Trước bão dư luận, mỗi cựu quan chức có phản ứng khác nhau, trong đó người thì đi thẳng vào vấn đề, nói sâu, nói rõ nhưng cũng có người chỉ nói qua loa, thậm chí “lạc đề”.
Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chưa trả nhà công vụ suốt 8 năm qua; Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ với nhiều biệt thự khủng; Trần Xuân Giá với những sai phạm ở ngân hàng ACB; anh hùng Phạm Tuân – người liên quan đến dư luận “đường Trường Chinh bị bẻ cong để né nhà quan” là những cựu quan chức cùng các vụ việc lùm xùm thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây.
Mỗi cựu quan chức có phản ứng khác nhau trước bão dư luận
Cụ thể, qua các cuộc trả lời báo chí, người đọc có cảm tưởng anh hùng Phạm Tuân đã trả lời thẳng thắn, giải thích cặn kẽ, căn nguyên của vấn đề nhất; ông Hoàng Xuân Giá nêu đúng vấn đề nhất; còn ông Hoàng Văn Nghiên vòng vo, né tránh; ông Trần Văn Truyền không đi sâu vào câu hỏi.
Anh hùng Phạm Tuân: “Chúng tôi không cần ưu tiên bẻ cong đường”
Câu chuyện đường cong Trường Chinh và “nghi án bẻ con để né nhà quan” từng thu hút sự quan tâm của dư luận. Lúc đó, để dư luận hiểu được nguồn gốc của vấn đề, trong bài trả lời phỏng vấn báo Người đưa tin (ngày 8/4), anh hùng Phạm Tuân – người có trong danh sách quan chức, anh hùng ở đoạn đường Trường Chinh được cho là bị bẻ cong vì né xâm phạm các nhà này đã giải thích cặn kẽ căn nguyên các vấn đề khiến dư luận băn khoăn và trả lời thẳng thắn, trực diện tất cả các câu hỏi phóng viên đặt ra.
Cụ thể, ông Tuân kể lại bối cảnh lúc ông được phân đất tại đường Trường Chinh và kế hoạch quy hoạch đường Trường Chinh của UBND thành phố Hà Nội rồi sau đó mới nói rằng “Bấy giờ không ai nghĩ nắn thẳng hay nắn cong. Bây giờ, khi thi công thấy đường nó hơi cong nói là do nắn thì không phải. Nếu chúng tôi là cán bộ của UBND thành phố Hà Nội, là người ký quyết định đó thì mới bảo là nghi ngờ có sự điều chỉnh. Đây giữa quân chủng không quân, bộ quốc phòng với Hà Nội làm việc rõ ràng có văn bản, chúng tôi không tham gia, tác động”.
Khi phóng viên đề cập đến có ý kiến cho rằng, “khi có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, UBND TP Hà Nội đã hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ quan là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời”, ông Tuân đã thẳng thắn: “Đã vào quy hoạch thì ưu tiên cho tôi ở lại, tôi không hề muốn".
“Tôi đã chiến đấu suốt đời, ở cương vị không cao nhưng đã được nhân dân biết đến thì mình thêm một tí được cái gì, chiến đấu cả đời có phải được chỗ đó đâu. Lúc chiến đấu chỉ nghĩ làm sao bảo vệ được Tổ quốc chứ đâu có nghĩ đến sau này về tôi được miếng đất này, miếng đất kia.
…Tóm lại, ngoài Chính sách, chúng tôi không có nhu cầu ưu tiên gì hết, lấy bao nhiêu là do nhà nước”, Trung tướng Phạm Tuân nói và bày tỏ rõ quan điểm: “Tôi không có ý kiến gì, Nhà nước giải quyết như thế nào tôi theo thế. Cái gì trái với pháp luật thì thu hồi, không trái thì xử lý bình đẳng”.
Trần Xuân Giá: “Tôi có bảo bối để bảo vệ mình”
Ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng là một cựu quan chức bị khởi tố vì có hành vi sai phạm trong công tác điều hành ngân hàng ACB.
Cụ thể, chiều 27/9/2012, cơ quan công an công bố quyết định khởi tố bốn người, gồm: ông Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Phạm Trung Cang- nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank).
Ông Hoàng Xuân Giá. Ảnh: Tiền phong
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang đã ra chủ trương cho uỷ thác cho nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng theo Cơ quan cảnh sát điều tra, cả bốn người là đồng phạm với ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải (đã bị bắt tạm giam - PV) về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. "Vì vậy Cơ quan điều tra đã khởi tố bốn trường hợp nêu trên", Cơ quan CSĐT cho biết.
Tuy nhiên, trước khi bị khởi tố, ông Trần Xuân Giá từng nói với PV Tiền Phong ngày 21-9 rằng ông có bảo bối để bảo vệ mình.
“Ông nói: Bảo bối của tôi hiện nay là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm.
Tôi là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là “đứa con” sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc, tuy nó chưa hoàn chỉnh, còn phải hoàn thiện”.
Trần Văn Truyền: “Anh hỏi tôi sao tôi nói được?”
Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo về kết luận kiểm tra vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ về những thông tin liên quan đến biệt thự khủng được dư luận phản ánh trước đó.
Bản thông báo cho biết, xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ) và gia đình đứng tên, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy: trong thời gian giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cơ quan trung ương và khi đã về nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã có khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, ông đã thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến lợi ích của bản thân và gia đình, trong đó có việc thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm. Những việc làm của ông Trần Văn Truyền gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng.
Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trần Văn Truyền đến mức phải thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã báo cáo và được Ban bí thư đồng ý, theo đó Ban bí thư yêu cầu: ông Trần Văn Truyền phải kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bến Tre và Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng thời chỉ đạo thu hồi dứt điểm thửa đất tại số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre và căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận theo đúng quy định của pháp luật.
Xem thêm Video tuyên án xử vụ TMV Cát Tường :
Trước kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương và phản ứng của dư luận, ông Trần Văn Truyền đã trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động sau buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại tỉnh Bến Tre chiều 26/11. Tuy nhiên, các câu trả lời của ông không đi sâu vào câu hỏi phóng viên đặt ra.
Cụ thể, khi phóng viên đề cập đến việc “sau khi nhận được kết luận chính thức từ Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông có ý kiến gì và dự định sẽ khắc phục ra sao?”, ông Trần Văn Truyền trả lời: “Bây giờ, anh hỏi Ủy ban Kiểm tra trung ương đi nghen. Ủy ban Kiểm tra trung ương nói rằng thông báo chung thì cơ quan này đã thông báo rồi. Đây là việc nội bộ, trong phạm vi bí mật của nội bộ, cho nên các tài liệu cũng như nội dung… đều là bí mật. Anh hỏi tôi sao tôi nói được?
Còn khi phóng viên hỏi: “về những nội dung trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa công bố, ông có khiếu nại gì không?”, ông Truyền đã đáp lại: “Nói chung là anh không cần phải hỏi tôi mấy chuyện này. Khiếu nại hay không, chừng nào tôi làm thì tôi làm. Làm gì mà báo chí phải quan tâm mấy chuyện này(?)”.
Hoàng Văn Nghiên: “Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai”
Ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội được dư luận nhắc đến khá nhiều trong mấy ngày nay cùng với việc ông chưa trả lại biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa suốt 8 năm qua.
Ông Hoàng Văn Nghiên. Ảnh: Tiền phong
Trả lời báo Người lao động ngày 4/12 về việc này, ông Hoàng Văn Nghiên nói: “Tôi chả có việc gì để nói chuyện cả. Tôi có làm gì đâu mà chuyện với trò. Nguyện vọng của tôi, tôi đã nói với chính quyền từ 10 năm nay rồi, còn bây giờ chả có gì để nói cả. Sống đàng hoàng thì chả phải nói gì với ai”.
Khi phóng viên đề cập đến í kiến cho rằng ông đang “chây ì” thì ông Nghiên nói: “Anh đến Sở Xây dựng hoặc lên UBND TP mà hỏi, họ sẽ trả lời. Có ai nói gì với tôi đâu. Cơ quan người ta không nói gì với tôi, tôi không nói gì với cơ quan thì việc gì phải nói nhỉ?. Tôi không bận tâm gì mà người ngoài đi nói thì lạ quá”.
Nhiều độc giả báo Người lao động đã có phản hồi sau khi đọc bài viết “Ông Nhiên lên tiếng vụ không trả biệt thự….”, trong đó số đông tỏ ra không bằng lòng với cách trả lời phỏng vấn của ông Nghiên . Họ cho rằng, ông vòng vo, né tránh vấn đề của câu hỏi đề cập.
“Khi được hỏi có ý kiến cho rằng ông đang “chây ì” không chịu trả biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và đòi hỏi phải được thuê biệt thự ở Ciputra, chỉ cần trả lời "Có" hoặc "Không" mới là thẳng thắn. Đằng này ông ta lại trả lời lòng vòng, đọc hết cũng chẳng có đáp án cho câu hỏi”, một độc giả phản hồi trên báo Người lao động.
Hà An (tổng hợp)