(Tinmoi.vn) Thư về việc đổi mới Đề thi Tốt nghiệp môn Văn THPT; thư về đề án của kỳ thi chung quốc gia...là những tâm thư khiến Bộ trưởng Giáo dục phải đau đầu.
Học sinh lớp 12 gửi tâm thư cho Bộ trưởng Giáo dục
Nam sinh lớp 12 Nguyễn Đắc Toàn đã viết thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thẳng thắn chia sẻ nỗi bức xúc, hoang mang của mình và bạn bè về đề án thi mới cũng như những hạn chế của giáo dục Việt Nam.
Theo nam sinh này, nền giáo dục của ta quá chú trọng vào lý thuyết, ít quan tâm thực hành nên học sinh không phát triển toàn diện được. Đặc biệt, "cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc... Giáo viên không cho học sinh thể hiện cách diễn đạt riêng mà ép chúng em vào những khuôn khổ, luật lệ", Toàn viết.
Nam sinh lấy ví dụ, để kiểm tra mức độ hiểu bài, giáo viên sẽ đưa học sinh một xấp đề cương, kêu về nhà học thuộc, sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết sẽ được điểm cao.
Một điểm bất cập nữa của giáo dục được Toàn nêu ra là việc học sinh phải học quá nhiều môn, trong đó không ít môn "chẳng có ý nghĩa gì khi vào đại học và cũng không phục vụ gì cho cuộc sống tương lai". Chuyện giáo viên đều dạy theo một khuôn mẫu, nhàm chán khiến học sinh chẳng hứng thú nghe bài, tìm tòi, học hỏi.
Cuối tâm thư gửi cho Bộ trưởng, Nguyễn Đắc Toàn đề nghị, nếu có thay đổi Bộ Giáo dục cần báo sớm cho học sinh.
Thư ngỏ của 'một giáo viên vô danh' gửi Bộ trưởng Giáo dục
Việc đổi mới Dạy và Học môn Ngữ văn đã được khởi xướng từ rất lâu. Lâu đến nỗi, chạm vào hai chữ "đổi mới" lập tức trong đầu chúng tôi hiện lên câu cửa miệng của cụ cố Hồng: "Biết rồi, khổ lắm nói mãi!".
Nhưng Đổi không? Có đổi! ; Mới không? Có mới. Bằng chứng là Bộ SGK mới ra đời và rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn... Nhưng thực tế, chương trình thì vẫn quá dài và nặng nề.
Kiến thức để đáp ứng yêu cầu của đề thi thì than ôi, ngay cả chúng tôi cũng có lúc thầm nghĩ, học sinh quả thực có trí tuệ siêu việt, nếu chúng nạp được bằng đó nội dung để đi thi...
Dài dòng như thế để Bộ trưởng hiểu chúng tôi mong chờ cái công đoạn kết thúc (Thi) của quá trình Đổi mới Dạy và Học như thế nào. Và chờ mãi, "cây đa" thì vẫn cũ, "con đò" vẫn "xưa". Có chăng chỉ nhúc nhích, hồi hộp ở câu hỏi 2 điểm (câu một).
Cứ ngỡ, thôi thì đành vậy, đoàn tàu phải chạy theo đường ray thôi, không muốn tới ga thì nhào xuống ruộng. Cố lên. Và cố mãi.
Năm học 2013 - 2014 cũng có vểnh tai nghe thanh tiếng có gì lạ. Tuyệt nhiên trời lặng, sóng yên. Cho đến trước 10/4/2014 vài ngày, thần dân xôn xao vì những thông tin không chính thức trên các kênh truyền thông: Năm nay, Bộ quyết đổi mới cấu trúc Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.
Thiên hạ (ban giám hiệu, giáo viên, học sinh) nháo nhào cập nhật (cả lập cập), tham khảo đề thi do các chuyên viên đề xuất. Người bình tĩnh trầm ngâm: "Chờ xem, chưa chắc"; kẻ yếu bóng vía thì hử, hả ầm ĩ; học sinh nhìn thầy cô đầy ai oán lẫn cầu cứu...
Thưa ông Bộ trưởng,
Theo suy nghĩ thông thường, có thay đổi lớn phải qua công đoạn thí điểm trên diện hẹp, rồi tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng đại trà.
Lần này, Bộ chẳng cần "9 tháng 10 ngày" mà làm cái "rụp". Tất nhiên Bộ có lí lẽ của Bộ. Nhưng lí sự, lập luận nào mà để thầy trò hoang mang, dư luận té sấp té ngửa thì e rằng khó phục.
Đọc vài tư liệu tham khảo, giáo viên chúng tôi vô cùng ủng hộ cách ra đề mới. Có lúc quên mất cái sự lo lắng bất an, vỗ đùi cười như Tào Tháo mà hả hê rằng: "Có thế chứ!".
Nhưng cái sự hoan hỉ vừa loé lên lại vụt tắt khi thời gian còn hơn một tháng nữa là Thi Tốt nghiệp. Không biết Bộ ấp ủ việc đổi mới này từ khi nào mà đến thời điểm này mới gióng trống báo làng?
Đành rằng thay đổi là cần thiết (vô cùng cần thiết) nhưng phải có lộ trình hợp lí hoặc chí ít cũng định hướng từ đầu năm học để những "công bộc" (thầy) và những "công cụ" (trò) chủ động tiếp nhận chủ trương. Từ đó Dạy, Học và Đi cho đúng Đường..
Cuộc đua đang vào giai đoạn nước rút, thầy trò chúng tôi đang chỉ còn vài bước chân là về đích, Bộ làm thế này có khác nào đứng chắn giữa lối và quát: "Nhầm đường! Quay lại!". Thầy ngơ ngác, trò hoảng hốt, biết xoay mình, trở chân sao cho kịp???
Đành thì thào với đồng nghiệp rằng: Bộ đã quyết một cách nóng vội thế, chắc cũng có phương án cho cái "hậu" để đảm bảo chỉ tiêu % đỗ đạt cả nước thôi. Nghĩ thế, vắt tay lên trán, mơ thấy lớp lớp học trò rạng rỡ Vinh Quy Bái Tổ, thầy cô cũng mũ áo thênh thang!
Vài dòng bao biện kính gửi ông Bộ trưởng (cứ nhận trước vì thế nào cũng bị chỉ trích thế); vài lời giãi bày với đồng nghiệp và các trò tuổi Chuột (chắc cũng nhận được vô vàn sự đồng cảm)...
Ngõ hầu cũng chỉ là chút hỉ xả để lấy hơi ngày mai lại cắm cúi chạy tiếp. Đường thì chẳng bao xa mà lòng nhọc nhằn quá đỗi!!!
9X gửi Bộ trưởng đề xuất bỏ thi tốt nghiệp
Bức thư dài, đầy tâm huyết của nữ sinh Hồ Ái Linh, sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn – ĐH Sài Gòn gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục thu hút sự quan tâm của Cộng đồng mạng.
Nguyên văn bức thư của Ái Linh như sau:
"Kính gửi Bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Lời đầu tiên cho cháu gửi lời hỏi thăm sức khỏe của bác và gia đình bác. Cháu là một sinh viên năm nhất, kinh nghiệm còn non kém, tuổi đời chẳng đáng là bao để đưa ra những đường lối này nọ, hay những biện pháp đúng đắn để góp ý vào việc cải cách của Bộ Giáo dục nhưng cháu viết những dòng thư này để gửi đến bác những tâm sự của một sinh viên Sư phạm như cháu. Vì được tiếp xúc, kèm cặp các em học sinh nên cháu hiểu được những tâm sự của các em, vì được trực tiếp trải qua 12 năm học dưới hệ thống giáo dục của Nhà nước nên cháu cũng hiểu được những điều bất cập trong giáo dục và cháu cũng không hiểu vì sao cháu lại dũng cảm viết ra những dòng thư này . Nếu những điều cháu viết sau đây có gì sai sót thì mong bác thông cảm và tha lỗi cho cháu.
Đầu tiên, cháu xin đề cập về vấn đề tổ chức kì thi quốc gia theo kiểu ba chung của bộ. Cháu nghĩ rằng những phương án mà bộ đưa ra còn thiếu hợp lí rất nhiều chỗ.
Nếu như sử dụng phương án 1, với cách tổ chức thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, tiếng Anh và một môn tự chọn, nó sẽ thiếu công bằng ở chỗ, những em học sinh từ lớp 10 đã định hướng theo khối D sẽ rất có lợi so với các em chọn khối ngành khác. Hay trong môn tiếng Anh, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói rằng: “Ngoại ngữ đúng là một công cụ, là năng lực cần phải có trong thời kỳ hội nhập”, bác nói rất đúng. Tuy nhiên, một công cụ muốn phát huy đúng hiệu quả thì phải tùy thuộc vào người dùng nó và đặc biệt là môi trường nào phù hợp nhất để dùng nó và công cụ đó có hiệu quả khi sử dụng vào công việc gì. Khi mà chất lượng giáo dục tiếng Anh còn chênh lệch giữa thành thị đối với nông thôn, miền núi không những về chất lượng học mà cả chất lượng dạy, giáo viên đạt trình độ A1 năm 2012 chỉ chiếm 17% chính vì vậy khi đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn hóa thì làm sao có thể đưa tiếng Anh là một môn thi bắt buộc được. Thành thật với bác, cháu chỉ là một học sinh đến từ nông thôn, khi lên đại học, cháu mới biết cách phát âm mà thầy cô dạymình đều bị sai và phải học lại từ đầu, nhiều sinh viên Sư phạm như cháu có trình độ tiếng Anh rất kém, và nhiều anh chị đi trước đang đi dạy đa số đã quên mất tiếng Anh vì thực tế trong dạy học họ không hề dùng đến trừ giáo viên ngoại ngữ và giáo viên dạy trường nước ngoài.
Nếu với phương thức tự chọn môn, bác nghĩ sẽ có bao nhiêu em chọn thi môn Lịch sử, một môn học đang dần dần bị lãng quên? Đất nước ta trải qua biết bao thời kì lịch sử với những cuộc kháng chiến trường kỳ, các thế hệ cha anh đã hy sinh biết bao nhiêu xương máu để đất nước ta có được như ngày hôm nay, thế mà giờ đây, khi chúng ta hỏi thế hệ trẻ Việt Nam rằng lịch sử nước ta có những cuộc kháng chiến tiêu biểu nào từ thời Hùng Vương, chắc hẳn chẳng có em nào kể hết được những chiến công của cha anh. Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta /Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” có lẽ nào chúng ta lại quay lưng với lịch sử bằng cách thi môn tự chọn?
Còn những phương án còn lại, bác nghĩ rằng có hợp lí khi các em học sinh mới bắt đầu lên lớp 10 đã học theo cách phân ban, chia khối A, B, C,D, A1, liệu các em có thể học đều hơn 10 môn? Cháu đã từng thấy trường hợp của một bạn, bạn ấy học rất giỏi, tư duy cao, nhưng từ lớp 10, cha mẹ bạn ấy luôn ép buộc bạn phải chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh vì muốn con mình chuyên tâm học nên chỉ cần bạn ấy học môn khác là ngay lập tức bị mắng chửi, dù không biết tí gì Văn, Sử, Địa nhưng bạn ấy vẫn hiên ngang tốt nghiệp và hiện nay học ĐH Y dược Hà Nội.
Vậy bác cho thi tốt nghiệp 8 hay 11 môn hay chia theo tự nhiên, xã hội để làm gì? Cháu nghĩ, quan điểm của bác là không muốn học sinh học tủ, học lệch, nhưng chương trình học đã phân khối, chia ban thì việc đó là một chuyện đương nhiên, chưa kể các em không chú trọng học tất cả các môn bởi vì nhiều kiến thức dài, xa rời thực tế, nên chúng chỉ chú trọng môn mình sẽ thi đại học. Với việc tổ chức thi cử như hiện nay có đảm bảo rằng chất lượng giáo dục khi thi như thế có tốt hơn không?
Cháu xin thẳng thắn trả lời là KHÔNG. Bởi vì, thi tốt nghiệp ở nước ta còn rất nhiều tiêu cực, các bác trong Bộ bàn những phương án thi cửlà đúng, các bác muốn đổi mới quả không sai.. nhưng phải nhìn theo góc nhìn trên nhiều phương diện. Mục tiêu của các bác muốn đó chính là chất lượng học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước hay là để xoa dịu đi sức ép của dư luận. Để các em học sinh phải hoang mang phải áp lực có nên hay không, không những học sinh mà cả giáo viên cũng phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Bác à, cháu muốn tâm sự với bác những điều ai cũng biết nhưng không dám nói. Lúc nào cháu cũng thấy Bộ giáo dục luôn nói rằng 1 kỳ thi an toàn , có hiệu quả .. nhưng thật sự, là người trong cuộc cháu biết những cái mà không ai dám nói. Những kì thi tốt nghiệp năm nào cũng có tiêu cực không nhiều thì cũng ít, mà tỉnh thành nào cũng có. Một cô giáo đã nói với chúng cháu rằng “ nhiều khi thấy mấy đứa học 12 năm trời cho trượt cũng tội” . Hàng năm, tỉ lệ đậu tốt nghiệp là 99% còn 1% còn lại là những học sinh không muốn học và không muốn thi đại học.
Như vậy, bác nghĩ có nên nhất thiết tổ chức 1 kì thi tốt nghiệp không? Cháu nghĩ rằng, chúng ta nên xét tốt nghiệp vì như vậy chúng ta sẽ giảm bớt những gánh nặng về của và sức người. Nhưng nếu xét tốt nghiệp sẽ dẫn đến 1 tình trạng cấp bách khác đó chính là chạy học bạ. Những học sinh tốt nghiệp, có những em học sinh không biết tính toán , không biết tí gì, đi thi điểm vẫn cao do nhìn được bài.. thế thì chất lượng ở đâu.
Muốn xét học bạ, trước hết phải tùy thuộc vào lương tâm người thầy giáo và tính công bằng cho các em. Tại sao năm nào thầy cô cũng cho lên lớp 100% mà không có ở lại dù các chất lượng học tập các em rất kém, thầy cô phải nhìn nhận vấn đề , cháu nghĩ những em không được lên lớp sẽ là những em được lên lớp nhưng rớt tốt nghiệp.
Các em học sinh đã không có năng lực, ra đời cũng sẽ đi làm thuê, làm công nhân.. tại sao bác không nghĩ rằng, bằng tốt nghiệp là một đặc ân cho các em để đến vào các xí nghiệp, nhà máy làm việc khi chưa đủ năng lực để làm những ngành nghề đòi hỏi tư duy cao. Lúc đó xã hội sẽ suy nghĩ theo hướng tôn trọng loại bằng tốt nghiệp như Khá, Giỏi, Trung bình, và trong công việc học tập học sinh sẽ bớt áp lực, bớt bàng hoàng hơn, phụ huynh học sinh, thầy cô sẽ cũng đỡ gặp nhiều khó khăn hơn.
Khi các em học sinh hiểu được tầm quan trọng của loại bằng, chúng sẽ tự động chú trọng học tất cả các môn ngay từ lớp 10, và chúng sẽ tôn trọng những người giáo viên dạy môn phụ, và chúng sẽ phấn đấu học tập để có một tấm bằng “đẹp” tìm đến một tương lai tươi sáng hơn.
Chính vì vậy, cháu xin đề xuất phương án đó là: Xét tốt nghiệp và siết chặt kì thi đại học, cao đẳng để đảm bảo tính công bằng cho các em. Để phương án này có hiệu quả, trước hết ta phải khắc phục khuyết điểm của xét tốt nghiệp đó là nạn chạy học bạ bằng cách mở lớp huấn luyện và đào tạo tư tưởng cho cán bộ giáo viên về việc đánh giá kết quả, đề ra phương pháp không trách phạt khi trường có học sinh ở lại lớp, cử thanh tra kiểm tra chất lượng môn học một cách bất thình lình thông qua bài kiểm tra, phỏng vấn học sinh rồi sau đó đối chiếu với điểm quá trình học, và có biện pháp xử lí đối với giáo viên và nhà trường khi có sự chênh lệch lớn, và khiển trách trong trường hợp nhẹ.
Thắt chặt kì thi đại học đối với các trường, ra đề thi có tính phân loại cao và có sự kiểm tra tư duy của các em một cách có khoa học, có như thế thì chất lượng giáo dục mới ngày một đi lên được. Còn số tiền tiết kiệm được từ chi phí thi tốt nghiệp chúng ta có thể dùng nó vào việc xây trường nội trú cho các học sinh miền núi, khi các em ở đó phải đi học khó khăn, luôn đối mặt với nguy hiểm, trèo đèo lội suối đến trường, hoặc chúng ta có thể dùng để trợ cấp cho các giáo viên ở miền núi, học sinh nghèo vượt khó, như vậy sẽ xứng đáng đồng tiền của nhân dân khi phục vụ mục tiêu giáo dục.
Bác à!, khi bác muốn đổi mới phương án thi cử, bác hãy nhìn nhận từ mục tiêu, chúng ta phải đi từ gốc đến ngọn. Trong khi chương trình học hiện hành vẫn theo lối cũ, nhưng lại đổi mới thi cử liệu sẽ dẫn đến thành công? Hay chỉ tạo sức ép cho các em. Còn nhiều vấn đề bất cập trong vấn đề giáo dục và giáo dục đại học lắm bác à.
Cháu cũng không biết, bác có đọc những dòng thư này không nữa, nhưng cháu cũng viết ra những suy nghĩ của bản thân mình. Nếu như bác đọc được mong bác trả lời thư của cháu và không gì quý bằng khi cháu có thể được gặp bác trực tiếp tiếp xúc với bác để tâm sự nhiều hơn nữa về vấn đề giáo dục trong mắt một thế hệ trẻ nối tiếp con đường giáo dục của bác như cháu.
Có phải là mơ ước không bác nhỉ. Cháu cũng không dám mơ đâu, chỉ là suy nghĩ mang tính ảo tưởng của cháu thôi. Cuối thư, cháu chúc bác và gia đình cósức khỏe dồi dào để tiếp tục sự nghiệp định hướng giáo dục của mình.
Lê Vy (Tổng hợp theo Zing; Tiền phong)
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: