngân sách thành phố Hà Nội “rót” về cho 5 doanh nghiệp này là gần 1.000 tỉ đồng để quản lý khai thác, tu sửa, nâng cấp công trình thủy lợi theo hình thức “đặt hàng”.
Chờ hút “bầu sữa” ngân sách
Trên bình diện cả nước, chưa tính phần ngân sách của các địa phương tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, chỉ tính trong 3 năm từ 2011 đến 2013, phần ngân sách TW mà bộ Tài chính đã cấp bù kinh phí miễn thủy lợi phí cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu đã lên tới 13.163 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo bộ NN&PTNT, hiện nay, trên 90% doanh nghiệp khai thác các công trình thủy lợi trên cả nước lại đang hoạt động theo phương thức giao kế hoạch. Nhiều chuyên gia kinh tế am tường về lĩnh vực thủy lợi cho rằng, cơ chế này một mặt thiếu công cụ giám sát cho cơ quan quản lý chuyên ngành, mặt khác làm hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng quản trị của doanh nghiệp yếu kém, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, số lượng cán bộ, công nhân viên có xu hướng ngày càng tăng. Hệ lụy dẫn tới là các hệ thống công trình thủy lợi bị xuống cấp nhanh, chất lượng cung cấp dịch vụ thấp. Cơ chế này không phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nước, cơ sở hạ tầng và các nguồn lực khác của tổ chức quản lý khai thác để tăng nguồn thu.
PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng viện Kinh tế và quản lý thủy lợi khẳng định với PV: “Nhiều hệ thống công trình thủy lợi có tiềm năng khai thác để cấp nước sạch nông thôn, cấp và tiêu thoát nước đô thị, công nghiệp, dịch vụ cũng như cho nông nghiệp công nghệ cao... nhưng đã không được tận dụng triệt để. Rõ ràng phương thức hoạt động như vậy dẫn tới cơ chế tài chính thiếu bền vững, chủ yếu trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách. Đồng thời, cơ chế bao cấp như hiện nay sẽ không thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, hạn chế cơ chế cạnh tranh cho đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình”.
Đồng quan điểm, trả lời PV bản báo, ông Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi (nay là bộ NN&PTNT) cho hay: “Các chính sách Nhà nước ban ra đừng để mục đích là nhằm dễ dàng xin cái này, cho cái kia mà cái quan trọng là phải làm sao chính sách đó phát huy được nội lực, tạo ra được động lực để phát triển một cách bền vững. 6.000-7.000 tỉ đồng hàng năm ngân sách chi ra nói là để giảm gánh nặng chi phí sản xuất nông nghiệp cho người dân qua cấp bù thủy lợi phí, theo tôi, Nhà nước đừng hỗ trợ cho người dân theo con đường đó, anh cứ để người ta tự trả thủy lợi phí, ngân sách không chi cái này, số tiền ngân sách này nên đưa vào chương trình đầu tư điện, đường, trường, bệnh viện, giường bệnh... và các Chính sách hỗ trợ thiết thực khác cho người nông dân như cấp bù cho con cái họ được đi học chẳng hạn.Đã đến lúc Nhà nước cần phải xóa bỏ triệt để cơ chế cấp bù gián tiếp như hiện nay”.
“Đừng đổ tội cho mấy anh công ty thủy lợi. Anh em người ta cũng biết chứ không phải không biết đâu. Nhưng cơ chế sinh ra như thế, người ta phải thích nghi để tồn tại. Cơ chế xin -cho là gốc rễ của vấn đề, quan trọng là ở người ban ra chính sách. Với cơ chế như hiện nay thì mấy ông doanh nghiệp thủy nông có thể ví như một dạng doanh nghiệp bị “quái thai”. Nó mang tiếng là doanh nghiệp nhưng nó không phải là doanh nghiệp. Nó có sinh ra lợi nhuận đâu, nó hoạt động theo cơ chế xin – cho thế thôi. Tôi tin rằng có cơ chế mới, các doanh nghiệp tự khắc họ sẽ chuyển đổi ngay”, ông Nhơn nói.
Lãng phí phát sinh tiêu cực
Nguồn thông tin bản báo thu được cho thấy, chi nhánh Thủy nông Quảng Xương hằng năm đều lập bảng kê diện tích tưới, tiêu, cấp nước, được UBND huyện Quảng Xương xác nhận nhưng không thực hiện việc ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đến các hộ dùng nước theo quy định. Đáng chú ý, diện tích tưới, tiêu cho lúa, màu do chi nhánh Thủy nông Quảng Xương quyết toán từ năm 2009 đến năm 2013 tăng lên so với diện tích các đơn vị đang quản lý, sử dụng lên tới hàng ngàn ha nhưng vẫn được các xã, HTX và chi nhánh thủy nông ký nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, trình UBND huyện xác nhận gửi về công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sông Chu để quyết toán, làm thất thoát tài sản Nhà nước gần 900 triệu đồng.
Vì sao không thay đổi cơ chế?
PGS.TS. Đoàn Thế Lợi, Viện trưởng viện Kinh tế và quản lý thủy lợi cho rằng: “Đổi mới cơ chế là đổi mới hai vấn đề: “Luật chơi” và “sân chơi”. Nếu anh chỉ đổi luật mà sân chơi chỉ có một người thì luật này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi cảm thấy không ổn chút nào khi ban hành chính sách ra nhưng không ai thực hiện, không thực hiện cũng chẳng bị làm sao. Lộ trình là phải đấu thầu. Đấu thầu mới có cạnh tranh. Vì sao các địa phương không chịu thay đổi cơ chế? Có thể làm như thế sẽ tốt hơn cho họ trong việc tiêu tiền Nhà nước?”.
Trần Quyết - Trung Dũng