Vượt qua quãng đường đầy gian nan trong cái giá rét của “thiên đường băng tuyết” Mẫu Sơn, chúng tôi có cuộc trò chuyện với những người quanh năm trông trời, trông mây, gió... để phần nào hiểu được công việc vất vả, gian nan của những người làm Khí tượng thủy văn.
Vượt qua quãng đường dài 30km, từ thành phố Lạng Sơn, chúng tôi đến với Trạm khí tượng Mẫu Sơn, trong cái rét của mùa đông vùng núi. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự thay đổi về địa hình và thời tiết. Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông-Tây, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình. Đây là vùng núi cao của tỉnh, địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800-1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung), đỉnh Phia Mê cao 1.520m.
Anh Quyết đang đo nhiệt độ mặt đất. |
Tiếp đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ với rất nhiều thiết bị máy móc trên đỉnh Mẫu Sơn là anh Hoàng Văn Quyết, Trạm trưởng Trạm khí tượng Mẫu Sơn và anh Hoàng Mạnh Hùng, bên chiếc máy sưởi vừa được trung tâm sắm sau đợt rét kỷ lục hồi đầu năm. Anh Quyết cho biết: Trạm có 3 người, hàng ngày cứ đúng giờ 3 anh em thay nhau đi lấy số liệu, thời gian quan trắc, các hiện tượng thời tiết được quy định thống nhất trong cả nước và quốc tế là: 1 giờ , 7 giờ , 13 giờ và 19 giờ hàng ngày, sau đó tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả về trung tâm.
Không giống vẻ bề ngoài trầm ngâm của mình, anh Quyết rất thân thiện, cởi mở khi nói chuyện. Anh tâm sự: “Tôi tốt nghiệp trường trung cấp khí tượng thủy văn năm 1988, được phân công công tác tại trạm Đình Lập. Khi ấy, đường đi lại còn khó khăn, chưa có điện, xa người thân, đang tuổi thanh niên nên buồn lắm. Nhiều khi nhớ nhà, nhớ gia đình, thèm được nghe cả tiếng tàu xe khiến tôi nhiều đêm không ngủ được. Tôi chuyển công tác lên Mẫu Sơn từ năm 2009, khi trạm được thành lập. Hơn 23 năm gắn bó với nghề, giờ thấy quen rồi.” Thâm niên trong công tác, khiến anh có rất nhiều kỷ niệm với nghề, buồn cũng có, nhưng vui thì rất nhiều. Đặc biệt khi tôi hỏi về kiến thức ngành, anh kể rất say sưa, nào là: thế nào là rét đậm, rét hại? thiệt hại mà nó ảnh hưởng tới nông nghiệp ra sao... Và còn rất nhiều kiến thức của nghề khí tượng thuỷ văn mà anh chia sẻ với chúng tôi. Nhìn anh say sưa kể chuyện nghề mới thấy anh yêu cái nghề “trông trời, trông mây, gió…” như thế nào. Hơn hai chục năm, với bao nhiêu kỷ niệm, vậy mà mặc nhiên không hề thấy anh kể đến những khó khăn, vất vả của cái nghề khắc nghiệt này.
Trái với anh Quyết, người đã có thâm niên trong nghề và gần 50 năm tuổi đời, thì Huy và Hùng còn rất trẻ. Sau một hồi chuyện trò, tôi mới biết, họ là 2 anh em, sinh ra trong gia đình có truyền thống làm khí tượng. Khi được hỏi: nghề này có vất vả không? Hùng thẳng thắn trả lời: vất vả chứ, nhất là thời gian mới vào nghề, sống ở thành phố đông vui quen rồi, lại tuổi trẻ, ham vui, ham chơi tự nhiên phải ru rú ở trên đỉnh núi, chán lắm. Lúc trước, trên này chưa có nhiều khu nghỉ như bây giờ, chủ yếu chỉ có đồng bào người Dao sinh sống, nhưng họ không sống thành làng, mà sống riêng lẻ lưng chừng núi, muốn giao lưu cũng khó. Những ngày mùa đông, đi ra ngoài, muốn thấy một bóng người còn khó hơn mò kim đáy bể. Nếu không yêu nghề, thì khó mà trụ lại được nơi này lắm, không chỉ bởi đồng lương ba cọc, ba đồng, mà ở trên này, quanh năm mây mù bao phủ, nhưng khổ nhất vẫn là thiếu nước và xa trung tâm. Mỗi lần đi chợ, phải mua thức ăn dự trữ cho cả tuần, nước dùng hàng ngày chủ yếu là nước mưa. Hơn nữa, trên này độ ẩm cao nên giặt quần áo không khô, mùa đông gần như phải sưởi 24/24. Thời tiết khắc nghiệt quá nên máy móc han gỉ nhanh lắm, có chiếc tivi để theo dõi thông tin thì cũng bị hỏng, vì độ ẩm cao quá. Đúng là phải có lòng yêu nghề mãnh liệt lắm, thì họ mới có thể vượt qua bao gian nan, vất vả của cái nghề buồn tẻ trong mắt mọi người và níu chân họ lại với đỉnh Mẫu Sơn lạnh lẽo.
Quả thực, tôi không thể ngờ rằng sau những bản tin Dự báo thời tiết ngắn ngủi hằng ngày, lại có biết bao câu chuyện như thế. Các anh đã không quản ngại gian lao, vất vả mà thậm chí là cả sự hy sinh. Anh Hùng cho biết “cho đến giờ phút này, cả trạm vẫn mồ côi vợ”, câu nói như đùa nhưng lại là sự thật. Cả trạm, 3 người đàn ông, nhưng vẫn chưa ai có cho mình một tổ ấm riêng. Ngay như anh Quyết, người đàn ông mái tóc đã ngả sang màu muối tiêu. Anh đùa “có lẽ mình mải ngắm mây, xem gió nên quên mất mình đã già rồi.” Lòng yêu nghề của các anh đã vượt lên trên những lợi ích của bản thân, để các anh bám trụ với nghề, với đỉnh Mẫu Sơn. Để hàng ngày đem lại cho nhân dân, cho nông nghiệp những bản tin thời tiết quý giá. Chia tay các anh, tôi không quên hỏi thời tiết cho chuyến công tác của ngày mai. Anh Quyết khẳng định: “ngày mai trời sẽ nắng” có lẽ, chỉ những người như các anh mới có thể “bắt được cái bệnh của ông trời.”
Đức Thuận