Người con trai cả bị thiểu năng, cưới vợ sinh ba đứa con rồi hai vợ chồng suốt ngày nhìn nhau cười. Hai đứa cháu lớn 8, 9 tuổi đều có biểu hiện tâm thần không ổn định.
Người con trai út cũng mắc chứng tâm thần, sống lang thang, đập phá, chửi mắng mẹ già. Những tưởng nuôi con để nương tựa tuổi già, nhưng, niềm vui đó có lẽ sẽ không bao giờ trở thành sự thật với bà mẹ nghèo khổ, bất hạnh.
Họa vô đơn chí
Vượt quãng đường hơn 15km từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thu (75 tuổi, ngụ xóm 3, thôn Tân An, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Trong căn nhà nhỏ, không khí buồn thương, ảm đạm, cộng với tiếng chửi rủa liên tục vọng ra khiến chúng tôi không khỏi ái ngại...
Hằng ngày, bà Thu phải ngâm mình dưới nước sông suốt mấy tiếng đồng hồ để cào don. |
Chúng tôi đến đúng lúc bà Thu chuẩn bị bữa cơm sáng cho con và cháu trước khi đi cào hến. Đã 75 tuổi nhưng bà vẫn phải bón cho con, cho cháu từng muỗng cơm. Lâu lâu đứa cháu nội lên cơn quát mắng và phun cơm lên mặt bà. Nhìn cảnh ấy, ai mà không xót xa. Cụ bà đầu hai thứ tóc, thân hình nhỏ thó, cái lưng bị còng gập xuống trông rất tội nghiệp.
Tiếp chúng tôi trên chiếc chõng tre ọp ẹp, bà Thu mắt nhòe đi, kể về cuộc sống cơ cực hiện giờ của bà cùng sáu người con, cháu bị bệnh tật. Sinh ra trong một gia đình miền biển nghèo khó, đến tuổi trưởng thành, bà kết hôn với ngư dân Trần Thanh, người cùng làng. Hạnh phúc những tưởng sẽ nhân lên khi ba đứa con lần lượt chào đời, Trần Tho (SN 1973), Trần Lo (SN 1976), Trần Ku (SN 1980).
Sau những ngày tháng vất vả làm việc và tích góp, vợ chồng bà cũng xây được ngôi nhà cấp bốn. Thế nhưng, niềm vui, hạnh phúc chưa được bao lâu thì phát hiện người con trai cả bị thiểu năng, người con trai út mắc chứng tâm thần không ổn định. Chưa dừng lại, năm 1990, ông Thanh đi biển gặp nạn bỏ mạng giữa biển khơi, để lại cho bà Thu ba người con thơ dại bệnh tật.
"Hai con bị bệnh tôi đã đau đứt ruột rồi, đằng này ổng lại bỏ ba mẹ con mà ra đi. Chỗ dựa duy nhất của đời tôi đã đổ xuống. Lúc đó tôi không thiết sống nữa nhưng nếu tôi cũng đi thì ba con ai nuôi đây", giọng nói trầm buồn, bà Thu kể. Nuốt nước mắt vào trong để nén lại nỗi đau, bà Thu chạy vạy vay tiền khắp nơi đưa hai con đi chữa bệnh. Đến hết bệnh viện tâm thần này lại đến bệnh viện khác. Nghe ai mách bảo chỗ nào bà cũng đưa con đi, từ đền cha đến miếu mẹ để cúng bái nhưng bệnh tình của Tho và Ku không những không khỏi, mà ngày càng nặng thêm.
Trước tình cảnh đó, hy vọng cuối cùng của bà đặt cả vào người con trai thứ Trần Lo. Tuy nhiên, giữa lúc cả nhà đang trông chờ Lo sẽ phụ giúp người mẹ già chèo chống, lo toan cuộc sống thì tai họa lại ập đến. Trong một lần đi chơi, Lo bị chó dại cắn rồi phát điên. Được gia đình đưa đi chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không khỏi, không lâu sau thì Lo qua đời.
Từ đó, một mình bà Thu làm đủ các nghề để nuôi hai con tật nguyền, người con trai cả Trần Tho cũng phụ bà kiếm tiền, nhưng vì bị thiểu năng nên anh không làm được gì nhiều. Éo le hơn, năm 2005, anh Tho kết hôn cùng chị Lê Thị Tố Nga (42 tuổi), người cùng thôn rồi lần lượt sinh ba người con. Hai người con trai lớn đã 8, 9 tuổi đều có biểu hiện tâm thần không ổn định, suốt ngày đập phá đồ đạc trong nhà. Còn chị Nga cũng là người ngớ ngẩn, không thể lao động, chỉ quanh quẩn trong nhà.
Nước mắt chảy ngược
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của gia đình mình, bà Thu không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt hòa lẫn với nỗi đau. Sinh sống ở miền biển Nghĩa An, không mảnh đất cắm dùi, hàng ngày bà Thu đi bộ hơn 4km lên tận xã Nghĩa Hòa (TP.Quảng Ngãi) để cào hến, cào don. Cả ngày lặn lội dưới nước, số tiền bà kiếm được cũng chỉ hơn 40 ngàn đồng. Cũng vì suốt ngày còng lưng để cào mà cái lưng vốn đã bị đau của bà Thu nay đã còng hẳn xuống.
Người mẹ già phải lo cho con, cháu từng miếng ăn. |
Lau vội nước mắt, bà Thu nói: "Lúc trước còn khỏe mạnh, đi cào cũng kiếm được tiền đi chợ, rồi lo được thuốc cho hai đứa con. Nhưng giờ cái lưng bị đau, người không còn khỏe nên làm chẳng được là bao. Đi bộ một chút là mệt đứt hơi, người cũng không còn đủ sức để cào. Nhưng không làm, thì cả nhà bảy người lấy gì ăn nên vẫn phải cố".
Mọi sinh hoạt trong gia đình đều đè lên đôi vai gầy của bà mẹ khốn khổ, hôm nào bà đau ốm nghỉ ở nhà thì hôm đó cả nhà phải ăn cơm với nước mắm. Cào don, cào hến số tiền không được bao nhiêu, bà Thu phải đi nhặt thêm chai lọ, vỏ lon bia để bán kiếm thêm mua thuốc cho con cháu, hy vọng bệnh tình của chúng sẽ suy giảm.
"Có tiền là tôi lên tận TP.Quảng Ngãi để mua thuốc về cho chúng nó uống. Nhưng tháng có tháng không. Tôi không muốn đưa chúng nó đến bệnh viện tâm thần nữa. Nơi đó xa quá, không đến thăm chúng nó được vì tôi không có phương tiện để đi, lại không biết chữ", bà Thu ngậm ngùi cho hay.
Anh con trai cả Trần Tho bị thiểu năng nhưng thương mẹ vất vả anh cũng cố gắng đi tìm việc để làm. May mắn có một cơ cở bán vật liệu xây dựng trong xã nhận anh vào bê gạch, đá thuê, thu nhập 30-50 ngàn đồng/ngày nhưng không ổn định.
Bà Thu chưa kịp vui mừng vì con trai kiếm ra tiền thì cuối năm 2014, anh Tho không may bị gạch đá đè khiến cánh tay phải bị gãy. Bà lại phải đi vay mượn khắp nơi để đưa con đi điều trị. Vốn không được lanh lẹ như người thường, nay cánh tay phải bị gãy để lại di chứng nên anh Tho không lao động được, hằng ngày chỉ ở nhà cùng vợ trông giữ ba con.
Mỗi khi nói đến người con trai út Trần Ku, bà Thu lại không cầm được nước mắt. Anh Ku mắc chứng tâm thần không ổn định nên thường xuyên chửi bới mẹ, hay đi lang thang ngoài đường. Có khi anh bỏ đi cả tháng trời không về nhà, bà lại lặn lội cuốc bộ đi khắp nơi tìm con. Nhưng không phải lúc nào anh Ku cũng chịu về nhà, có khi lên cơn nặng anh còn đánh cả mẹ mình. Cuối tháng 1/2015, trong một lần đi lang thang ở TP.Quảng Ngãi, anh này chẳng may bị ngã và chấn thương nặng ở đầu. Sau lần đó, bệnh tình của anh càng nặng hơn.
"Lúc nó chưa ngã tôi đã cực lắm rồi, ngày đi cào hến tối lại tất tả đi tìm con, sợ nó bị đói, rồi ngủ bờ ngủ bụi tội nghiệp. Bây giờ, thì khổ hơn, lúc bình thường thì nó ở nhà, khi lên cơn bỏ nhà đi. Tôi đi làm cũng không yên, sợ nó đi té ngã lại khổ nữa", bà Thu trầm buồn kể. Giờ đây, bà Thu ngày càng yếu đi trong khi bệnh tình của hai đứa con vẫn không thuyên giảm.
Ở cái tuổi 75, nhiều bà mẹ đã được an hưởng tuổi già thì người mẹ tội nghiệp này vẫn đang làm việc vất vả để kiếm từng đồng tiền chăm lo cho các con, các cháu. "Tôi lo lắm, tôi sợ khi tôi mất đi rồi ai sẽ lo cho con và cháu tôi. Chúng nó tội nghiệp lắm cô ơi", bà Thu lo lắng nói.
Nói về gia cảnh của bà Thu, bà con hàng xóm ai nấy đều xót xa thương cảm. Thỉnh thoảng hàng xóm xung quanh cũng qua lại thăm nom, người cho con cá, nắm rau để gia đình bà sống qua ngày.
Gia đình nghèo khó nhất xã
Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình bà Thu là nghèo khó nhất xã khiến địa phương rất trăn trở. Khi có khoản hỗ trợ nào, xã đều ưu tiên cho nhà bà. Tuy nhiên, vì gia đình đông người mà tinh thần đều không ổn định, không thể lao động, nên địa phương cũng không biết giúp đỡ như thế nào. Địa phương rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để gia đình bà Thu ổn định cuộc sống".
Như Ý/Đời sống và Pháp luật