(Tinmoi.vn) Chia sẻ về quãng thời gian trong tù ông Chấn cho biết đã từng bị đầu gấu đánh thừa sống thiếu chết, tưởng không sống nổi. Vì quá ức chế, đau khổ nhiều lần tôi muốn chết, có một lần ông đã tự tử nhưng được bạn tù động viên, khuyên giải.
Vào hồi 14h - 16h ngày 24/2, chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ông Nguyễn Thanh Chấn và hậu án oan 10 năm” sẽ được tổ chức tại báo Đời sống & Pháp luật online.
Chương trình có sự xuất hiện của các khách mời: Ông Nguyễn Thanh Chấn, bà Nguyễn Thị Chiến – vợ ông Chấn, bà Thân Thị Hải - người đồng hành trong 10 năm kêu oan với gia đình ông Chấn, bà Vũ Thị Nga, trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Độc giả có địa chỉ email hoahuent5...5@gmail.com hỏi: Ông Nguyễn Thanh Chấn: Đọc trên báo tôi thấy có thông tin chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ ông xây dựng lại ngôi nhà. Vậy kế hoạch đó đã đến đâu rồi. Từ ngày ông được về nhà và minh oan đến nay, những công an đã ép cung, bức cung ông có thể hiện sự ân hận việc làm sai trái, thất đức của họ như đến thăm ông... không ?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Tôi và gia đình chưa nhận được động thái nào từ phía những công an đã ép cung, bức cung tôi.
Về việc chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tôi xây dựng lại ngôi nhà cũ nát, tôi cũng chưa hề nhận được thông tin và sự hỗ trợ nào.
Còn về mặt tinh thần, đoàn lãnh đạo huyện HĐND, UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang và cơ quan khối nội chính cũng có đến chia vui, quan tâm, Chúc Tết với gia đình tôi.
Bạn đọc có địa chỉ email minhminh...@gmail.com hỏi: Kinh nghiệm nào để những người có người thân đang vướng vòng lao lý có thể “lội ngược dòng”, đi tìm lại công bằng, sự thật cho thân nhân của mình?
Bà Thân Thị Hải trả lời: Kinh nghiệm của tôi dành cho mọi người đó là: những gia đình có người thân vướng vào vòng lao lý mà muốn “lội ngược dòng” để minh oan cho người nhà của mình thì phải kiên trì, nhẫn nại, phải tìm đúng nơi có thẩm quyền giải quyết vụ việc của mình thì mới có thể giải quyết cho mình được.
Như gia đình anh Chấn án oan đã 10 năm nhưng chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi mà không bỏ cuộc. Và chúng tôi đã tìm đến đúng địa chỉ mà họ đã nhận đơn của chúng tôi và đã nhận được sự chia sẻ của cục điều tra Viện kiểm soát tối cao.
Như độc giả đã biết thì với sự kiên trì, nhẫn nại cũng như tìm đúng người và cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhờ giúp đỡ thì chúng tôi đã minh oan được cho anh Chấn, anh Chấn đã được giải oan trở về gia đình.
Độc giả có địa chỉ email linhhoang...@yahoo.com hỏi: Thông tin ông sẽ được tạm tha về với gia đình đến với ông như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Thông tin được về với gia đình đến với tôi quá bất ngờ và hạnh phúc.
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng viện KSND tối cao Trương Hoà Bình đã ký quyết định số 01/QĐKNTT-VKSNDTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với tôi. Trong buổi họp báo trước khi tôi chính thức được trở về nhà, tôi có chia sẻ với ông Trương Hoà Bình, bảo bạn tù uống rượu say đã đánh tôi ngất. Ông Bình ngạc nhiên có nói: "Trong đó cũng có rượu à?".
Trước đó, vào ngày 2-3/11/2013, tôi vẫn phải ở trong trại giam. Trong trại tôi được cán bộ gặp gỡ và động viên rất nhiều. Sau khi nghỉ qua đêm mùng 4 tôi mới được về. Khi được gặp gia đình, hàng xóm tôi rất vui mừng và hạnh phúc.
Hai vợ chồng xúc động, suốt 3 tối ôm nhau khóc, nhớ lại những ngày tháng đau khổ vừa qua. Đứa con gái, vui mừng và xúc động ôm tôi sau suốt 10 năm xa cách.
Độc giả có địa chỉ email m.anh…@gmail.com hỏi: Có không ít người cũng đang theo đuổi một hành trình như bà Nguyễn Thị Chiến trước đây đi kêu oan cho chồng. Bà có lời khuyên nào cho họ?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời: Đối với những gia đình mà có căn cứ cho rằng thân nhân của mình bị oan sai hoặc là có những dấu hiệu của việc đã bị điều tra, truy tố, xét xử oan sai thì lời khuyên đầu tiên của tôi là phải gặp người hiểu biết về mặt pháp luật để hỏi. Thứ hai là, thu thập các chứng cứ, tài liệu hoặc những nhân chứng, người biết việc liên quan đến vụ việc, báo cáo hoặc thông tin cho những người có thẩm quyền. Trong một số trường hợp vì lý do nhạy cảm thì sẽ nên trực tiếp đến nhờ tư vấn pháp luật của các luật sư, tránh để xảy ra những trường hợp một số kẻ xấu lợi dụng vào việc kêu oan của mình mà tạo ra dư luận xấu (như khiếu kiện kéo dài, xuyên tạc...).
Sau đó, gia đình nên tiến hành gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu để để được làm rõ, minh oan. Ngoài ra, gia đình còn phải có sự kiên trì, sáng suốt để lắng nghe và quyết tâm đấu tranh trong suốt quá trình đó đến khi có kết quả.
Độc giả có địa chỉ email hongphuong78...@gmail.com hỏi: Ông hiện vẫn hợp tác cùng các cán bộ VKSND tối cao để cung cấp những thông tin liên quan đến quá trình lật lại hồ sơ vụ án oan, ông có thể chia sẻ về quá trình này? ( như là việc đi lại tàu xe như thế nào, ở trọ như thế nào, …)
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Từ khi tôi được trở về nhà, tôi vẫn cung cấp tài liệu, thông tin cho các cán bộ điều tra, VKSND nhằm hỗ trợ cán bộ điều tra lại vụ án, đưa sự thật ra ánh sáng.
Về vấn đề đi lại, sau hơn 10 trở lại cuộc sống tự do, đường xá tôi không thông thuộc lắm. Tuy nhiên được người vợ, anh Hoạt, chị Hải chỉ cho đường đi nước bước, hướng dẫn cụ thể.
Độc giả có địa chỉ email hongtukhoua1234...@yahoo.com hỏi: Vậy trong 10 năm chịu án oan như vậy nhưng thiệt hại mất mát về tinh thần lẫn vật chất của ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được đền bù như thế nào và cụ thể số tiền đền bù mà ông Chấn nhận được là bao nhiêu?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời: Các khoản thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do bị tổn hại về sức khỏe và những chi phí hợp lý khác.
Hy vọng các cơ quan Nhà nước sẽ có khoản bồi thường thỏa đáng để làm dịu đi những nỗi đau mà ông Chấn và gia đình ông Chấn đã phải chịu đựng trong 10 năm qua.
Xem thêm video ông Chấn chia sẻ về quãng thời gian trong tù:
Độc giả có địa chỉ email thuychi..012@gmail.com hỏi: Được biết bà đã có thời gian công tác trong ngành Công an, điều này có hỗ trợ việc bà đồng hành cùng bà Chiến trong suốt quá trình 10 năm vừa qua?
Bà Thân Thị Hải trả lời: Trước vợ chồng tôi cũng có công tác trong ngành công an. Từ những cái đó chúng tôi biết được quan hệ, biết được phần nào đường đi nước bước.
Tôi đã sử dụng internet và các trang báo, các trang mạng xã hội để tìm đường giúp chị Chiến và anh Chấn. Qua internet, tôi tìm đọc những bài báo về những vụ án oan. Cũng từ những gì tôi đọc được từ trên internet, tôi đã tìm đến cục điều tra của Viện kiểm soát tối cao để nộp đơn thư kêu oan. Và chỉ có mỗi cục điều tra của Viện kiểm soát tối cao nghe chúng tôi nói và nhận đơn của chúng tôi. Chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng.
Độc giả có địa chỉ email namphong018...@gmail.com hỏi: Là một người đã đồng hành với bà Chiến trong một thời gian dài đi kêu oan cho ông Chấn, bà có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình đó?
Bà Thân Thị Hải trả lời: Kỉ niệm thì nhiều lắm. trong 10 năm 3 chị em đã đi trên từng cây số, từng góc phố Hà Nội, đến các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước để đưa đơn kêu oan cho anh Chấn. Nhưng kỉ niệm đáng nhớ nhất gần đây đó là vào ngào 1/8/2013, 3 chị em tôi hành trình từ Bắc Giang đến Cục điều tra của Bộ Công an ngõ 55 Hoàng Hoa Thám trực tiếp đưa đơn đến tận cơ quan nhưng không được tiếp nhận. Khi đến phòng tiếp dân của Cục điều tra thì 3 chị em tôi bị đuổi ra ngoài. Anh Hoạt và chị Chiến đi ra ngoài gốc cây ngồi còn tôi vẫn kiên nhẫn ngồi lại và thuyết phục đồng chí công an đó để cho gặp cục trưởng Cục điều tra nhưng vẫn không được.
Cuối cùng tôi năn nỉ, thuyết phục mãi thì đồng chí đó có cho tôi số điện thoại của Cục trưởng. Tôi đã điện gặp cục trưởng và trình bày với cục trưởng môt việc quan trọng. Tôi đã kể lại sự việc của anh Chấn đi tù oan 10 năm, đến nay gia đình chị em chúng tôi đã tìm ra hung thủ giết người hiện đang sống ở tỉnh Đắc Lắc. Cục trưởng đã cử đồng chí cục phó xuống gặp tôi và tôi cũng trình bày như vậy và đồng chí nhận đơn trực tiếp từ tay tôi. Nhưng về nhà và điện liên tục cho cục trưởng nhưng cục trưởng bảo phải có thời gian để xem xét.
Sau đó, tôi tìm đến cục điều tra công nghệ cao qua Internet. Ba chị em lại hành trình từ Bắc Giang xuống Hà Nội thì gặp được anh Mạnh và anh Ngọc Anh đón tiếp chúng tôi và nhận đơn chia sẻ với chị em chúng tôi.
Cuối ngày, chúng tôi ra về với một tia hy vọng và một niềm tin tưởng rằng anh Chấn sẽ được minh oan.
Bạn đọc có địa chỉ email honghanhctv...@gmail.com hỏi: Kinh nghiệm nào để những người có người thân đang vướng vòng lao lý có thể “lội ngược dòng”, đi tìm lại công bằng, sự thật cho thân nhân của mình?
Bà Nguyễn Thị Chiến trả lời: Kinh nghiệm của tôi là kiên trì, nhẫn nhục, bí mật, quyết tâm tìm chứng cứ, đặc biệt là phải vững tin.
Kể từ khi chồng tôi được minh oan thì cũng có rất nhiều người tìm đến gia đình tôi mong được tư vấn. Trong đó có vợ Hàn Đức Long (Bắc Giang), Hoàng Thị Miến mẹ của tù nhân Nguyễn Văn Hòa (cùng trại Vĩnh Quang với ông Chấn), Trường Chinh (Hải Dương)......Mong rằng những gia đình có người thân bị oan sai như chồng tôi sẽ được minh oan.
Độc giả có địa chỉ email anhdan...@gmail.com hỏi: Không ai tự dưng nhận tội mình giết người cướp của để phải lãnh án tù chung thân mặc dù mình không liên quan gì đến vụ án đó. Chỉ có bị ép cung, bị bức cung, bị đánh đập đau quá thôi đành nhận bừa cho đừng bị đánh nữa. Còn những người đánh thì cứ tha hồ chối tội vì chuyện đã 10 năm rồi, đâu có ai làm chứng, trên người ông Chấn đâu còn dấu vết gì đâu mà sợ. Điều tôi nêu như vậy có đúng không thưa luật sư?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời:Câu hỏi của bạn Dân là ý kiến của cá nhân mặc dù có lôgic, tuy nhiên, nó không hẳn là như vậy bởi lẽ mỗi chúng ta phải sống và làm việc theo pháp luật, những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ 1 ai hay 1 cơ quan nào đều bị xem xét với một hình phạt thích đáng.
Trong vụ án ông Chấn, mặc dù việc chứng minh ông Chấn bị bức cung, nhục hình là rất khó khăn nhưng nếu được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì không thể không làm được. Chúng tôi tin tưởng vào việc các cơ quan sẽ đồng vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc và hy vọng công lý sẽ được thực thi như bài phát biểu của các đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Kiểm sát và ông Chánh án Toàn án nhân dân tối cao vừa qua. "Để xảy ra oan sai... là không thể chấp nhận được", Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình khẳng định.
Bạn đọc có địa chỉ email maihiep..@gmail.com hỏi: Tại sao ông Chấn không giết chị Hoan hàng xóm mà ông ký vào những bản cung nhận tội?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Tôi bị bức cung và tra tấn, đánh đập, đe dọa, dụ dỗ, diễn lại cảnh cầm dao, bê xác. Vì sợ chết nên tôi phải nhận tội. Tôi mong ngày ra tòa để kêu oan, nhưng không ngờ lại nhận mức án chung thân.
Bạn đọc có địa chỉ email vananh…@gmail.com hỏi: Ông Chấn sẽ được nhận tiền bồi thường từ ngân sách nhà nước, vậy thì, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền đó cho ngân sách?
Luật sư Vũ Thị Nga: Về vấn đề này, pháp luật đã có quy định. Cụ thể cả một chương 7 trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ xác định mức hoàn trả còn phải phụ thuộc vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ.
Bạn đọc có địa chỉ email ngocanh0202...@gmail.com hỏi: Sau khi nhận được quyết định minh oan của Bộ Công an vừa qua, cuộc sống của ông đã thay đổi như thế nào? (làng xóm có cách nhìn khác không, về công việc làm ăn…)
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Hiện tại, tôi vẫn còn ốm đau, mệt mỏi. Vợ tôi (bà Nguyễn Thị Chiến) vẫn còn phải điều trị tại bệnh viện tâm thần TW2 và mất khả năng lao động.
Dân làng khi biết tin tôi được minh oan, trở về cùng gia đình, họ rất vui mừng, phấn khởi.
Bạn đọc có địa chỉ email maiha01...@gmail.com hỏi: Không chỉ là giúp đỡ về tinh thần, còn là những giúp đỡ về vật chất thì sao, thưa bà?
Bà Thân Thị Hải trả lời: Chung tay góp sức, kinh tế và tinh thần là do anh Thân Ngọc Hoạt (anh em đồng hao với anh Chiến). Khi chị Chiến đi viện thì đó là tiền em gái, tiền anh Hoạt giúp đỡ. Khi gia đình kêu oan nản lòng, không có hy vọng gì thì anh Hoạt vực tinh thần chị Chiến và các con dậy.
Anh Hoạt đã mang 3 sổ đỏ đi cắm được hơn 100 triệu để giúp đỡ chị Chiến trong hành trình minh oan cho anh Chấn. Có công lớn về cả mặt tinh thần và vật chất là anh Hoạt.
Bạn đọc có địa chỉ email nguyenhang2001...@gmail.com hỏi: Các cán bộ điều tra là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời được nhận lương nhà nước. Vậy mà, khi phá được các vụ án nghiêm trọng đều được lãnh đạo nhà nước khen thưởng. Còn bà chỉ là một người nông dân bình thường nhưng lại có ý chí kiên cường, đã giúp chồng minh oan, thu thập bằng chứng không khác gì một cán bộ điều tra. Vậy bà có mong mình được nhà nước tặng bằng khen không?
Bà Chiến bật khóc: Tôi không cần gì, chồng tôi còn sống, được minh oan là tôi hạnh phúc lắm rồi.
Tôi tên Huỳnh Thị Huệ, giáo viên nghỉ hưu. Hiện sống tại 94/35 TP Nha Trang. Số điện thoại: 3510175 - 012225.... Tôi và bạn bè ở Nha Trang rất quan tâm và bức xúc trước vụ án oan của ông Nguyên Thanh Chấn. Tôi xin đặt các câu hỏi sau đây cho Chị Hải, anh Hoạt: Trước hết cho tôi gởi lởi khâm phục trước tấm lòng của anh chị đối với anh Chấn và gia đình anh Chấn. Phải nói rằng anh, chị là người có công rất lớn trong việc giúp anh Chấn được minh oan. Hiện nay anh Hoạt chị Hải còn giúp vợ chồng anh Chấn trong việc đòi bồi thường oan sai không ? Cụ thể đó là những việc gì ?
Ông Thân Ngọc Hoạt trả lời: 10 năm qua, thời gian ông chấn bị oan sai. Sự tổn thương về mặt tinh thần và tổn thất về vật chất gây ra cho gia đình rất nhiều. Chúng tôi cũng như xã hội rất muốn anh Chấn và gia đình nhận được khoản bồi thường ở mức cao nhất. Bởi anh Chấn cũng như gia đình mình đã phải chịu quá nhiều đau khổ.
Bà Thân Thị Hải trả lời: Chúng tôi sẽ đi thu thập tất cả các giấy tờ liên quan đến vụ án của anh Chấn để mang tới luật sư. Từ đó, luật sư tổng hợp và đưa ra những khoản bồi thường để chúng tôi biết được và qua đó chúng tôi sẽ đấu tranh đòi công bằng.
Độc giả có địa chỉ email quantruc…@gmail.com hỏi: Có khả năng một “Lý Nguyễn Chung” trong các cơ quan pháp luật sẽ ra đầu thú về những sai lầm của mình trong quá trình điều tra, xét hỏi?
Luật sư Vũ Thị Nga: Điều đó là điều không tưởng bởi lẽ trong thực tiễn khách quan cũng như tâm lý tội phạm thường là chối tội, chưa nói đến việc trong trường hợp này, đối tượng tội phạm ở đây lại là 1 người được trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật, cũng như cách nắm bắt được tâm lý và lại có kinh nghiệm trong việc buộc tội. Vì vậy việc các căn cứ buộc được các đối tượng này thì họ nắm bắt được hết, họ có đầy đủ những biện pháp cũng như cách làm cho mình không phải đúng đối tượng phạm tội.
Hơn nữa việc ra đầu thú đối với Lý Nguyễn Chung là không còn sự lựa chọn nào khác, khi tất cả bằng chứng đã được chứng minh thì Lý Nguyễn Chung mới ra đầu thú. Trong trường hợp này rất khó khăn trong việc chứng minh để buộc người gây ra oan sai đầu thú như Lý Nguyễn Chung. Bởi lẽ nếu có thì họ đã có cả 1 hành trình để che giấu toàn bộ việc phạm tội của họ
Hơn nữa, tại thời điểm này, những người tham gia điều tra vụ án sẽ không bao giờ ra đầu thú. Vì vậy, câu hỏi của bạn Trúc Quân, tôi cho là điều không tưởng.
Trừ khi, vụ án này đã được khởi tố, các cơ quan chức năng với trách nhiệm trước dân, trước Đảng kiên quyết vào cuộc để điều tra, kết luận thì lúc đó cũng như là Lý Nguyễn Chung không còn đường nào khác khả năng Lý Nguyễn Chung thứ hai này mới ra tự thú.
Bạn đọc có địa chỉ email anhthuhpt...@gmail.com hỏi: Giả sử sắp tới sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường từ cơ quan nhà nước, bà sẽ sử dụng số tiền đó vào việc gì?
Bà Nguyễn Thị Chiến trả lời: Tôi chỉ mong mỏi có tiền chữa bệnh cho chồng được minh mẫn vì bị đánh đập 10 năm qua, con cái ổn định công việc làm ăn gần nhà. Nhất là cô con gái vẫn đi làm osin ở tận Đài Loan mà vẫn chưa có tiền về. Vì nay, nhất là cháu năm nay đã 30 tuổi mà chưa có chồng.
Gia đình chúng tôi cũng đang nợ lần rất nhiều, nhất là của ông Thân Ngọc Hoạt hơn 100 triệu và 3 sổ đỏ cắm vào ngân hàng để lấy tiền đi kêu oan.
Bạn đọc có địa chỉ email thanhnam...@gmail.com hỏi: Khi ông đã được tạm tha rồi thì các điều tra viên của vụ án oan 10 năm trước có trực tiếp đến gặp ông không?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Từ ngày tôi được về nhà, công an điều tra hay công an tỉnh Bắc Giang chưa hề đến gặp gia đình tôi.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng của Nhà nước khởi tố những người đã ép cung, dùng nhục hình với tôi.
Độc giả có địa chỉ email loanhn…@gmail.com hỏi: Theo bà, có khả năng có thể tìm ra chứng cứ để chứng minh ông Chấn bị bức cung, nhục hình?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời: Trong trường hợp này, việc tìm ra những chứng cứ để chứng minh ông Chấn bị ép cung, nhục hình là rất khó bởi lẽ vụ việc cũng đã xảy ra rất lâu (hơn 10 năm). Nếu có căn cứ để chứng minh là cơ quan điều tra dùng nhục hình đối với ông Chấn thì bây giờ những dấu vết trên cơ thể cũng không còn. Hoặc có nhân chứng tại thời điểm này thì những phạm nhân được chứng kiến tại thời điểm đó cũng đã mãn hạn tù.
Mặt khác, khi ông Chấn phải thực hiện điều tra xét hỏi thì chỉ có mình ông Chấn với các cán bộ điều tra, không có người giám sát, không có người cùng tham gia xét hỏi bởi lẽ năm 2003 luật tố tụng hình sự lúc đó chưa quy định là luật sư được tham gia xét hỏi từ giai đoạn khởi tố bị can.
Bạn đọc có địa chỉ email Minhchien123...@gmail.com hỏi: Bà chính là người đã phát hiện ra những tình tiết liên quan đến Lý Nguyễn Chung – thủ phạm thực sự của vụ án, bà có thể kể lại câu chuyện mình đã “tham gia phá án”, giải oan cho chồng?
Bà Nguyễn Thị Chiến trả lời: Trong một lần tôi tình cờ nghe ông Nguyễn Văn Hiền (hàng xóm nhà tôi) bảo ông Chấn oan quá. Từ chi tiết đó, tôi bàn với ông Hoạt (là anh rể) mua một máy ghi âm về nhờ ông cậu của chồng tôi là Phạm Văn Xuân và em ruột của tôi là Nguyễn Đình Lược bí mật ghi âm (ông Nguyễn Văn Khánh nói ra Lý Nguyễn Chung giết chị Hoan để cướp nhẫn vàng) tìm manh mối ra thủ phạm là Lý Nguyễn Chung - kẻ gây ra cái chết của cô Hoan. Sau đó, tôi bí mật nhờ người tìm ra nơi ở của Chung.
Tiếp tục tôi nhờ anh Hoạt và chị Hải tổ chức đi đưa đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết liên tục từ tháng 6/2013 đến ngày chồng tôi được minh oan. Tuy nhiên, nhiều lần liên tục đến các cơ quan nhưng mà ko được giải quyết. Sau đó được Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp nhận đơn và giải quyết, cho đến ngày nay chồng tôi đã được minh oan.
Bạn đọc có địa chỉ email namnguyen87...@gmail.com hỏi:Trong thời gian 10 năm chấp hành án, ông đã di chuyển qua bao nhiêu trại giam? Những người bạn tù đối đãi với ông như thế nào? Có kỷ niệm gì đáng nhớ trong tù?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Cán bộ công an chuyển tôi từ huyện lên trại Kế, Bắc Giang, xong chuyển lên trại ở Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc.
Đầu tiên, tôi vào phòng giam toàn đầu gấu, tôi bị đánh thừa sống thiếu chết, tưởng không sống nổi. Vì quá ức chế, đau khổ nhiều lần tôi muốn chết. Có một lần, tôi đã tự tử, nhưng được các bạn tù khuyên giải, động viên.
Với tôi, người bạn tù Đỗ Văn Toản là người gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ tôi nhiều nhất. Vào năm 2006, tôi được gặp bạn anh Toản. Hai người cùng tâm sự về hoàn cảnh, chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề. Lúc đó, tôi không hiểu rõ được vấn đề. Anh Toản đã giúp tôi viết đơn kêu cứu khẩn cấp, viết thư động viên cho người vợ của tôi.
Hôm tôi được trở về nhà, anh Toản có viết cho tôi bức thư "Khoảnh khắc không tưởng". Sau Tết Giáp Ngọ, tôi cũng nhận được từ anh bài thơ "Thật hay mơ".
Cơ quan nào sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm những cá nhân gây ra vụ án oan 10 năm trước?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời: Hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý, điều tra đối với Lý Nguyễn Chung về hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan.
Đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, vừa qua Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ bị can và đồng thời minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.Riêng với việc cơ quan nào sẽ điều tra, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân gây ra vụ án oan 10 năm trước đây thì trước hết các cơ quan chức năng phải xem xét, khởi tố vụ án bức cung, nhục hình. Sau đó sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong vụ án này nếu có dấu hiệu của tội bức cung, dùng nhục hình thì việc các cơ quan chức năng nên giao cho một cơ quan độc lập như cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy việc điều tra mới đảm bảo được tính khách quan, toàn diện và kiên quyết đấu tranh tội phạm.
Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng văn phòng luật sư Công lý việt, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang trả lời câu hỏi của độc giả.
Trước tiên tôi xin chân thành cảm ơn Báo Đời sống & Pháp luật đã tổ chức cuộc trò chuyện này, tôi xin chúc mừng ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình đã rửa được tiếng oan.
Tôi xin có mấy câu hỏi tham gia cuộc giao lưu trực tuyến với ông Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình và luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý trong vụ án oan 10 năm.
- Thưa ông Nguyễn Thanh Chấn, qua đọc báo Đời sống và Pháp luật tôi nhớ rất rõ một điểm: Ông được đánh giá là “phạm nhân chưa an tâm cải tạo”, tất nhiên là ông biết mình mắc vào oan trái nhưng điều gì khiến ông tin rằng mình sẽ được giải oan? Khi đó ông nghĩ mình sẽ được ai giải oan? Thực tế cuối cùng cho thấy, chính người dân lương thiện đã khởi động việc giải oan cho ông chứ không phải là cơ quan công lý, ông có suy nghĩ gì về chuyện này?
- Thưa ông Nguyễn Thanh Chấn, khi viết đơn kêu oan và viết thư cho gia đình, tôi thấy ông có nghị lực thật phi thường. Phi thường ở chỗ ông luôn tin mình bị hàm oan, phi thường ở chỗ ông luôn suy nghĩ và tâm tình với tâm thế, tình cảm của một người con, người chồng người cha. Xin bày tỏ lòng kính phục của tôi với ông. Xin hỏi thêm, ông có thấy mình là một người hạnh phúc, may mắn không khi cùng với ông còn có bạn tù tin và chia sẻ; có người tốt động viên người nhà, vợ ông cùng kêu oan? Ông có nhắn gởi gì, chia sẻ gì với những người tù “chưa an tâm cải tạo” như ông không?
- Thưa ông Nguyễn Thanh Chấn, 10 năm oan khuất của ông quả tình có nhiều éo le mà tôi nghĩ các bài báo còn chưa viết ra hết được, liệu ông có nghĩ đến chuyện cùng một nhà báo, nhà văn nào đó viết thành sách để chia sẻ với mọi người không?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: - Người tôi nghĩ đến đầu tiên là vợ tôi, anh Hoạt, chị Hải làm thay đổi chuyên án cho điều tra viên của tỉnh. Qua thời gian dài 10 năm, vợ tôi, có anh Hoạt, chị Hải đã phải đi tìm công lý, đi tới các cơ quan Trung ương để tìm ra sự thật. Vợ tuyệt vời.
- Tôi có khuyên những người bạn giữ gìn sức khỏe, an tâm cải tạo, yên tâm cải tạo, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
- Tôi cũng tin tưởng là có, ngay khi tôi trong tù, người bạn tù cũng đã nói tên tuổi của ông sẽ có tên trên nhưng bài báo, truyện ngắn. Có người trong thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có lời mời muốn làm phim ghi dấu lại quãng thời gian oan khuất vừa qua.
Bà có thể phân tích tại sao vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn được đưa ra xét xử “tái thẩm” chứ không phải là “giám đốc thẩm”?
Luật sư Vũ Thị Nga trả lời: Theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về thủ tục tái thẩm và Giám đốc thẩm:+ Tính chất của Giám đốc thẩm theo Điều 272 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.
Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (Điều 273) thì bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có 1 trong những căn cứ:
- Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
- Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử.
- Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.+ Tính chất của tái thẩm là thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:
- Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;
- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kiết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;
- Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.
- Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.
Như vậy thì thủ tục giám đốc thẩm là thủ tục sẽ được xem xét toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để xem xét vụ án. Còn tái thẩm trong quá trình đã xét xử xuất hiện một tình tiết mới, có thể đảo ngược, thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án, tình tiết mới đó phải thay thế toàn bộ nội dung vụ án.
Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì được đưa ra theo thủ tục tái thẩm bởi lẽ có 1 tình tiết mới là bà Chiến đã làm đơn tố cáo hung thủ Lý Nguyễn Chung, sau đó Lý Nguyễn Chung ra tự thú và đã được các cơ quan chức năng xem xét là tình tiết mới. Tình tiết này đã làm đảo ngược, thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, thay đổi toàn bộ nội dung vụ án. Chính vì vậy, vụ án này được đưa ra xem xét theo thủ tục tái thẩm.
Vì sao ngay từ đầu, khi rất nhiều người bà con, họ hàng, làng xóm đều xa lánh ông Chấn, bà lại tin rằng ông Chấn không phải là thủ phạm của vụ án giết người?
Bà Thân Thị Hải trả lời: Năm 2003, anh Chấn bị bắt oan về tội giết người. Sau gần 1 tháng thì gia đình đến trại giam tiếp tế nhưng không được vào. Anh Hoạt đưa chị Chiến tới nhà nhờ tôi giúp vì chồng tôi cũng là người trong ngành. Sau đó, tôi cũng đưa chị Chiến và các con lên trại tạm giam.
Hồi đó, anh Hồng là trưởng trại giam. Tôi gặp và thuyết phục nhưng anh Hồng cho gặp, vì ông Chấn mới bắt tạm giam được gần 1 tháng. Nhưng tôi vẫn kiên trì thuyết phục anh Hồng. Cuối cùng thì vợ con anh Chấn cũng được vào gặp.
Sau khi được găp vợ con và gặp riêng tôi thì anh Chấn nói mình không giết người, bị ép cung nhục hình. Sau khi nghe anh Chấn nói như vậy và linh cảm anh Chấn bị oan, không giết người. Anh Chấn ở nhà là một người hiền lành, đến con gà không dám cắt tiết. Nên tôi quyết tâm cùng anh Hoạt làm đơn kêu oan giúp anh Chấn.
Tôi muốn hỏi ông Chấn về cảm nghĩ của ông khi nghe tòa tuyên án chung thân ở phiên tòa sơ thẩm, và tuyên y án ở phiên phúc thẩm?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trả lời: Hôm nghe tòa tuyên án chung thân ở phiên tòa sơ thẩm và tuyên y án ở phiên phúc thẩm, tôi cảm thấy quá sốc, tưởng không thể sống nổi. Khi trả lời trước người nhà và bà con hàng xóm, một tay tôi vẫn bị còng. Tôi nói với mọi người yên trí, tôi không phải là kẻ giết người.
Bạn minhhiep...@gmail.com hỏi:Lý do tại sao bà tin chồng mình không liên quan đến vụ giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan?
Bà Nguyễn Thị Chiến trả lời: Buổi chiều ngày hôm đó, tôi luôn ở bên ông Chấn, tôi bảo chồng đi múc nước để muối dưa. Sau đó, chồng tôi bấm máy cho anh Thực nghe (nhà có điện thoại công cộng). Sau khi công an bắt chồng tôi, thì tôi đã cùng Bác Thân Ngọc Hoạt sang bưu điện xin giấy báo từ Bưu điện là 19h20. Vì vậy, công an điều tra 19h30 giết cô Hoan là vô lý. Hơn thế nữa chồng tôi .
Sau khi chồng bị bắt hơn một tháng, đang trong thời gian điều tra nên không được gặp. Nhờ vợ chồng bà Thân Thị Hải (nguyên cán bộ công an) quen ông Hồng (giám thị trại giam) xin chữ ký để gặp chồng tôi. Khi tôi và anh Hoạt, chị Hải gặp ông Chấn, chồng tôi than khóc không giết chị Hoan. Ông Chiến nói "Tôi bị đánh đập, nhục hình, ép cung, ép phải nhận tội nên đành phải ký vào văn bản". Từ đó, tôi một mực làm đơn kêu oan, không ngờ Tòa án vẫn kết tội chồng tôi chung thân.
Ông Hoàng Minh Thành, Phó tổng thư ký báo ĐS&&PL online tặng hoa các vị khách mời.
Tinmoi/Doisongphapluat.com