Theo TS.BS Bùi Phương Thảo (Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, BV Nhi Trung ương) cho biết: Nếu như 10 năm trước khoa Nội tiết tiếp nhận 10 trẻ/năm đến khám và điều trị vì dậy thì sớm thì những năm gần đây khoa tiếp nhận 350 trẻ/năm.
Đáng nói, độ tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm là vài tháng tuổi. Vì thế, bố mẹ nên nắm rõ những dấu hiệu dậy thì sớm ở các con để kịp thời can thiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, dậy thì sớm ở bé trai xảy ra trước khi trẻ 9-10 tuổi.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai như sau:
- Bé trai sẽ có tiếng nói ồm ồm, mọc ria mép và mọc lông bộ phận sinh dục, tinh hoàn phát triển nhưng không sản xuất được tinh trùng.
- Tăng trưởng chiều cao rõ rệt, trung bình cao trên 6cm/năm, dậy thì chuyển đổi nhanh trong 3-6 tháng.
- Bé sẽ xuất hiện mụn trứng cá trên khuôn mặt, chủ yếu là 2 má và trán.
Các chuyên gia cho rằng, khi phát hiện con có dấu hiệu dậy thì sớm, bố mẹ không nên hốt hoảng, trách mắng mà hãy đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để chẩn đoán dậy thì sớm, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, và hàng loạt các siêu âm ổ bụng khác… Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.
Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ cũng cần quan tâm, động viên tránh để ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé, theo dõi sát sao sinh hoạt của con để kịp thời điều chỉnh những bất thường...
Để ngăn ngừa dậy thì sớm, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học. Bữa ăn không nên thừa chất, chứa nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, chất tạo màu mà nên cho con ăn một chế độ cân bằng, có đủ 4 nhóm chất là chất đạm, chất béo, tinh bột, rau củ...
Đặc biệt, không nên cho con dùng nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng chiều cao...