Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh: "Nhiều khi mình không được cả hai, phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây dựng một cái nhà máy thép hiện đại" đã khiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy hải sản bức xúc, lên tiếng phản đối.
"Không thể chấp nhận được thông điệp chọn 1 trong 2"
Trao đổi với Tri thức trẻ, Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: "Nếu thực sự ông Phàm nói như thế, đầy đủ câu rồi thì tôi cho rằng, tư tưởng đó không nên tồn tại trong thời đại này".
Theo ông Thắng, dự án này là của tỉnh, Trung ương chấp nhận cho đầu tư thì cần phải có ý kiến của người quản lý cao nhất là ông chủ nhà máy. "Nếu ông Phàm nói theo chỉ đạo của ông chủ nhà máy thì chúng ta mới xem xét xử lý. Còn là riêng quan điểm của ông này thì nó không thích hợp với Việt Nam và công ty nên có xử lý", Tri thức trẻ dẫn lời ông Thắng nói.
Không chấp nhận phát ngôn kiểu này, trong một bài PV của Dân trí, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm".
"Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta cho phép Formosa đầu tư nhưng cũng yêu cầu họ phải đảm bảo các điều kiện sống cho tự nhiên, cho thế hệ mai sau".
Theo ông Doanh: "Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng tuyên bố này là thái độ bàng quan trước vấn nạn của một đất nước. Thái độ thách thức của nhà đầu tư đối với người Việt Nam là không thích hợp", Dân trí trích lời ông Doanh nói.
Cùng bất bình về phát ngôn trên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ: "Không thể chấp nhận được thông điệp chọn 1 trong 2, điều này không đúng với chủ trương trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Không thể và không ai có quyền bắt Việt Nam phải chọn 1 trong 2, đánh đổi kinh tế để hy sinh điều kiện sống. Việt Nam phải chọn cả hai, không được hy sinh cái gì cả", Dân trí dẫn lời ông Hồ nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng nêu rõ: "Không bao giờ có chuyện đánh đổi bất cứ cái gì lấy sự phát triển bền vững của môi trường cả. Đất nước này phải tiến theo con đường phát triển bền vững, anh đánh đổi là không được. Ý kiến của ông Phàm tôi cho rằng, phải xem xét lại và nếu đúng như thế thì cần có xử lý, chúng ta không bao giờ chấp nhận như vậy" - Tri thức trẻ dẫn lời ông Cương.
Cá chết hàng loạt ven biển miền Trung. Ảnh Internet |
"Cái giá quá đắt"
Trong một bài viết gửi đến báo Dân trí, Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam nhận định: "Với câu hỏi của đại diện Formosa, tôi nghĩ rằng nó có phần coi thường người Việt Nam. Nếu thực sự có một ai đó đáng bị coi thường thì câu hỏi của đại diện Formosa nên đặt ra cho chính người đó. Trong khi nhiều người dân Việt Nam, ít nhất là những ngư dân đang bị ảnh hưởng, không có quyền được trả lời câu hỏi đó, càng không có quyền quyết định có chấp nhận dự án Formosa hay không. Chính các lãnh đạo một số bộ ngành và địa phương mới là những người đã quyết định chọn dự án Formosa và chính họ phải chịu trách nhiệm giải trình với dân về những lợi ích mà họ đại diện".
"Cho đến nay, dù chưa thể kết luận nhưng vẫn có thể cho phép chúng ta củng cố thêm giả thuyết bấy lâu về cái giá quá đắt của dự án Formosa mà nền kinh tế đang phải gánh chịu. Cái giá đó không chỉ là những vụ lúa bị mất đi trên chính mảnh đất nay được thay bằng dự án mà còn có khả năng là nguồn lợi hải sản ở một vùng biển rộng lớn bị hủy diệt, ẩn sau đó là sinh kế của ngư dân, và hơn nữa là sức khỏe, tính mạng và nòi giống của người Việt Nam cũng có nguy cơ bị suy kiệt", vị này viết thêm.
"Nhiều khi được cái này thì mất cái kia" Theo ông Chu Xuân Phàm, việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, vì nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường và cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Ông nói rằng: "Trước khi xây dựng dự án này, công ty phải xin phép Nhà nước Việt Nam. Nhiều khi được cái này mất cái kia. Hôm nay Nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc", Tuổi trẻ trích lời ông Chu Xuân Phàm nói. Theo ông Chu Xuân Phàm đây cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái đó phải lựa chọn một. "Khi họ vào đầu tư thì được cấp đất và một diện tích biển để làm cảng. Tỉnh đã giải phóng mặt bằng, người dân được tái định cư, khi có khu tái định cư, thì người dân đã được chuyển ngành, chuyển nghề để không đánh bắt cá nữa. Khu công nghiệp khi đi vào hoạt động thì tàu to ra vào thường xuyên, người dân đánh bắt cá ở đây sẽ gây nguy hiểm, cho nên khi xây dựng nhà máy thép thì người dân sẽ không bắt cá nữa”, ông Chu Xuân Phàm nói. |
K. Duy (tổng hợp)