Các nghiên cứu khoa học chứng minh, nước cam phát huy tác dụng tốt hơn nếu được đông lạnh và rã đông trước khi dùng.
Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra cơ thể có thể hấp thụ chất chống oxy hóa từ nước ép cam rã đông nhiều hơn so với nước cam tươi hoặc nước ép cam thanh trùng.
Khi nước cam được đông lạnh và rã đông, các hạt chứa chất dinh dưỡng trong nước cam được chia nhỏ hơn, giúp ruột hấp thụ dễ dàng hơn. Những hạt này được gọi là carotenoids – được cho là có đặc tính chống ung thư, có thể được chuyển hóa thành vitamin A, có lợi ích chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tim.
(Ảnh minh họa)
Ngheien cứu của Đại học Seville đã phát hiện ra, cơ chế đóng băng hoặc khử trùng có ảnh hưởng đến hàm lượng chất chống oxy hóa trong nước cam.
Nghiên cứu tập trung vào yếu tố khả năng tiếp cận sinh học của các chất chống oxy hóa, hay còn gọi là cách thức ruột hấp thụ thức ăn vào máu để truyền các chất dinh dưỡng, nuôi các cơ quan và mô, đảm bảo sức khỏe và nguồn năng lượng cho cơ thể.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trong thời gian đóng băng, các chất chống oxy hóa – carotenoids dễ được hấp thu hơn nhưng cũng dễ bị thoái hóa hơn.
Mặc dù nước cam rã đông có ít carotenoid hơn, nhưng nó lại được hấp thu dễ dàng hơn, điều đó có nghĩa là hiệu ứng tổng thể mang tính tích cực hơn.
"Mặc dù thực tế rằng, nồng độ carotenoid trong nước ép cam đông lạnh ít hơn trong nước trái cây tươi, tuy nhiên, nó lại được ruột hấp thụ tốt hơn", nhà nghiên cứu Paula Mapelli nhận định.
Mặt khác, kết quả cho thấy, việc thanh trùng – làm nóng chất lỏng để tiêu diệt vi khuẩn cũng khiến cho carotenoids bị thoái hóa nhiều nhất và cũng làm thay đổi màu sắc của nước ép. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, mức độ chất chống oxy hóa cao nhất trong nước ép trái cây tươi nhưng chúng không dễ được hấp thụ.
Giảng viên đại học Annonio Melendez cho biết thêm: "Người tiêu dùng có xu hướng nghĩ rằng, nước ép trái cây đã qua xử lý ít lành mạnh hơn so với nước trái cây tươi. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, ít nhất chúng tôi đã tìm ra được cách carotenoid được hấp thụ và quan điểm trên không phải lúc nào cũng đúng".
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Functional Foods – tạp chí về Thực phẩm chức năng.
Linh Chi