"Các tạp chất của hóa chất công nghiệp vốn độc, nếu dùng chúng làm thực phẩm thì rất nguy hại cho sức khỏe: gây ung thư, quái thai, biến đổi gen đối với người sử dụng" - PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định.
Vừa qua, báo Thanh niên phản ánh thông tin về một loại nước mắm được dán nhãn là "nước mắm cá cơm" nhưng thành phần lại không có bất kỳ một loại cá nào mà được sản xuất hoàn toàn từ nước lã, muối hạt và hóa chất chợ Kim Biên.
Được biết, cơ sở sản xuất "nước mắm cá cơm" trên nằm tại địa bàn phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra tại cơ sở, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều bột chua, phẩm màu, bột chống mốc, đường hóa học sodium cyclamate, bột ngọt (bên ngoài có nhiều dòng chữ Trung Quốc). Chủ cơ sở cho biết, toàn bộ nguyên liệu dùng để pha chế "nước mắm cá cơm" đều được mua tại chợ hóa chất Kim Biên.
Nguyên liệu để chế biến nước mắm hóa chất được chủ cơ sở mua từ chợ hóa chất Kim Biên |
Trao đổi với phóng viên về tác hại của sử dụng hóa chất để pha chế nước mắm, PGS.TS Trần Hồng Côn (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, chỉ riêng việc dùng hóa chất không rõ nguồn gốc, không được dùng trong thực phẩm, được bán tràn lan ngoài chợ để sử dụng chế biến thực phẩm đã tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, về nguyên tắc, hóa chất công nghiệp không được phép sử dụng trong đồ ăn, thức uống bởi nó ẩn chứa rất nhiều nguy hại. Trên thực tế, hóa chất dùng trong thực phẩm vốn được quy định rất nghiêm ngặt vì hóa chất thành phần phụ hay tạp chất phải không được ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người.
"Hóa chất công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất. Và đã là hóa chất công nghiệp, vốn chỉ được phép dùng trong công nghiệp thì người ta không cần làm sạch tạp chất trong đó. Có thể tinh chất của loại hóa chất đó thì tốt, nhưng tạp chất của nó lại chứa nhiều độc hại như kịch độc, gây biến đổi gen, gây ung thư, quái thai..." - PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Theo chuyên gia Trần Hồng Côn, để giảm thiểu việc tiêu dùng phải các loại mặt hàng nước mắm được pha từ hóa chất, người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm bằng cách thử mùi. Cụ thể, lấy vài giọt nước mắm đó bôi trực tiếp lên da tay, sau đó rửa lại với nước. Nếu là nước mắm được pha từ hóa chất, nếu rửa qua nước lã vài lần, tay sẽ sạch mùi. Còn nếu là nước mắm chiết xuất từ cá, ngay cả khi rửa bằng xà phòng nhiều lần, mùi nước mắm vẫn không hết ngay bởi axit amin trong nước mắm (được chiết xuất từ cá, có mùi rất nặng) bám chặt vào da tay.
Trước đó, theo lời của chủ cơ sở "nước mắm cá cơm" trên, để sản xuất 500 lít nước mắm, chủ cơ sở dùng 1 bồn nhựa loại 1.000 lít, bơm nước máy và đổ 200 kg muối hột vào ngâm từ 7 - 10 ngày. Sau đó, rút nước muối này qua bồn chứa loại 500 lít rồi pha 200 gr bột chua, 100 gr màu thực phẩm, 200 gr bột chống mốc, 200 gr đường hóa học và 2 kg bột ngọt rồi dùng cây tre khuấy đều.
Khi đã được khuấy đều, hỗn hợp sẽ được bơm vào một bình chứa khác để lọc cặn rồi sang chiết ra các chai nhựa loại 1 lít rồi dán nhãn, hạn sử dụng, đóng nắp chai... thành nước mắm “cá cơm”. Mỗi lần cơ sở này sản xuất ra hàng nghìn lít nước mắm, bán ra thị trường.
Vũ Đậu