Chỉ ít ngày nữa, ĐTQG Việt Nam sẽ đụng độ Campuchia. Nhiều người muốn chúng ta thắng để đỡ nỗi buồn SEA Games. Nhưng thắng thế nào khi nội bộ còn "tấn công" lẫn nhau?
Gạch đá xây đủ lâu đài cho U22 Việt Nam
Chẳng lạ khi U22 Việt Nam về nước mà chỉ có rất ít NHM ra sân bay chờ đón. Đó đã là điều quen thuộc: Thắng sẽ được tôn vinh còn thua thì đừng mong chờ gì, thậm chí bị chỉ trích ít đã là may.
Về phần U22 Việt Nam, họ không may chút nào khi đã nhận vô số "gạch đá" từ NHM. Nhiều cầu thủ chỉ biết chịu trận. Còn Xuân Trường thốt lên phản kháng một cách yếu ớt: "Bọn em đã vào trận với rất nhiều vết đau trên thân thể, đã cố gắng hết mình và không đáng bị nhận chỉ trích, chửi rủa...".
Khi đang buồn bã gì thất vọng, nhiều NHM vin mọi thứ có thể để chỉ trích thêm các cầu thủ. Dù thông tin Công Phượng muốn giải nghệ rõ ràng là giả, không ít người vẫn buông lời chỉ trích nặng nề tài năng này.
Phải chăng người ta đang quên đi rằng nhiệm vụ lúc này là giúp lứa cầu thủ đó đứng lên, chứ không phải vùi dập họ bằng những từ cay nghiệt? Như cách nói của bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc VPMilk, Nhà tài trợ chính thức cho Đội tuyển Việt Nam thì:
"Chỉ vì kết quả một trận đấu mà lên án các em, chúng ta khó giải quyết bài toán tâm lý cho các cầu thủ trước những trận đấu quan trọng. Nhìn xa hơn, đá bóng là một nghề, đừng vì những cảm xúc nhất thời làm tổn thương các em, khiến các cầu thủ không được sống trọn vẹn với đam mê trên con đường theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của mình".
Chẳng cần là chuyên gia, một phụ nữ cũng biết cách vun vén cho bóng đá Việt Nam hơn một vài vị thuộc BCH VFF. |
Ngã ở đâu đứng lên ở đó
SEA Games 2007, U23 Việt Nam thua Myanmar tại Bán kết và HLV A.Riedl đã phải từ chức ngay trên đất Thái. Đáng nói là 1 năm sau, chính lứa cầu thủ gây thất vọng ở Korat như Công Vinh, Tấn Tài, Quang Thanh... đã đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008.
Đương nhiên, ngoài việc lứa cầu thủ ấy chín chắn hơn thì chuyện tạo ra điểm tựa giúp họ đứng dậy sau thất bại là yếu tố cốt yếu. Nhắc câu chuyện cũ không đơn giản là để lạc quan tếu. Nhưng thứ cần nhất sau cuộc khủng hoảng vì thất bại ở SEA Games 29 là trao cho Công Phượng, Tiến Dũng, Quang Hải... niềm tin.
Thầy mới cho ĐTVN đã có, nhưng cần tiếp tục đầu tư một cách quyết liệt mới là mấu chốt. Ở SEA Games 29, lứa cầu thủ U22 Việt Nam yếu và thiếu gì? Tâm lý, bản lĩnh và phần nào đó, lộ ra cả vấn đề thể lực.
Những thay đổi, đầu tư trong vài năm qua chưa có kết quả như ý, nhưng không thể sau một thất bại có thể huỷ bỏ và xoá đi tất cả. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, bà Phương khẳng định:
"Việt Nam không thể thiếu bóng đá. Quan trọng là cần được đầu tư bài bản, đường dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự đầu tư của mình với lứa cầu thủ trẻ, thậm chí là những em út của Công Phượng, Xuân Trường... Tương tự là câu chuyện bóng đá, tương lai của môn thể thao vua không chỉ căn cứ vào một trận đấu".
Đến một nhà tài trợ không phải chuyên gia còn nói được như vậy thì hành động tranh cãi của các quan chức về việc phải "cắt" một số cầu thủ chỉ vì sai lầm ở một trận đấu thì thật là điều đáng phải suy ngẫm.