Cô giáo cung Bọ cạp mắng học sinh, nữ Giáo sư Toán học thứ 2 của Việt Nam, cựu thí sinh Olympia bị kỷ luật vì nói xấu nhà trường trên Facebook...là những gương mặt giáo viên gây chú ý nhất trong năm 2015.
Cô giáo cung Bọ Cạp mắng học viên
Ngày 31/7, một đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên ở trung tâm ngoại ngữ liên tục mắng nhiếc, xưng “mày tao” và có giọng điệu đe doạ học sinh gây xôn xao trên mạng.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 30/7 tại Trung tâm ngoại ngữ L.N, chi nhánh ở Hà Đông, Hà Nội. Vào thời điểm trên, nữ sinh viên có tên B.Y.Y cùng bạn trai đến yêu cầu nữ giáo viên và các tư vấn viên của trung tâm giải thích vì sao lại gia hạn khóa học. Trong quá trình tranh cãi với bạn trai đi cùng nữ sinh, giáo viên xưng mày - tao, mắng hai người vô học rồi nói sẽ gặp hiệu trưởng trường nữ sinh theo học. Cô cũng nói mình sinh vào cung Bọ Cạp và sẽ "xử lý" việc này.
Cô giáo Nguyễn Phạm Lê Na. Ảnh: VTC News |
Cô giáo được xác định trong clip là Phạm Nguyễn Lê Na, giáo viên tại Trung tâm ngoại ngữ L.N, chi nhánh ở Hà Đông, Hà Nội.
Giải thích về câu nói “Tao là cung bọ cạp”, cô giáo Lê Na cho biết trên VTC News:” Đó chỉ là câu nói vui với học sinh vì bọ cạp thì ghê nghĩa là cô Lê Na ghê đấy”.
Theo cô Lê Na, khóa học của sinh viên đến thắc mắc đã quá hạn. "Nếu mình nhớ không nhầm thì danh sách đăng ký học của bạn ấy từ năm ngoái... Khóa học chỉ có hạn trong vòng 4 tháng. Mình thấy trên giấy đăng ký học, bạn ấy vẫn được tạo điều kiện học lớp TUTOR TOEIC chứ không hề bị đuổi. Còn việc đang học mà nói lịch không phù hợp, thì trong cả quãng thời gian ấy, bạn phải bảo lưu và xin chuyển lớp".
Cô giáo này cũng thừa nhận hành động đôi co với học viên mang tính bột phát khi các bạn cũng mất kiềm chế.
Giảng viên bị kỷ luật vì “nói xấu” nhà trường trên Facebook
Ngày 21/11 trên facebook cá nhân, ông Doãn Minh Đăng, giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ (Đại học KTCN) cho biết mình bắt đầu gặp vấn đề với nhà trường sau khi ông đi tham dự một Hội nghị khoa học do Viện Toán học tổ chức vào tháng 3/2015 tại Hà Nội. Dù ông đã xin phép trưởng khoa (xin miệng) và gửi báo cáo xin đi hội nghị tự túc từ trước, nhưng vào cuối tháng 3/2015, Ban giám hiệu nhà trường lại yêu cầu ông phải có văn bản xác nhận của đơn vị tổ chức về thời gian thực tế tham tế của hội nghị.
Sự căng thẳng của nhà trường và ông Đăng tiếp tục khi nhà trường cho rằng trong bản gửi đi xác nhận việc tham dự hội nghị, ông Đăng đã công khai biên bản giao ban nội bộ của trường và có những câu chữ không tôn trọng nhà trường. Dựa vào thư này của ông Đăng, nhà trường đã cách chức phó trưởng khoa của ông Đăng.
Cụ thể, theo quyết định kỷ luật do ông Dương Thái Công - Hiệu trưởng Đại học KTCN Cần Thơ ký ngày 12/10, ông Đăng vi phạm Điều 19 Luật Viên chức “Những việc viên chức không được làm” là “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”; Vi phạm Điều 58 Luật Giáo dục đại học “Các hành vi giảng viên không được làm” là “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác”; Vi phạm Điều 12 Luật Công nghệ thông tin “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây: Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”; Vi phạm điều 6 Nghị định 90 Chống thư rác là “gửi thư rác”.
Cô giáo cắt tóc cho học sinh ngay trong lớp
[mecloud]C7Vq9hvpDr[/mecloud]
Clip quay cảnh cô Hồ Thị Tú Nhi cầm kéo cắt tóc cho nam sinh lớp 12A6 trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã gây được sự chú ý của nhiều người. Chỉ với chiếc lược và cây kéo, cô giáo ngồi cắt tóc cho cậu học trò nhanh thoăn thoắt. Nhiều học sinh khác ở dưới lớp tỏ ra thích thú.
Giáo viên trong clip là Hồ Thị Tú Nhi, sinh năm 1981, đang dạy bộ môn Toán tại trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM. Nam sinh được cô cắt tóc là lớp trưởng 12A6.
Chia sẻ với Zing.vn, cô Tú Nhi cho biết: "Tôi không biết về clip này. Lúc học trò cũ gọi điện hỏi thăm, tôi mới về nhà xem. Tôi bất ngờ khi mình trở thành đề tài bàn tán trên mạng. Nhiều người không rõ thực hư, bình luận thiếu tế nhị làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của tôi".
Cô giáo 8X kể, nam học sinh trong clip để tóc dài nhưng nhắc mãi không chịu cắt nên cô quyết định "tự xử" ngay tại lớp. Nữ giáo viên bật mí, cô vẫn thường tự cắt tóc cho chính mình nên có chút năng khiếu trong việc này. Cô đã lên thư viện mượn kéo, giúp học trò cắt phần mái trước cho gọn gàng.
Cô Tú Nhi khẳng định, đây không phải hình phạt học trò như mọi người nghĩ. "Các em đang bận rộn cho chương trình lớp 12, học liên tục từ sáng tới chiều không có thời gian cắt tóc nên tôi muốn giúp. Bạn nam trong clip là học sinh ngoan. Tôi cũng từng cắt cho nhiều em trước đó", cô giáo Tú Nhi nói.
Cô giáo ra đề toán lớp 3 xây xôn xao báo nước ngoài
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên (giáo viên lớp 3A3, khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là người đã ra đề thi bài Toán lớp 3 khiến dư luận xôn xao về độ khó của bài toán.
Với việc ra đề toán trên, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã yêu cầu hiệu trưởng và cô giáo Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc tường trình. Qua tường trình của giáo viên, ông Thanh đã đề xuất xử lý ở mức độ nhắc nhở các cá nhân liên quan về việc đưa bài toán lớp 3 không nằm trong chương trình giảng dạy Bộ GD-ĐT theo quy định.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội |
Xung quanh bài toán nhiều tranh cãi này, nhiều người cũng đã bày tỏ sự cảm thông đối với cô giáo vì muốn học sinh phát triển tư duy mà bị nhắc nhở. Việc đưa ra một bài toán hóc búa của cô giáo Kim Quyên xuất phát từ lòng yêu nghề, khuyến khích con trẻ tìm tòi, học tập. Cô giáo đã rất quan tâm và có trách nhiệm với học sinh, khuyến khích những em có khả năng phát huy cao hơn nữa chứ không ép tất cả các em phải làm bài toán khó này. Đây là sự quan tâm có trách nhiệm chứ không hề cầu toàn như những người muốn tránh trách nhiệm, không nên vì điều này mà kỷ luật cô giáo.
Nói về đề thi lớp 3 gây xôn xao dư luận, trên báo Gia đình & Xã hội, cô Quyên chia sẻ: “Nếu chỉ dạy theo chương trình sách giáo khoa thì giáo viên rất khỏe. Nhưng vì cái tâm của một giáo viên, tôi thấy nếu mình không ôn tập nâng cao thêm thì rất uổng phí cho những em học sinh giỏi của lớp. Bản thân tôi chẳng bao giờ ép học sinh phải làm toán khó, phải học giỏi, phải tham gia dự thi các cuộc thi, chủ yếu là khuyến khích các em có tư duy độc lập. Có chăng tôi chỉ “ép” những học sinh trung bình bằng phương pháp riêng để các em cố gắng học đạt với mức chuẩn. Trong trường, các giáo viên chúng tôi cũng rất hay trao đổi và chia sẻ cho nhau những bài tập hay. Nhiều khi gặp những bài khó, chúng tôi cũng phải thảo luận rất lâu để đưa ra cách giải sao cho phù hợp nhằm trả lời phụ huynh và hướng dẫn học sinh”.
Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Kim Quyên năm nay 43 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Đà Lạt, cô về dạy tại một trường vùng ven của TP Bảo Lộc, sau đó mới chuyển về Trường tiểu học Thăng Long công tác đến nay.
Lê Vy (tổng hợp)