Hàng trăm người dân ở Yên Bái đã kéo lên núi phản đối dẫn đến xô xát khi một doanh nghiệp cử người lên núi Nà Kèn (Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái) để thăm dò, đo đạc khai thác đá.
Theo VnExpress, sáng 27/9, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam đã thực hiện thăm dò tại núi Nà Kèn thuộc xã Lâm Thượng (Lục Yên, Yên Bái). Việc này bị nhiều người dân xã Lâm Thượng phản đối quyết liệt. Sau đó, xảy ra xô xát và chính quyền phải đưa công an tới vãn hồi trật tự.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch huyện Lục Yên, cho biết sự việc khiến 5 người dân bị thương, trong đó có hai trẻ em. Huyện đã cử nhân viên y tế vào sơ cứu và đưa người dân đi viện, hiện sức khỏe đã ổn định.
Lực lượng công an được điều tới hiện trường. (Ảnh: VnExpress) |
Ngoài ra, một người dân bị tạm giữ, một cán bộ tuyên giáo đi tác nghiệp bị ngăn và "đang ở với dân".. Hai bảo vệ của Công ty R.K bị người dân ném đá, đang được đưa đi điều trị tại Hà Nội.
Người dân Lâm Thượng lo lắng khai thác đá sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường, nên khi công ty R.K cử người tới thăm dò, khai thác, nhiều gia đình đã cho con em nghỉ học cùng lên núi phản đối.
Chị Nông Thị Đào, một người dân xã Lâm Thượng bức xúc cho biết: "Chúng tôi cho các cháu nghỉ để cùng mọi người lên rừng giữ đất, giữ nguồn nước. Bà con không đồng ý cho khai thác đá ở đây vì ảnh hưởng đến môi trường".
Người dân lên núi phản đối việc khai thác đá. Ảnh: Người dân cung cấp |
Trao đổi với VOV, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, Công ty Đá cẩm thạch R.K Việt Nam có Giấy phép số 248 ngày 29/1/2016 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp để thăm dò đá hoa trắng tại khu vực Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, thời hạn đến 29/1/2020 với diện tích thăm dò trên 101 ha.
Theo ông Thịnh thì luật hiện hành trong quá trình thăm dò chưa cần có đánh giá tác động môi trường, vì sau thăm dò, để có được Giấy phép khai thác thì bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường. Việc thăm dò ở Nà Kèn, Cục khoáng sản cũng đã trả lời người dân Lâm Thượng là trong giai đoạn thăm dò sự tác động đối với môi trường là có, nhưng không đáng kể.
Mỏ đá trắng Nà Kèn rộng 136,77 ha, nằm dưới chân núi là nơi có hàng trăm hộ dân sinh sống. Ngay sau khi dự án được cấp phép thăm dò đã vấp phải rất nhiều sự phản đối của người dân địa phương. Chính quyền và doanh nghiệp đã tổ chức một số buổi đối thoại với người dân nhưng chưa có kết quả.
Trang Vũ (Tổng hợp)