Theo luật sư, dù kết quả thương tích của anh Hoàng chưa tới 11% thì các đối tượng tấn công anh Hoàng cũng sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Liên quan đến vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (PV báo Lao Động) bị đánh trọng thương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, có thể nói rằng các vụ việc hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp đang xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng. Đây là một thực trạng đáng buồn, vì vậy cần phải có sự vào cuộc thực sự của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền tự do báo chí và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm cho các phóng viên, nhà báo.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: Trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn chưa tốt. Hiện tượng coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác vẫn còn tồn tại dẫn đến nhiều hành động côn đồ, càn rỡ... sẵn sàng tấn công, hành hung người khác, trong đó có các phóng viên, nhà báo. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà "không suy nghĩ điều gì".... vì tức giận nên vi phạm pháp luật, đến khi bị xử lý hình sự thì mới biết hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra. Đó là vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, cái này cần phải tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân", ông Cường phân tích.
Nhà báo Doãn Hoàng bị đánh dập ngón tay. Ảnh: Internet |
Cũng theo ông Cường, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc nhà báo bị hành hung là do đặc thù nghề nghiệp: Phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp là thường thu thập các thông tin, tài liệu về các hiện tượng tiêu cực xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật, những vấn đề có tính chất là mặt trái của xã hội... Vì vậy, khi phản ánh các câu chuyện này trên báo chí thì dễ dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho người bị phản ánh (cơ quan có thẩm quyền sẽ vào cuộc, xử lý các hiện tượng bất cập đó). Từ đó phát sinh tâm lý thù ghét và hành động trả thù và nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật là tấn công, hành hung phóng viên, nhà báo.
"Nếu nói rằng nguyên nhân xảy ra hiện tượng tấn công, hành hung phóng viên, nhà báo là do chế tài chưa đủ răn đe thì cũng chưa hoàn toàn đúng bởi thực tế các chế tài hành chính, hình sự của chúng ta đối với việc cản trở nhà báo tác nghiệp, tấn công, hành hung nhà báo là tương đối nghiêm khắc. Đối với vụ việc của nhà báo Hoàng, Báo Lao động vừa bị tấn công tại khu vực Kim Lũ vừa qua thì có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Hành vi chặn đánh nhà báo Hoàng dẫn đến thương tích là hành vi có thể xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự", ông Cường nói.
Ngoài ra, luật sư Cường cho biết, theo quy định tại Điều 20, Điều 104 BLHS thì ngoài các đối tượng trực tiếp đánh nhà báo Hoàng, các đối tượng khác chủ mưu, xúi giục, giúp sức cũng đều bị xử lý về một tội danh với các vài trò đồng phạm khác nhau.
"Theo thông tin mới đây thì các đối tượng đã sử dụng gạch, đá, gậy... để gây thương tích cho nhà báo Hoàng, đây là "hung khí nguy hiểm" theo hướng dẫn của TAND tối cao. Vì vậy, dù kết quả thương tích của anh Hoàng chưa tới 11% thì các đối tượng tấn công anh Hoàng cũng sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Việc áp dụng khung, khoản nào của tội danh này sẽ phụ thuộc vào kết quả giám định thương tật của nạn nhân", ông Cường nhận định.
Trước đó, như tin đã đưa vào sáng ngày 23/3 nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan giao, khi đến khu vực phía sau chung cư Kim Lũ (nơi đang có công trình xây dựng) phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì bị một nhóm côn đồ chặn đánh khiến anh Hoàng bị dập nát xương ngón tay, và nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Hiện cơ quan công an đang tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân và tìm thủ phạm gây ra vụ việc trên.
Điều 5, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí và "Điều 7. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này. Nếu hành vi cản trở nhà báo dẫn đến việc bắt giữ người (nhà báo, phóng viên) trái phép thì người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội bắt, giữ, giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, hình phạt có thể tới 10 năm tù. Nếu hành vi cản trở phóng viên, nhà báo thể hiện ở hành vi đập phá, làm hư hỏng thiết bị (máy quay phim, ghi âm, các phương tiện điện tử, tài sản) của phóng viên, nhà báo mà tài sản đó trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì người có hành vi vi phạm, tấn công phóng viên, nhà báo sẽ bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự, mức hình phạt ở tội danh này thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là tù chung thân.Nếu hành vi cản trở nhà báo thể hiện ở hành vi hành hung, đánh người, gây thương tích mà thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, đến điểm k, khoản 1, Điều 104 BLHS (dùng hung khí nguy hiểm; có tổ chức; có tính chất côn đồ; gây thương tích thuê; gây cố tật cho nạn nhân...) thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự thì hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù, hình phạt cao nhất là tù chung thân.Nếu hành vi chỉ dừng lại ở cản trở, không cung cấp thông tin thì cũng có thể bị xử lý hành chính, thậm chí có thể xử phạt hành chính. Nếu hành vi hành hung có thể dẫn đến tước đoạt tính mạng của phóng viên, nhà báo hoặc có mục đích tước đoạt tính mạng của phóng viên, nhà báo do thù tức.. thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự (kể cả trong trường hợp nạn nhân không chết), với tội danh này thì hình phạt có thể tới mức tù chung thân hoặc tử hình. Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Thu Trang