Trong đợt khai quật khảo cổ học của Viện Khảo cố học tại khu vực Hoàng thành Thăng Long trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội, đã phát hiện một miếng vàng cổ hình rồng.
Ngày 16/12, tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu vực Hoàng thành, PGS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cố học Việt Nam cho biết tháng 2-12/2014, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã cùng Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò gần 1.000 m2 ở khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn.
Kết quả khai quật đã phát hiện tầng văn hóa dày với nhiều lớp kế tiếp nhau, phát triển liên tục và có niên đại kéo dài suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Cuộc khai quật cũng lần đầu tiên xác định được các dấu tích kiến trúc ở trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại. Trong đó, bước đầu làm xuất lộ 4 dấu tích kiến trúc lớn ở thời Lý như móng kiến trúc, móng tường, sân gạch, đường nước lớn.
Phát hiện miếng vàng cổ hình rồng ở Hoàng thành
Các di vật được tìm thấy trong cuộc khai quật năm 2014 cũng phong phú với số lượng lớn loại hình vật liệu kiến trúc, đồ sành, gốm sứ. Trong đó có cả những viên gạch thời Lê sơ có cả dấu chân thú. Đặc biệt, cuộc khai quật lần này đã tìm thấy một miếng vàng hình hoa sen vòng ngoài, phía trong là hình rồng tinh xảo.
Ông Tống Trung Tín cũng cho hay, hình rồng trên miếng vàng là rồng cuộn tròn. Phần hoa sen áp sát và bao bên ngoài. “Tôi nghĩ đây là để đính vào mũ vua hoặc phần nào đó trên trang phục của vua, như đai chẳng hạn”.
Trao đổi trên Thanh Nien, Giáo sư Hoàng Văn Khoán, Trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, hình rồng trên miếng vàng có mào và phần móng chân giống rồng thời Lý. Tuy nhiên, độ uốn lượn của thân rồng lại có yếu tố gần với rồng thời Trần. “Chính vì thế, tôi cho rằng đây là rồng thời Lý muộn”, ông Khoán nói.
H.Nguyen (tổng hợp)