Năm 2016, có nhiều phát ngôn của lãnh đạo cấp cao, chuyên gia và sinh viên liên quan đến các vấn đề giáo dục gây sự chú ý từ dư luận.
Giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời bên hành lang quốc hội hồi tháng 4 sau khi được bổ nhiệm vị trí này.
"Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người. Đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm".
Có lẽ chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam
Tại buổi tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ do Bộ GD-ĐT phối hợp với báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức sáng 10/11, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho rằng chưa quốc gia nào đào tạo rẻ như vậy khi kinh phí đào tạo cho một nghiên cứu sinh trong một năm chỉ khoảng 15 triệu đồng.
"Có lẽ chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam".
Đến lúc thi Sử phải cho học sinh tra Google
GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, cho rằng cách dạy và học lịch sử hiện nay bắt học sinh ghi nhớ quá nhiều khiến các em ghét môn này. Tương lai, môn Lịch sử phải thay đổi theo hướng dạy học sinh kỹ năng, kích thích sự tìm tòi của học sinh và các em được phép sử dụng phương tiện tra cứu khi thi.
"Đến lúc thi Sử phải cho học sinh tra Google".
Nguồn: Zing.vn |
Chúng ta đang dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt
PGS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ trong hội thảo nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trong lớp học cho giáo viên tổ chức hồi tháng 10, cho rằng trong suốt nhiều chục năm qua, chúng ta đang dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt. Đây là nguyên nhân chính khiến việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường không hiệu quả.
"Chúng ta đang dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt".
Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?
Chiều ngày 29/11, tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã.
Sinh viên Phạm Thị Thanh, sinh viên năm 3 ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?”
"Ai sẽ thay đổi nền giáo dục nếu không phải chúng ta?"
Đó là câu hỏi được GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ra trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương độc lập hạng nhất lần 2.
Ông Minh cho rằng, Không thể ngồi để than vãn tụt hậu, chờ thời cơ đến mà cốt tử là chủ động đón thời cơ, tìm giải pháp để hành động.
"Giáo dục đang chuyển mình, phía trước còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng cái đáng sợ hơn cả là có dám vượt qua chính mình hay không", ông Minh nói.
Lê Vy (tổng hợp)