"Thực hiện tốt theo Di chúc của Hồ Chủ Tịch, chúng ta phải tập trung chống lãng phí, tham nhũng, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên".
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã chia sẻ như trên khi nói về những việc cần làm khi học và làm theo tấm gương vĩ đại Hồ Chí Minh.
Thưa ông, năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc Bác Hồ., từ góc độ nghiên cứu, xin ông cho biết ý nghĩa đặc biệt của bản Di chúc?
Đối với một lãnh tụ, một vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì di chúc là văn bản, là công trình có ý nghĩa rất đặc biêt.
Di chúc của các bậc vĩ nhân thường tổng kết lại chặng đường lịch sử đã qua, dặn dò thế hệ sau tiếp tục sự nghiệp và dự liệu những vấn đề của đất nước, của dân tộc trong chặng đường sắp tới.
Đối với tôi, Di chúc của Người đúc kết lại rất nhiều vấn đề. Trong đó, Bác có tiên đoán sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta nhất định thắng lợi hoàn toàn, thì 6 năm sau (1975), dân tộc ta đã hoàn thành ước nguyện đó của Bác.
Trong bản Di chúc của mình, Hồ Chủ Tịch cũng dự liệu những việc phải làm sau thắng lợi, mà công việc trước tiên là phải chăm lo đối với các tầng lớp nhân dân, những người có công với đất nước; tập trung chăm lo thế hệ trẻ, nhất là đoàn viên thanh niên, xây dựng lực lượng này thành lớp người xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên.
Một vấn đề mà tôi nghĩ nên đặc biệt làm theo lời Di chúc của Người, đó là việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có 4 vấn đề cụ thể.
Một là Bác Hồ từng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc cách mạng, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, qua đó khẳng định bản chất của Đảng: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân, của dân tộc.
Thứ hai, Bác nhắc nhở Đảng phải thực sự đoàn kết, bởi đoàn kết không chỉ là truyền thống mà còn là quy luật vận động và phát triển của Dảng, cho nên “các cán bộ từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Thứ ba, Người nhấn mạnh việc thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, tiến hành phê bình, tự phê bình một cách nghiêm chỉnh. Đó vừa là củng có sự thống nhất của Đảng, vừa là quy luật vận động và phát triển của Đảng. Dân chủ trong Đảng là hạt nhân thực hiện dân chủ ngoài xã hội.
Vấn đề thứ 4 trong xây dựng Đảng là rèn luyện đạo đức cách mạng. Bác căn dặn Đảng ta là Đảng cầm quyền, nên mỗi Đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng ta trong sạch để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Bên cạnh đó, chúng ta phải cố gắng xây dựng và phát triển đất nước theo đúng ý nguyện của Bác Hồ.
Chúng ta cũng đổi mới, cũng phát triển rồi, cũng có thể nói là tự hào vì thực hiện được ước nguyện của Bác. Nhưng thực sự đất nước mình vẫn còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế phát triển nhưng vẫn còn có nguy cơ tụt hậu, đời sống của dân vẫn còn một bộ phận nghèo đói. Tôi suy nghĩ nhiều về điều đó, làm sao được như mong muốn của Bác, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, làm sao để đất nước phát triển mạnh hơn nữa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Di chúc và những lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ông có nhắc đến một câu viết trong Di chúc của Bác Hồ, đó là: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Vì sao ông lại tâm đắc với lời căn dặn này?
Trong câu nói và lời dặn dò này, Bác Hồ đang muốn nói tới sự thiêng liêng và cực kỳ quan trọng của việc đoàn kết.
Trong đời sống của con người, các cụ vẫn từng nói “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”; giữ gìn con mắt được trong sáng là giữ gìn cửa ngõ tâm hồn, giữ gìn con ngươi của mắt cũng chính là giữ gìn cái thiêng liêng, quý giá nhất của mỗi con người.
Thông qua hình ảnh ví von ấy, Người muốn nhấn mạnh rằng mỗi cán bộ Đảng viên phải biết điều đoàn kết vì nó vô cùng thiêng liêng, cao cả và quan trọng.
Tuyệt đối không gây mất đoàn kết trong Đảng, vì như vậy là tự mình làm hại đến sức mạnh và truyền thống của Đảng.
Câu nói này của Bác cũng tương tự như trước đây Bác đã từng ví trong tác phẩm Đường Cách Mệnh năm 1927 của Bác: “Đảng phải có lý luận. Đảng không có lý luận giống như người không có trí khôn”.
Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua?
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là hành động.
Thực ra cũng đã có những cái chúng ta triển khai được, làm khá nghiêm túc và rộng khắp, không những chỉ trong Đảng mà trong cả tầng lớp nhân dân.
Việc truyền bá những giá trị tư tưởng đạo đức của Bác Hồ giờ chúng ta nên thường xuyên làm hơn. Chúng ta không chỉ học lời nói mà phải theo hành động, việc làm, cách ứng xử của Bác. Chúng ta không phải chỉ đọc mấy bài viết của Bác về đạo đức cách mạng, mà phải thấu hiểu những việc làm của Bác.
Chúng ta nên tập trung vào học, nhưng phải biến cái học đó thành việc làm, hành động, cố gắng kết hợp giữa nói và làm, chứ vừa rồi chúng ta cũng nói khá nhiều rồi nhưng làm chưa được bao nhiêu, thậm chí còn chưa nói đến trường hợp “nói một đường, làm một nẻo”.
Bác Hồ là hiện thân của việc kết hợp giữa nói và làm, nên chúng ta cũng nên kiệm lời nói thôi, nói có mức độ thôi, nhưng phải hướng vào hành động, mỗi một hành động cụ thể còn hơn hàng trăm nghìn những văn bản, những chỉ thị, cần đi vào hành động một cách thiết thực hơn.Đây phải là việc làm thường xuyên chứ đừng nghĩ đây là đợt vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nghĩ đến Bác Hồ kính yêu thì hãy cố gắng làm một việc dù nhỏ, như vậy là góp phần làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Trong xã hội, nếu việc tốt ngày càng nhiều lên thì xã hội ngày càng tốt đẹp, còn nếu xã hội ngày càng đầy rẫy những cái xấu hiện diện thì nó ngày càng suy thoái.
Khi sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc biểu dương người tốt việc tốt, giờ chúng ta cũng nên chú ý đến việc đó, bởi trong xã hội ta hiện nay có nhiều người tốt, nhiều việc làm tốt. Nhiều khi chúng ta không chú trọng vào gương người tốt mà lại chỉ tập trung đi nói về những tiêu cực nhiều quá. Tất nhiên tiêu cực vẫn cần lên án, phê phán, nhưng nếu cứ tập trung vào cái đó mà không thấy được cái mặt tốt thì đó là thiếu sót, khiếm khuyết trong tuyên truyền và hành động.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung chống lãng phí, tham nhũng, chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của 1 bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Muốn thực hiện tốt điều đó phải tăng cường kỷ luật của Đảng. Kinh nghiệm cho thấy, kỷ luật Đảng mà không nghiêm sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực trong Đảng.
Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
Ông có cho rằng, học Bác đã khó, làm theo Bác càng khó hơn bởi Bác là người vĩ đại?
Theo tôi thì việc quan trọng nhất là làm theo Bác, nhưng cũng không nên quan niệm Bác Hồ là một người cao siêu mà chúng ta không thể học theo được.
Thực ra Bác rất bình dị, rất đời thường, từ việc nhỏ đến việc lớn, Bác đều hy sinh hết mức vì dân vì nước, chăm lo cho con người, đó là điều Bác rất quan tâm.
Ngay trong những công việc hàng ngày, Bác sống rất khiêm tốn, giản dị, thương yêu con người, những cái đó chúng ta hoàn toàn có thể học và làm theo được, trước tiên bằng cách hãy quan tâm đến người khác.Thời của mình, Bác Hồ có phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, sống trong xã hội phải quan tâm đến nhau, sống với nhau phải có tình có nghĩa, nếu không ăn ở với nhau có tình có nghĩa thì có độc bao nhiêu sách cũng không thể là người chân chính được.
Chúng ta phải cố gắng làm những việc tốt chứ đừng tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ với dân, đừng vô cảm với số phận của những con người trong đời sống xã hội…
Nếu mỗi người chịu khó rèn luyện và biến tình cảm của mình đối với Bác thành hành động cụ thể thì hoàn toàn có thể làm được trong việc góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp và đẹp giàu như đúng ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoài Thu (Theo ĐSPL)