Lần đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục cấm thi tuyển vào lớp 6, ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cấp phép đào tạo ngành Y, dược... là những sự kiện giáo dục "nóng" của năm 2015.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015
Sau 13 năm tổ chức tuyển sinh 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi), năm 2015 lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra vào ngày 1-4/7 được đánh giá là khá suôn sẻ.
Dư luận xã hội ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia năm nay vì được tổ chức hợp lý.
Tuy nhiên, việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại đem đến cảm giác rối rắm, thiếu khoa học, tạo áp lực cho phụ huynh lẫn TS. Nhiều ý kiến đã ví việc xét tuyển ĐH, CĐ lần này như đầy may rủi như chơi chứng khoán.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: Zing.vn |
Trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông chiều 21/8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ những bất cập.
Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Báo cáo cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học. Nhiều người phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", Bộ trưởng Luận nói, đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ 2.
Đề xuất tích hợp môn lịch sử
Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”. Nhiều ý kiến lo ngại, vị thế môn Lịch sử có thể bị giảm bớt trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Đề xuất tích hợp môn lịch sử gây tranh cãi. Ảnh minh họa: VOV |
Chiều tối 7/12, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có cuộc làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương liên quan đến số phận môn lịch sử.
Theo đó, cả Bộ GD- ĐT và Hội Khoa học Lịch sử thống nhất lịch sử có vai trò quan trọng trong chương trình phổ thông và là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh từ tiểu học đến THPT.
Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử cũng thống nhất: ở bậc tiểu học, lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số ngành khoa học khác chủ yếu là giáo dục lịch sử thông qua các câu chuyện để tạo hứng thú và hiểu biết cho học sinh.
Ở THCS có hai phương án cần tiếp tục suy nghĩ. Một là để lịch sử và địa lý là hai môn độc lập, viết thêm phần tích hợp kiến thức giữa hai môn này để học sinh phát triển khả năng tổng hợp và sẽ cần tới 3 cuốn sách. Thứ hai là sử địa tích hợp gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý nhưng phần kiến thức liên quan sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn. Học sinh sẽ chỉ có một cuốn sách.
Môn lịch sử ở cấp THPT là bắt buộc và độc lập.
Bộ Giáo dục cấm thi tuyển vào lớp 6
Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo cấm các trường (cả công và tư) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định.
Lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 khiến nhiều trường có số lượng hồ sơ đăng ký lớn bối rối. Ảnh minh họa: Vietnamplus |
Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Các năm trước, kỳ thi vào lớp 6 ở những trường này diễn ra khá căng thẳng với tỷ lệ chọi cao. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho các em.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cuối cùng đã công bố, một số trường tuyển sinh lớp 6 trên toàn thành phố, trong đó có khối THCS của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, sẽ xét tuyển dựa theo 3 tiêu chuẩn: Xét năng lực học tập qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao... và ưu tiên con em gia đình Chính sách.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo Y dược
Ngày 19/11, Bộ Giáo dục ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học.
Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về đội ngũ bác sĩ đào tạo ở trường ngoài công lập khi ngưỡng đầu vào nhiều năm qua ở những trường này còn ở mức thấp, một số trường chỉ xấp xỉ, thậm chí dưới mức điểm sàn.
Công văn Bộ GD-ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh ngành Y, Dược gây xôn xao dư luận. Ảnh: Trí thức trẻ |
Lý giải về quyết định này, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết trường đã có quá trình chuẩn bị điều kiện vật chất, nhân lực. Hơn nữa, các đơn vị chức năng của hai Bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy. Tuy nhiên, 2 ngày trước khi Bộ Giáo dục cấp phép, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành.
Ngày 2/12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GDĐT và Bộ Y tế về việc ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành Y, Dược.
Công văn cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu. Chính vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT thống nhất với Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.
Về việc của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Phó thủ tướng chỉ đạo: "Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế tổ chức trước khi Bộ GDĐT quyết định cho phép Trường mở ngành). Bộ GDĐT chỉ cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi Trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Ngày 2/12, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cử cán bộ để thẩm định việc mở ngành Y, Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Thời gian kiểm tra đợt 1 dự kiến từ 7 đến 11/12 nhưng nay chưa có kết quả.
Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư
Giữa tháng 9, việc Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, mục đích là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư |
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối việc làm này của trường Tôn Đức Thắng và cho rằng giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự không thể tùy tiện phong.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cũng khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại.
Theo trả lời của ông Nhị trên báo Vnexpress, để công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, ứng viên phải qua ba cấp xét duyệt: Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù các trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia.
Giữa tháng 11, Đại học Tôn Đức Thắng vừa công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của trường.
Theo đó, thay vì giữ chức danh giáo sư như trước đây trường sẽ bổ nhiệm hay đề bạt ba chức vụ gồm giáo sư trợ lý (Assistant Professor); giáo sư dự bị (Associate Professor); giáo sư thực thụ (Full Professor). Với những nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường sẽ được bổ nhiệm chức vụ giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor).
Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra
Liên tiếp các vụ bạo lực học đường được phát hiện trong hai tháng 3-4/2015, trong đó nổi cộm là vụ nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng và vụ nữ sinh Thái Nguyên bị đánh cấm khẩu.
Cụ thể, ngày 8/3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một nữ sinh tóc dài khóc lóc, ngồi co rúm một góc cửa sổ gào thét van xin nhưng nhóm bạn gái vẫn lao vào đánh đập. Thậm chí, một nam sinh còn ném nguyên chồng ghế nhựa vào người nạn nhân. Nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai can ngăn.
Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip gây chấn động dư luận |
Sau gia đình trình báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh vụ việc. Theo kết quả điều tra, vụ việc xảy ra ngày 1/3 (trước thời điểm clip bị phát tán 2 tháng) ở lớp 7/5 trường THCS Lý Tự Trọng. Lý do nữ sinh bị đánh là do từ chối làm theo sự sai khiến của lớp trưởng.
Chiều 16/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện công bố quyết định kỷ luật với nhóm học sinh đánh bạn mang tính hội đồng tại trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh).
Theo đó, có 9 học sinh liên quan đến việc nữ sinh bị đánh và phát tán clip lên mạng, thuộc các lớp 7/5, 7/4, 7/13 và 7/14. Đối với lớp trưởng lớp 7/5, học sinh quay clip và nam sinh ném chồng ghế vào đầu nạn nhân, Hội đồng kỷ luật buộc thôi học một tuần. Một học sinh nữa được cho là liên đới vụ việc bị khiển trách. 5 học sinh còn lại bị cảnh cáo trước toàn trường.
Về phía nhà trường, UBND TP Trà Vinh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng để làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên; hiệu phó Võ Thanh Vũ; Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm và giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất.
Nữ sinh bị đánh đã được chuyển sang một trường quốc tế và được trường này đài thọ học phí đến hết năm học lớp 12.
H.Minh (tổng hợp)