Thực trạng quan hệ thầy - trò bất đồng trong lớp học thời gian qua khiến nhiều phụ huynh, xã hội lên án, bất bình. Cùng PGS. Văn Như Cương mổ xẻ vấn đề.
Những sự việc gần đây như “Trò bật lại thầy ngay trên bục giảng”, “Học sinh đánh nhau lột đồ dã man” hay như sự việc đây nhất của một trường cấp hai tại Hà Nội “Cô giáo Hà Nội bắt học trò lên bục giảng ...tát nhau”…làm cho xã hội ngờ vực về một môi trường giáo dục đạo đức học sinh.
Xung quanh vấn đề này, PGS. Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh trao đổi: Hình như ở các trường sư phạm chỉ chú trọng giáo dục về chuyên môn mà thôi, còn môn “Đạo đức làm thầy” hình như chưa chú trọng lắm. Tôi cho rằng phải nghiên cứu lại chương trình ở các trường sư phạm, phải học tập như thế nào đó về cách ứng xử đối với lứa tuổi học trò.
- Trách nhiệm từ chữ “giáo dục”Trước nhiều sự việc học sinh cãi lại thầy và ngược lại thầy cũng có những hành xử không đúng mực với học trò trong thời gian gần đây, theo PGS nguyên nhân ở đây là gì?
-PGS. Văn Như Cương: Đây là một hiện tượng đáng buồn và ngày càng phát triển, mức độ phổ biến ngày càng nhiều. Thái độ giữa thầy và trò, giữa trò và thầy và giữa trò với trò, tức là cách hành xử trong các trường học đang có rất nhiều điều không ổn. Tôi cho rằng trách nhiệm phải chịu là ở chữ giáo dục của nhà trường cũng như của phụ huynh. Nhưng còn xuất phát từ chỗ mà chúng ta lâu nay làm chưa tốt đó là quan điểm giữa thầy và trò, nếu trước kia người thầy luôn luôn đúng, tính chất dân chủ và tự do ở tầng lớp thanh niên bị áp đặt, do đó phải theo thầy nói không được cãi lại. Do đó cũng phải thay đổi, bởi qua hệ giữa thầy và trò trước hết cũng là quan hệ giữa người với người, cũng phải có những ứng xử đúng giữa con người với con người. Về mặt thầy giáo cũng có nhiều thiếu sót, áp đặt, thậm chí là đánh đập, có nhiều thầy đấm đá học sinh, những phản ứng tức thì kiểu đó đương nhiên học trò sẽ phản ứng lại, cũng không may nhiều học sinh phản ứng tiêu cực bằng cách đánh lại thầy.
Nhưng cũng phải nhìn nhận xem phản ứng như thế nào khi nhìn thầy đánh học trò như vậy, một là học trò cam chịu, uất ức, luôn luôn bị như vậy và chịu nhịn nhục, đó cũng là một cách ứng xử. Cách hành xử nữa khi trò uất ức quá không làm gì được thầy và trên đường đi học về nhảy xuống sông tự tử, và chuyện này đã xảy ra ở Thái Bình. Thứ ba, học trò căm phẫn và tức thầy trên đường đi về rủ anh chị em của mình chặn để đánh thầy. Thứ tư, do bức xúc quá cũng có thể nhảy lên để đánh thầy luôn trên bục giảng. Rõ ràng, ở phía nào đó thầy đã có một ứng xử sai lầm dẫn đến phản ứng sợ nhất là học sinh tự tử. Đội ngũ thầy giáo cũng phải rút kinh nghiệm, phải học tập như thế nào đó ở môi trường sư phạm, về đạo đức làm thầy, về nguyên tắc làm thầy ngoài chuyện học văn hóa.
Tôi thì chú trọng tới vấn đề đó, còn học sinh cần có những tác động giáo dục tốt đẹp hơn về phía gia đình, xã hội mà tất cả chúng ta phải góp vào, hơn hết thầy giáo cũng phải hành xử đúng mực. Ngoài ra, trong trường cũng cần có kỷ luật nghiêm khắc hơn.
- Ở mọi tình huống học sinh “bật” lại thầy, PGS có ủng hộ học sinh của mình không?
- PGS. Văn Như Cương: Cần phải xem phản ứng đó ở mức độ nào, nếu như là tranh luận, hỏi, phản biện thì nên, nhưng cãi lại thì không được.
- PGS có đồng ý với quan điểm, mọi học sinh hư đều xuất phát từ người thầy?
- PGS. Văn Như Cương: Không, cũng giống như con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, bây giờ thì học sinh hư tại thầy? Con hư tại mẹ cũng là để nói lên trách nhiệm của người mẹ và người bà, học trò hư tại thầy là không phải, nói như vậy là một cách nhấn mạnh vai trò của người thầy, còn học trò hư thì đủ mọi cách tác động vào làm học trò hư.
- Phải đào tạo đội ngũ giáo viênPhần lớn những sự việc thời gian liên quan tới thầy đánh trò, trò cãi thầy phần lớn xảy ra ở những giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm, phải chăng vấn đề nghiệp vụ sư phạm chúng ta chưa chuẩn bị một cách bài bản?
- PGS. Văn Như Cương: Đúng như vậy, hình như ở các trường sư phạm chú trọng giáo dục về chuyên môn mà thôi, còn môn “Đạo đức làm thầy” hình như chưa chú trọng lắm. Cũng lấy làm lạ ngay ở trường Y chuyên về học mổ, học phẫu thuật nhưng đạo đức của người thầy thuốc cũng không được chú trọng, ngay cả ở giáo trình của trường. Tôi cho rằng phải nên nghiên cứu lại chương trình ở các trường sư phạm, phải học tập như thế nào đó về cách ứng xử đối với lứa tuổi học trò.
- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, xem trọng khâu giáo viên, vậy quá trình đổi mới này theo thầy giáo viên có cần phải được đào tạo lại không?
- PGS. Văn Như Cương: Nhất định rồi, khi đổi mới giáo dục thì đào tạo giáo viên là một khâu rất quan trọng. Nếu chúng ta muốn đổi mới ở nhiều mặt mà lại đào tạo ra lớp giáo viên như cũ thì rõ ràng trò không thích. Vấn đề ở đây, ngoài đào tạo mới thì còn phải đào tạo lại là cần thiết.
Không thể để đội ngũ giáo viên hiện tại chờ tới ngày về hưu, kể cả 30-40 tuổi vẫn phải đi học. Tôi nghĩ có thể làm được vì hiện nay các trường sư phạm đang đào tạo thừa, và có xu hướng thu hẹp đào tạo lại, vậy các lớp đào tạo này ở đâu? Phải mở các lớp chính quy, một năm có thể quy định bao nhiêu phần trăm giáo viên đó đến học, có chứng chỉ, và không đạt được thì không cho dạy.
Các trường sư phạm ngoài đào tạo giáo viên mới thì có thể đào tạo lại cả giáo viên cũ trong thời gian có thể 1 tháng hay 1 năm, và được thi để lấy chứng nhận.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.