Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Theo dự án tổng thể giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng thể diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 798,01 ha/58,2 km và 16,0005 ha thu hồi ngoài chỉ giới đường đỏ. Số hộ tái định cư khoảng 1.006 hộ; cần di dời khoảng 11.682 ngôi mộ. Thành phố dự kiến bố trí 12 khu tái định cư với diện tích 392.789 m2; di chuyển 43 cột điện cao thế.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cũng tổ chức giao ban dư luận xã hội hàng tháng để nắm bắt tình hình dư luận Nhân dân, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, trong đó, có nội dung về dự án đường Vành đai 4 để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và định hướng dư luận xã hội. Ủy ban MTTQ các quận, huyện và các tổ chức thành viên cũng thường xuyên liên hệ, trao đổi với lãnh đạo Đảng ủy, UBND các phường có dự án đường Vành đai 4 đi qua để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, dư luận của cán bộ và các tầng lớp nhân dân để tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; báo cáo kịp thời với Thường trực quận, huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án.
"MTTQ Thành phố cũng xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát năm 2023, trong đó, có nội dung giám sát kết quả, tiến độ thực hiện Dự án, việc thực hiện các cơ chế, Chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện dự án để không phát sinh điểm nóng; tổ chức các đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình, công tác triển khai Dự án tại các quận, huyện nơi có Dự án đi qua. Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện đã hướng dẫn Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương có Dự án đi qua xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giám sát việc triển khai thực hiện, tập trung nội dung vào việc thực hiện các quy định về công tác bồi thường GPMB, tái định cư...; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các tổ chức thành viên, UBND quận, huyện tích cực thực hiện các hoạt động giám sát, tiếp dân, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân”, Phó Chủ tịch Nguyễn Sỹ Trường nhấn mạnh.
Tham luận tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh cho biết, ngay từ khi triển khai, xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, MTTQ và các đoàn thể huyện đã phối hợp chặt chẽ cùng UBND cùng cấp để triển khai dự án. Từ khi dự án được triển khai, MTTQ 5 xã đã tham dự các buổi họp dân, kịp thời nắm bắt dư luận nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi vào dự án. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tại hội trường UBND xã khi họp, đối thoại cùng bà con nhân dân đến từng hộ gia đình đề vận động, tuyên truyền hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của dự án đường Vành đai 4. Về cơ bản, bà con nhân dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương đầu tư dự án. Vì vậy, công tác di chuyển mộ rất nhanh, 100% số ngôi mộ nằm trong dự án đã được người dân di chuyển về nghĩa trang quy hoạch xong trước Tết Nguyên đán. Công tác kiểm đếm, duyệt dự án, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp... diễn ra thuận lợi, các vướng mắc, kiến nghị của các hộ dân đã được các tổ công tác giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Còn ông Lê Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín lại cho rằng, xác định công tác Mặt trận phải "âm thầm" đi trước một bước. Trong đó, Trưởng Ban Công tác Mặt trận phải là những người tham gia đầu tiên nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng của huyện đạt kết quả tốt, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Trước tết Nguyên đán Quý Mão, huyện Thường Tín cũng đã bồi thường, di chuyển mồ mả cho 1.771 ngôi mộ. Khi thực hiện nội dung này, Mặt trận huyện đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, các nhà chùa cùng vào cuộc để đảm bảo yếu tố tâm linh và ý nghĩa khi di chuyển mồ mả nên kết quả đạt được ngoài mong đợi.
Chia sẻ về kết quả thực hiện đường Vành đai 4, ông Đỗ Đức Hợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Khai, huyện Hoài Đức cho biết: Dự án đường Vành đai 4, đoạn qua huyện Hoài Đức có chiều dài 17,1km, đi qua 12 xã, trong đó, đoạn qua xã Minh Khai có chiều dài khoảng 0,5km; ảnh hưởng 5,86ha liên quan đến 152 hộ gia đình, cá nhân và đi qua Nghĩa trang nhân dân Ụ pháo, xã Minh Khai với diện tích 3.915m2 và di chuyển khoảng 303 ngôi mộ. Thực hiện chủ trương trên, Ủy ban MTTQ xã đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận Nhân dân. Xác định công tác di chuyển mộ chí là nhiệm vụ khó khăn trong trong GPMB do liên quan đến văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Song với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, đến nay, xã đã di chuyển 232/303 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 75,56%; đã trả kinh phí bồi thường hỗ trợ 152/152 hộ dân có đất trong phạm vi thu hồi với tổng diện tích 47.595,7m2. Chi trả kinh phí hỗ trợ di chuyển mộ chí của 110 hộ gia đình. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với đất và mộ chí khoảng 54,6 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án giao thông trọng điểm của Quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc mở rộng không gian phát triển của Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, mở ra một hành lang vận tải và phát triển KT-XH liên vùng mà trọng tâm là Hà Nội. Trong 3 nhóm dự án thành phần, nhóm Dự án 1 là đền bù hỗ trợ GPMB có ý nghĩa then chốt quyết định. Chính vì vậy, công tác thu hồi đất GPMB và TĐC là công việc rất khó khăn phức tạp, chiếm kinh phí lớn, cần đi trước một bước. Trên cơ sở triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, 3 tỉnh/TP trong Vùng Thủ đô đã chủ động lập BCĐ vùng và các BCĐ riêng.
Nhận thức được Dự án thành phần 1 có tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt, riêng Hà Nội có tổng diện tích đất cần thu hồi rất lớn, phải di dời hàng vạn ngôi mộ, Thành phố đã chấp thuận chủ trương bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ phải di chuyển, quy mô gần 40ha; Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị riêng về tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Dự án. Có thể thấy, toàn hệ thống chính trị của Thành phố và các quận, huyện, xã, phường có liên quan cần vào cuộc quyết liệt. Thành phố và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đã ký giao ước thi đua, phấn đấu tháng 6/2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và tháng 12/2023 cơ bản bàn giao mặt bằng tổng thể của Dự án, đến năm 2027, có thể đưa Dự án vào khai thác sử dụng.
Khẳng định những mục tiêu đề ra của tiến độ Dự án là thách thức vô cùng lớn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn Thành phố đã thu hồi 213ha/798ha tổng thể, đạt 26,7%, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị: Để Dự án được hoàn thành GPMB đúng tiến độ trên địa bàn Thành phố, MTTQ các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp nhất là trong tuyên truyền về tầm quan trọng của Dự án, vận động Nhân dân địa phương đồng thuận, phấn đấu đến tháng 6/2023 GPMB đạt 70% và hết năm đạt 100%. Thường trực Ủy ban MTTQ các quận, huyện, phường, xã cũng cần phối hợp thường xuyên với UBND các quận, huyện, phường, xã để nắm thông tin, khó khăn vướng mắc liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân trong bồi thường GPMB để tuyên truyền vận động, hỗ trợ kịp thời.
Đồng tình với kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố về việc Thành phố cần tổ chức biên tập, ban hành Sổ tay tuyên truyền chung liên quan Dự án, đồng chí Dương Đức Tuấn cũng lưu ý Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của người dân để báo cáo kịp thời với chính quyền; người dân chủ động giám sát, phản ánh ngay với chính quyền về những biểu hiện tiêu cực (nếu có) trong công tác GPMB Dự án. Đồng thời, đề nghị UBND quận, huyện, xã, phường thường xuyên cung cấp kịp thời tới Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thông tin tình hình thực hiện Dự án; tăng tuyên truyền vận động Nhân dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Việt Nam Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Để đảm bảo Dự án khởi công ngay trong tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành cuối năm 2026, đưa vào hoạt động năm 2027 đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của 7 quận, huyện bám sát các mục tiêu, yêu cầu, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám dân, sát dân, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án Đường Vành đai 4, công khai, minh bạch các thông tin về Dự án; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động và nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đảm bảo hoàn thành tiến độ GPMB đã đề ra. Trước mắt, lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị đại biểu Nhân dân. Nắm chắc tình hình Nhân dân, làm tốt công tác dự báo tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu với cấp uỷ và phối hợp với chính quyền trong giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để hình thành điểm nóng.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án, nhất là trong công tác quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, GPMB, tái định cư… đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng và đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của Dự án. Phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, sát dân, gần dân; Tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe Nhân dân, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đặc biệt trong công tác di dời các phần mộ, thu hồi đất thổ cư…
Đặc biệt, nắm tình hình, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, đảm bảo người dân yên tâm thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng, sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thi đua, cụ thể hoá phong trào thi đua bằng những nội dung công việc, việc làm, tiêu chí thi đua cụ thể; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhằm lan toả sâu rộng trong cộng đồng những việc làm tốt, hành động đẹp, các giải pháp, mô hình hiệu quả; tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận, quyết tâm hoàn thành đảm bảo yêu cầu tiến độ đã đề ra.
Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết giao ước thi đua MTTQ của 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua để góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.