Mới đây, theo tờ New York Times, các nghiên cứu gần đây cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh ở nhiệt độ từ 3-17 độ C. Vì vậy, những vùng khí hậu ấm có khả năng lây nhiễm Covid-19 thấp hơn.
Cũng theo nghiên cứu này, các nước gần xích đạo và ở khu vực Nam Bán cầu được ghi nhận có số ca nhiễm thấp hơn 6% so với toàn cầu.
“Bất kỳ nơi nào có nhiệt độ lạnh, số ca nhiễm đều tăng nhanh hơn. Có thể thấy ở châu Âu, dù hệ thống y tế được xem là hàng đầu nhưng vẫn có số ca nhiễm tăng đột biến", ông Qasim Bukhari, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Công nghệ Massachusetts nói.
Một phân tích của các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha và Phần Lan cũng cho biết chủng virus này sống ở những vùng có nhiệt độ thấp, khô ráo.
Yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng đến sự lây lan cũng có thể dễ dàng nhìn thấy tại Mỹ. Các khu vực có nhiệt độ ấm như Arizona, Florida và Texas, có mức bùng phát chậm hơn so với các bang lạnh như Washington, New York và Colorado. Những bang như California có mức bùng phát dịch trung bình do nhiệt độ không quá lạnh hoặc nóng.
Trước đó, South China Morning Post trích nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Tôn Dật Tiên, thành phố Quảng Châu, nói chủng virus corona gây bệnh Covid-19 có khả năng lây lan nhanh nhất ở một nhiệt độ cụ thể.
Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Tôn Dật Tiên cho rằng virus corona gây bệnh Covid-19 "đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao", điều này sẽ ngăn khả năng lây lan của nó ở các nước ấm hơn, trong khi điều ngược lại đúng ở những vùng có khí hậu lạnh.
Nghiên cứu khuyến cáo "các quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt".
Giới chức y tế và chính phủ của nhiều quốc gia đang đặt niềm tin vào việc khả năng lây nhiễm của virus corona sẽ giảm khi nhiệt độ tăng lên - điều xảy ra với các loại virus tương tự gây bệnh cảm cúm thông thường hoặc cúm mùa.
"Một mình yếu tố thời tiết, chẳng hạn như việc tăng nhiệt độ và độ ẩm vào các tháng mùa xuân và mùa hè ở Bắc bán cầu, không nhất thiết dẫn đến việc suy giảm số ca nhiễm virus nếu như không có sự can thiệp y tế công cộng trên diện rộng", các nhà khoa học nhận định. Nghiên cứu này được xuất bản vào tháng 2 và cũng đang chờ bình duyệt khoa học.
Theo Jarbas Barbosa, trợ lý giám đốc văn phòng khu vực châu Mỹ của tổ chức y tế WHO, sẽ mất từ 4-6 tuần nữa để có thể xác định rõ ràng hơn về cách mà Covid-19 phát triển ở thời tiết khác nhau. Đồng thời, hiện còn nhiều bí ẩn về Covid-19 chưa được khám phá nên không rõ vào mùa thu sắp tới, SARS-CoV-2 có phát triển mạnh mẽ hay không.