Trước ồn ào liên quan đến việc Bộ GTVT yêu cầu thẩm tra học vị, ông Trần Đình Bá từng được biết đến với những tuyên bố gây sốc và đề xuất táo bạo về các kế hoạch phát triển hàng không, đường sắt.
Xin lỗi ông Trần Đình Bá là “hành động khôn ngoan” của ngành giao thông
Câu chuyện ông Trần Đình Bá bị Bộ GTVT đề xuất thẩm tra học vị tiến sĩ sau khi một số báo đăng bài dẫn ý kiến của ông Trần Đình Bá cho rằng sân bay Long Thành “đạo” phối cảnh của sân bay Chek Lap Kok - Hong Kong đã thu hút sự quan tâm của dư luận tuần qua.
Tuy nhiên, ngày 31/5, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam đã “bất ngờ” gửi thư xin lỗi ông Trần Đình về vấn đề này. Trong thư , Cục trưởng Hàng không Việt Nam đã gửi lời xin lỗi ông Trần Đình Bá và hi vọng “sự việc khép lại ở đây", để có thể cùng nhau hợp tác nỗ lực tìm ra những cách thức giải quyết tốt nhất, cho những vấn đề không chỉ của riêng ngành giao thông vận tải, mà còn gắn với tương lai phát triển của đất nước, chẳng hạn như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Trần Đình Bá được biết đến với những đề xuất táo bạo về giao thông. |
Ông Thanh cũng tự đánh giá: “Đó là hành động không nên có giữa các nhà khoa học khi chúng ta đều cùng chung mối quan tâm, cùng đề cao giá trị của lòng chân thành và sự tương kính lẫn nhau về học vấn”. “chỉ bằng một hành động bột phát thiếu cân nhắc, tôi đã làm tổn thương không chỉ cá nhân ông, mà còn làm tổn thương cả với ngành của mình, đặc biệt là với cá nhân đồng chí Bộ trưởng”.
Lý giải về điều này, ông Lại Xuân Thanh cho rằng do áp lực công việc, vì phản ứng thiếu kiềm chế khi nhất thời cảm thấy cơ quan mình, bản thân mình bị tổn thương trước những thông tin không chính xác của dư luận, nên đã hành động một cách vội vã.
“Khi tham mưu cho lãnh đạo yêu cầu xác minh bằng tiến sĩ của ông, tôi chỉ muốn mọi người không bị tác động mạnh của thông tin (vốn là nhầm lẫn như chính ông xác nhận), mà thông tin đó dẫn đến mọi người hiểu sai bản thân mình, hiểu sai cơ quan do mình phụ trách. Tôi đã không lường tới hậu quả lớn hơn rất nhiều là hành động đó đã vi phạm nguyên tắc do đồng chí Bộ trưởng Đinh La Thăng đề ra cho cấp dưới là phải lắng nghe mọi phản biện một cách vô điều kiện, dù người phản biện là ai, làm gì, với động cơ gì”, ông Thanh viết trong thư.
Liên quan đến vấn đề này, tại diễn đàn khoa học thảo luận về Dự án sân bay Long Thành do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức sáng1/6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói rõ: “Tôi chưa bao giờ hỏi anh Trần Đình Bá anh là tiến sĩ hay không. Bởi vì tôi xem ý kiến của anh Bá như bất kỳ ý kiến của người dân nào”.
Theo Bộ trưởng Thăng, trong mấy năm nay , ông Trần Đình Bá thường xuyên có tin nhắn đóng góp ý kiến bằng thư, bằng tin nhắn hoặc điện thoại trực tiếp cho và ông đều trả lời đầy đủ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đánh giá, ông Bá là con người rất hăng hái, nhiệt tình với vấn đề của ngành giao thông vận tải. Với tư cách là người đứng đầu ngành giao thông ông luôn trân trọng quý mến ông Trần Đình Bá.
Việc Cục trưởng Cục Hàng không viết thư xin lỗi ông Bá được dư luận đánh giá cao và cho rằng đây là hành động khôn ngoan, không chỉ của ông Lại xuân Thanh mà còn của Ngành giao thông. Bởi lẽ, bức thư “ngụ ý” ông Trần Đình Bá chỉ đóng góp ý kiến với tư cách “người thường” vừa được tiếng là cầu thị.
Tuy nhiên, một số ý kiến đặt dấu hỏi: xin lỗi ông Trần Đình Bá là việc Cục trưởng hay Thứ trưởng bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nên làm? Liệu có phải, cục trưởng Lại Xuân Thanh đã nóng vội, nhận cả lỗi của người khác? Bởi người ký văn bản số 6572 /BGTVT-về việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục và đào tạo, đề nghị xem xét thẩm tra, cung cấp thông tin công khai về độ chính xác của học vị tiến sĩ hàng không của ông Trần Đình Bá là Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu.
“Lời xin lỗi đã được phát đi với tư cách cá nhân, và được đánh giá là không xứng tầm. Vì công văn phát đi với tư cách là của Bộ, nhưng ông Thanh lại đứng ra nhận trách nhiệm là việc “của mình”, của cơ quan mình. Nhận lỗi nhưng phải đúng lỗi của mình, không thể lại một lần nữa nóng vội nhận cả lỗi của người khác” trích đoạn trong bài viết “Xin lỗi ông Trần Đình Bá: Cục trưởng hay Thứ trưởng nên làm?” trên vov.vn.
Những góp ý của ông Trần Đình Bá với ngành giao thông
Ông Trần Đình Bá được biết đến với nhiều tuyên bố gây sốc như: đặt cược với Bộ GTVT 5 triệu USD về hiệu quả của “đường bay vàng”; gửi lời thách đấu tới thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.. và nhiều đề xuất táo bạo về các kế hoạch phát triển hàng không, đường sắt.
Cụ thể, liên quan đến đề án đường sắt cao tốc, ông Trần Đình Bá đã gửi thư tới Bộ GTVT và báo giới cho rằng, dự án nâng cấp đường sắt khổ 1 m để hành trình Bắc - Nam rút xuống còn 21 - 23 giờ của Cục ĐSVN là tính cua trong lỗ, lừa dối nhân dân.
Theo ông Bá, đường sắt vẫn chỉ khổ 1 m nên tốc độ trung bình không vượt nổi 45-50 km/giờ hành trình Bắc- Nam không thể có 12-15 tiếng và cũng sẽ không thể có 21-23 tiếng.
Trong bức thư, ông Bá gửi lời thách đấu với ông Nguyễn Ngọc Đông 2 điều: Ông Đông ngồi lên tàu chạy thực nghiệm 120 km/giờ để có tốc độ trung bình 80 - 90 km/giờ để hành trình Bắc - Nam đạt 21 - 23 giờ. Nếu thành công ông Bá sẽ coi ông Đông là “người anh hùng” và thưởng 5 triệu USD. Ngược lại, nếu ông Đông không dám thử nghiệm, lại để xảy ra lật tàu chết người, ông Đông phải trả cho ông Bá 5 triệu USD. Ông Đông sẽ phải chịu trách nhiệm về sáng kiến này và sẽ được ông Bá gọi là… “nhà phá hoại vĩ đại”.
Cũng trong thư, ông Bá cho hay đã lập xong dự án đầu tư 5 tỉ USD xây đường sắt khổ 1,435 m trong 1 năm, chiếm 5% GDP của cả nước. “Dự án khôn ngoan và thông minh này sẽ nhanh chóng thủ tiêu đường sắt đồ cổ, vừa có đường sắt hiện đại 1.435 m nối mạng quốc tế tiết kiệm vốn đấu tư hàng chục tỉ USD".
Sau bức thư với lời thách đấu Thứ trưởng Đông gây sốc dư luận, ông Trần Đình Bá tiếp tục gửi tâm thư cho Bộ trưởng Đinh La Thăng khẩn thiết đề nghị mở hội thảo về đường sắt.
Trong thư ông Bá viết, mọi dự án về đường sắt phải được thẩm định, phản biện thông qua Quốc hội để quyết định đầu tư. Phải nhanh chóng mở rộng đường sắt mới hy vọng có lối thoát cho việc giảm thiểu Tai nạn giao thông.
“Tôi đã nghiên cứu xong dự án nội lực (không vay ODA) bằng cách dùng sức mạnh tổng lực của quân và dân theo bài học khôi phục đường sắt xuyên Việt 1975-1976, thi công đường điện 500 kV (1992-1993) thì chỉ 1 năm là xong. Tôi khẳng định luận chứng luận cứ kỹ thuật (bài toán Mô men kháng lật và chịu tải cho đường sắt) cùng luận chứng kinh tế 5 đến 6 tỉ USD là chính xác”, ông Bá viết.
Trong thư ông Bá thẳng thắn cho rằng: đường sắt quốc gia là siêu công trình trọng điểm đặc biệt mà một mình Bộ GTVT sẽ không kham nổi. Do đó, cần có một hội thảo tầm quốc gia về đường sắt để có cơ sở đưa ra Quốc hội thảo luận quyết định đầu tư. Cuộc họp này sẽ do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì.
Ông Trần Đình Bá là người từng nhiều lần đề xuất ngành giao thông thực hiện ý tưởng đường bay vàng |
Đề án đường bay vàng (đường bay thẳng Bắc – Nam)cũng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, trong đó, ông Trần Đình Bá cũng thường xuyên được nhắc tới với vai trò là người theo đuổi ý tưởng này nhiều năm qua.
Ý tưởng đường bay thẳng Bắc - Namđược cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra năm 2009, đã bị các chuyên gia hàng không bác bỏ sau nhiều cuộc hội thảo. Năm 2012, ông Trần Đình Bá tiếp tục đề xuất và lại bị bác bỏ. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục hàng không nghiên cứu lại đề án đường bay thẳng như đề xuất của ông Trần Đình Bá nhằm rút ngắn chặng bay Bắc-Nam, giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu.
Theo tính toán của ông Bá,dù phải trả phí quá cảnh 600 - 800 USD, đường bay thẳng vẫn giúp các hãng tiết kiệm được 3.500 - 5.000 USD mỗi chuyến tùy loại máy bay.
“Tôi chịu trách nhiệm về những tính toán của mình, tôi sẵn sàng đối chất với lãnh đạo các bộ ngành về tính khả thi của đường bay thẳng Bắc - Nam", ông Bá khẳng định trong một cuộc trao đổi trên báo Vnexpress sau khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định tái nghiên cứu đường bay thẳng Bắc - Nam.
Cũng liên quan đến dự án “đường bay vàng”, được biết, ông Trần Đình Bá đã từng đưa ra lời thách đấu 5 triệu USD khi Cục Hàng không khi cho rằng dự án “đường bay vàng” là không có cơ sở khoa học, tính toán chưa chính xác. Theo lời thách cược, nếu Cục Hàng không chứng minh việc tính đúng hiệu quả đường bay vàng như số liệu (sai số cho phép 5%) đã báo cáo Thủ tướng và công bố trên báo chí thì ông Bá sẽ trả toàn bộ số tiền cược 5 trịêu USD. Ngược lại, nếu ông chứng minh được hiệu quả "đường bay vàng" Hà Nội - TP.HCM cao hơn 20% số liệu của Cục Hàng không thì Cục Hàng không sẽ thua ông 5 triệu USD.
Còn gần đây, khi dư luận cả nước đang hướng về đề xuất thực hiện dự án sân bay Long Thành, ông Bá tiếp tục có ý tưởng đề xuất cải tạo sân bay Biên Hòa “thành sân bay hỗn hợp quốc tế, quân sự có công suất 40 triệu khách/năm và hai triệu tấn hàng/năm”. Đề xuất này của ông Bá gây xôn xao dư luận, đặc biệt là một bộ phận trong giới nghiên cứu cho rằng ông Bá đã “nổ” to hơn... sấm sét.
Trong lần đề xuất này, ông Bá cho rằng, cần biến sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay hỗn hợp quốc tế trung chuyển và quân sự “hiện đại nhất thế giới” hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Đây cũng là sân bay hậu cần lắp ráp, sửa chữa bảo dưỡng máy bay… với nguồn lợi mang về mỗi năm 1,2- 2,5 tỉ USD/năm mà không phải đi vay vốn nước ngoài.
Để thuyết minh cho con số nêu trên, ông Bá nêu: sân bay Biên Hòa có “tổng diện tích, kho tàng, đường sá trên 49 km2 (tức hơn 4.900 ha -NV). Biên Hòa là sân bay quân sự hiện đại và rộng nhất thế giới có giá trị tài sản không dưới 21 tỉ USD đang lãng phí suốt từ năm 1975 đến nay, trong khi hàng năm Việt Nam vay nước ngoài để trả nợ nước ngoài 1.8 tỉ USD/năm”.
“Vậy mà lại đi vay 8 tỉ USD để làm sân bay Long Thành là một nghịch lý chưa từng có trong lịch sử đầu tư thế giới”, ông Bá nhận định.
Ông Bá đưa ra con số chỉ cần vốn đầu tư ban đầu 520 triệu USD từ ngân sách (mà không phải vay nước ngoài) để cải tạo Biên Hòa trong vòng 12-18 tháng, không bồi thường, giải phóng mặt bằng và không phải di dời dân.
Hiệu Minh