Nhiều người dân có nhà cạnh công trình tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao nhà ở và văn phòng cho thuê tọa lạc tại số 493 Trương Định, phường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Hà Nội) từ hơn một năm qua luôn phải sống trong sợ hãi.
Sống trong sợ hãi
Nhiều người dân có nhà cạnh công trình tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao nhà ở và văn phòng cho thuê tọa lạc tại số 493 Trương Định, phường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Hà Nội) từ hơn một năm qua luôn phải sống trong sợ hãi.
Đỉnh điểm, nỗi lo sợ của bà con đã thành sự thật khi rạng sáng ngày 3/3, hàng chục hộ dân đang chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì chiếc cần cẩu nặng hàng chục tấn đổ sập, gây rung lắc như trận động đất cho những hộ dân gần đó.
Rất may sự việc chưa có thiệt hại về người, song nó đã gây hoang mang tột độ cho những hộ dân gần đó.
Từ ngày cần cẩu bị sập, cả gia đình bà Kiện không dám ngủ ở nhà. |
Đã ngoài 80 tuổi, bà Nhữ Thị Kiện (nhà 493M, ngõ 493 đường Trương Định, phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) đứng trước sân nhà, nơi chỉ cách phần trụ đứng của tháp cần cẩu khoảng 6 mét run run kể lại: Rạng sáng ngày 3/3, gia đình bà đang ngủ thì có tiếng động rất lớn làm rung chuyển nhà khiến mọi người hoảng hồn thức giấc.
Con gái bà trên tầng 3 hét lớn “thôi chết rồi đổ nhà rồi”. Lúc bấy giờ cả gia đình chạy xuống, hô hoán nhau chạy chết thoát ra ngoài.
Bà Kiện tâm sự, với bà lão 80, cái chết với bà không còn đáng sợ nhưng trong nhà bà có 3 đứa trẻ con.
Đứng trên lan can tầng 4, nơi chỉ cách thanh ngang cần cẩu bị đổ chỉ vài mét mà chân bà còn run rung không vững.
“Chiến tranh bom đạn còn chẳng sợ, sao hòa bình rồi mà sống còn không được yên thế này?” – bà Kiện nói.
Từ ngày cần cẩu sập, bà Kiện không còn dám ngủ lại trong nhà, tối đến bà bế đứa cháu nhỏ mới được 5 tháng tuổi cùng cả nhà sang nhờ người em ở ngõ bên cạnh, cách xa nơi công trình đang thi công để ngủ.
Anh Tạ Quang An, cháu bà Kiện cho biết, dự án này được khởi công xây dựng từ hơn 1 năm nay. Kể từ đó người dân cả ngõ ai cũng sợ, nhất là khi trẻ con chơi ngoài sân.
Nhìn lên những khối bê tông nặng hàng tấn để làm đối trọng cho cần cẩu hàng ngày vẫn lơ lửng ngay trên đầu con trẻ, anh An không dám tưởng tượng cảnh nếu không may nó rơi hoặc đổ như vừa rồi thì sẽ như thế nào. “Chắc người nằm bẹt dí” – anh nói.
Anh An cho biết thêm, hiểm họa này không phải đến khi xảy ra rồi người dân mới lo lắng, trước đó khi thấy cần cẩu được đặt quá sát nhà dân, khi hoạt động phần tay cẩu với đối trọng vươn trọn trên mái nhà dân.
Tổ dân phố đã nhiều lần phản ánh trong cuộc họp nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía nhà thầu.
Ngay từ lúc mới khởi công, dự án cũng khiến cho nhà dân ở đây nứt nẻ. Lại thêm sự việc vừa rồi, nhà thầu chưa một lần có trao đổi, thăm hỏi người dân và bàn về phương án đền bù hay di dời di tản trong thời giant hi công.
Quá bức xúc với thái độ thờ ơ với tính mạng người dân, chúng tôi làm đơn lên chính quyền. Đến hôm nay 4/3, gia đình tôi cũng chưa được nhà thầu tiếp cận để trao đổi. Trong khi đấy, phải có phúc đức lắm thì đêm 3/3, cần cẩu sập mới không đổ vào nhà tôi. Vậy mà họ có đoái hoài gì đâu? Mặc kệ tính mạng dân.
Bà Cẵn chỉ vết nứt kéo dài từ nhà ra đến ngoài đường |
Bà Trần Thị Cẵn (78 tuổi, nhà 493R) bức xúc: Chúng tôi rất sợ hãi và bất bình trước thái độ của nhà thầu. Từ lúc công trình thi công, nhà bà cũng bị nứt, vết nứt kéo từ phần tường ngăn giữa nhà bà và hàng xóm kéo dài ra đến gần giữa ngõ.
“Mỗi lần công trình hoạt động, nhà lại rung lắc như có động đất. Chẳng khi nào được ngủ yên. Giờ bà chỉ có mong muốn chủ đầu tư có phương án làm sao để cho người dân được yên tâm sinh hoạt” – bà cho hay.
Theo quan sát tại hiện trường, chiếc cần cẩu cao khoảng 50m, vị trí chiếc cần cẩu chỉ nằm cách ngõ dân sinh vài mét, và phần tay cũng như phần đuôi (có bê tông để làm đối trọng) khi quay, nâng vật liệu vươn ra ngoài phạm vi công trình.
Quả thực, nhìn những khối bê tông nặng hàng tấn lơ lửng ngay trên mái nhà thì người dân nơi đây không thể không lo lắng.
Ban quản lý “lảng tránh”?
Đem những bức xúc của người dân đến gặp chủ đầu tư, bảo vệ của trụ sở Ban quản lý dự án đề nghị được xem giấy giới thiệu. Khi PV, đã cung cấp đầy đủ giấy tờ, người này bốc điện thoại bàn lên gọi cho phòng hành chính thì được phòng báo lại lãnh đạo đi vắng.
Trong khi trước đó, trong trao đổi nhanh với PV ngoài hiện trường, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết vừa làm việc với lãnh đạo công ty này. Đồng thời, ông Hải cũng chỉ đạo nhà thầu và các bên liên quan nhanh chóng có phương án xử lý sự cố để ổn định tinh thần cho người dân, thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí.
Nhưng chỉ sau ít phút từ cuộc gọi bảo vệ, điện thoại kết nối với phòng hành chính cũng không liên lạc được.
Tìm lên phòng Ban quản lý dự án, một người đàn ông tên Đức nhận là đại diện ban quản lý tiếp xúc PV. Nhưng thấy chúng tôi đề cập đến những bức xúc của người dân, ông này liền cáo bận vì phải ra công trường gấp.
Khi PV yêu cầu được cung cấp về những giấy phép và hồ sơ liên quan, ông Đức trả lời rằng đã cung cấp cho chính quyền và hẹn sẽ cung cấp sau. Nhưng sau cụ thể là bao giờ và khi nào thì ông lại ỡm ờ, không trả lời.
Ngoài ra, ông Đức cho biết thêm rằng đã lên phương án và gặp gỡ người dân. Trong khi đó, người dân lại phản ánh ngược lại.
Trước cách cư xử của BQL dự án, khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Liệu có phải họ đang lảng tránh? cần cẩu đã được kiểm định an toàn chưa? Có đủ điều kiện để hoạt động không?
Hiện chúng tôi đang liên hệ với chủ đầu tư và cơ quan chức năng để làm rõ những vấn đề trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
PV