Những vụ nữ sinh quậy phá đánh bạn, thiếu nữ 18 tuổi đâm chết người tình của mẹ xảy ra gần đây khiến dư luận bàng hoàng và lo ngại về tình trạng bạo lực, vi phạm pháp luật của một bộ phận giới trẻ ở tuổi mới lớn. Vậy nguyên nhân sâu xa của những vụ việc này là do đâu? lỗi tại ai?
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến giới trẻ, trong đó có các nữ sinh, thiếu nữ ở tuổi mới lớn. Theo tìm hiểu của báo chí, hầu hết các em liên quan đến vụ việc đều có hoàn cảnh gia đình éo le, từ nhỏ đã thiếu thốn sự quan tâm của bố mẹ. Một số em lỡ dở chuyện học hành dẫn đến thiếu sự quản lý, giáo dục và bước vào con đường lầm lỡ, sớm dính vào chuyện yêu đương, chơi bời...
Mới đây là vụ thiếu nữ 18 tuổi ở Hà Nội đâm chết bạn trai của mẹ gây chấn động dư luận.
Trao đổi trên An ninh Thủ đô, Thiếu tá Nguyễn Đức Châu - Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Tây Hồ cho biết, Nguyễn Thanh Thủy - thiếu nữ 18 tuổi đâm chết người tình của mẹ có hoàn cảnh khá éo le. Thủy bỏ học từ năm 12 tuổi, bố lại mất sớm, mẹ thì tối ngày đi làm thuê kiếm sống, không có ai dạy bảo. Điều này có nghĩa, về mặt giáo dục của cả gia đình lẫn nhà trường của Thủy đều “hổng”.
“Thật tiếc cho con bé, nó còn quá trẻ và vụng dại để hiểu được hậu quả này. Lũ trẻ bây giờ hình như quá thiếu sự dạy dỗ của người lớn nên luôn có cách hành xử hết sức tùy ý. Thủy cũng vậy, ngay cả khi án mạng xảy ra, vẫn dửng dưng với suy nghĩ hết sức “ngây thơ” rằng, chúng phạm tội như vậy là do… lỗi của người lớn”, thiếu tá Châu chia sẻ.
Trước đó, vụ nữ sinh L. - học sinh lớp 8 ở Cà Mau tự tử suýt chết sau khi bị đuổi học vì đánh nhau với bạn nhiều lần cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Hiện, L. đã được nhà trường tạo điều kiện cho đi học trở lại.
Nữ sinh quậy phá, đánh bạn: Lỗi tại ai? |
Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Quỳnh (bà nội L.; ngụ xã Thạnh Phú) (bà nội L.) cho biết, L. được xem là một học sinh “cá biệt” trong lớp. Trong thời gian đi học, L. thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, đặc biệt là hay đánh bạn. Mặc dù Ban giám hiệu, Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở nhưng L. vẫn không sửa đổi. Ngày 13/3 vừa qua, trường THCS Trần Quốc Toản thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định tạm đình chỉ học tập 1 tuần (từ ngày 16/3 đến ngày 21/3/2015) đối với L., vì vi phạm nội quy nhà trường, đánh bạn học. Tuy nhiên, sau đó, L. lại tiếp tục tái phạm nghiêm trọng hơn và Ban giám hiệu nhà trường quyết định đình chỉ học tập 1 năm (từ ngày 20/4/2015 đến ngày 19/4/2016).
Nói về nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tình này, theo bà Quỳnh mọi việc bắt nguồn từ khi bố mẹ ly tán, khiến L. chán nản.
Theo bà Quỳnh, cuộc sống của L. khổ ngay từ bé. Sau khi sinh L., do thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên bố mẹ L. đã quyết định ly hôn. Tòa tuyên L. ở với cha. Do phải mưu sinh khắp nơi nên L. về sống với tôi là bà nội cháu. Thời gian gần đây, L. đã cảm nhận được việc thiếu vắng tình cảm gia đình, đặc biệt là mẹ nên thường xuyên tỏ ra buồn chán, suy nghĩ tiêu cực.
"Do biết L. thiếu thốn tình cảm nên tôi thường xuyên tâm sự, khuyên bảo cháu. Biết cách vượt qua khó khăn nên L. học hành khá tốt. Nhiều năm liền đặt học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, bản thân L. đang mang dị tật ở trên đầu nên ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề thần kinh, có lúc căng thẳng không kiểm soát được mình", bà Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, nữ lớp trường V. “cầm đầu” nhóm học sinh đánh bạn bằng ghế ở Trà Vinh gây xôn xao dư luận hồi tháng 3 cũng có khúc mắc trong tình cảm gia đình. Được biết, bố mẹ V. ly hôn từ lâu, em sống ở nhà với ông bà nội. Một số học sinh tham gia vụ đánh bạn khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Em nữ sinh D. thì mồ côi mẹ, nữ sinh A. cha mẹ ly dị, nữ sinh T. cha mẹ ly dị, mẹ sống ở Trung Quốc, em sống với ông ngoại ở Trà Vinh.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ vị thành niên (từ 15-20 tuổi) đang ở lứa tuổi mới lớn, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, nhiều khi nhanh đến đột biến. Khi gặp biến cố trong gia đình, nhất là liên quan đến chuyện tình cảm của bố mẹ, các em thường bị mất phương hướng dẫn đến những hành động dại dột sai lầm. Trong những trường hợp này, người thân trong gia đình phải bù đắp tình cảm, định hướng suy nghĩ giúp các em tránh những suy nghĩ tiêu cực rồi vướng vào những chuyện “lầm được lạc lối”.
H.M (tổng hợp)