"Đúng là khả năng hiểu biết của người Mông hạn chế hơn nhưng không đến nỗi nhầm dâm với râm - nắng hay không phân biệt được hiếp dâm, giết người là phạm tội", Phó chủ tịch một xã có 100% dân số là người Mông nói.
Đoạn clip "màn đối đáp giữa quan tòa và 'bị cáo cướp vợ" được cho là trích trong chương trình Tòa tuyên án trên kênh VTV6 đang gây sốt Cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều.
[mecloud]ClNyGjtCJC[/mecloud]
Video: VTV
Nhân vật chính của màn đối đáp là Sồng A Sua, sinh năm 1998, bị khép tội hiếp dâm. Đứng trước vành móng ngựa, Sua xưng “mình” để trả lời thẩm vấn của quan tòa, khi được người này đề nghị xưng “tôi” hoặc “bị cáo”, Sua đưa ra lập luận: “Mình là dân tộc Mông, trước kia là người Mèo. Tòa gọi mình là bị cáo là sai, tòa phải gọi mình là bị mèo”.
Ảnh cắt từ clip |
Đến lúc nói về hành vi hiếp dâm chị Thủy, A Sua lý lẽ với tòa: “Khi tôi lấy Thủy về làm vợ, thì trời vẫn còn nắng, phải gọi là hiếp nắng chứ sao gọi là hiếp dâm?” hay “giết người mới phạm tội, tôi làm ra người thì sao phạm tội ạ?”.
Đa số người xem đều cho rằng, tình huống bi hài trên được xây dựng mang tính giáo dục. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc cường điệu hình ảnh bị cáo trong clip là coi thường người dân tộc thiểu số.
Trao đổi với phóng viên, ông Tráng Seo Pao, Phó chủ tịch xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - một xã dân số 100% là người Mông (H'Mông) cho biết, ông đã xem và thấy đoạn clip trên mang tính hài hước hơn là giáo dục. Nhân vật bị cáo trong clip không nhận biết được hành động của mình như thế là phạm tội là không đúng với thực tế hiểu biết của người dân tộc thiểu số.
"Đoạn clip có nhiều điểm không hợp lý. Đúng là khả năng hiểu biết của người Mông hạn chế hơn nhưng không đến nỗi nhầm dâm với râm - nắng hay không phân biệt được hiếp dâm, giết người là phạm tội. Pháp luật bây giờ cũng đã được tuyên truyền rất sâu rộng trong địa phương, những hành động rất rõ người dân đều nhận biết được", ông Pao nói.
Cũng theo ông Pao, thực tế người Mông cũng không phát biểu được nhanh như nhân vật bị cáo trong clip. Câu "tôi là người Mông trước kia là người Mèo. Tòa gọi mình là bị cáo là sai, tòa phải gọi mình là bị mèo” cũng không đúng với thực tế. Người Mông biết rõ nguồn gốc, lịch sử dân tộc mình và cũng hiểu khái niệm bị cáo là người bị cáo buộc phạm tội.
"Một số người dân tộc có thể không phân biệt được con cáo và con mèo là hai con nhưng trong bất kỳ trường hợp xét xử nào cũng không thể có sự nhầm lẫn "bị cáo" với "bị mèo" được. Khái niệm bị cáo cũng không xa lại với người dân dân tộc thiểu số. Khi nói đến bị cáo là biết người phạm tội. Nói chung các tình tiết trong clip đều thổi phồng quá mức độ hiểu biết của người dân địa phương, không phản ánh thực chất tệ nạn xã hội ở địa phương", ông Pao khẳng định.
Nói về phản ứng của người dân trong xã nếu xem được clip, ông Pao cho rằng, một tiểu phậm dựng ra không sát với thực tế thì người địa phương ai cũng có cảm ứng nhưng mức độ khác nhau. Với bà con nông dân không để ý về pháp luật, tính dân tộc, họ chỉ thấy hài hước thì không sao nhưng một số người nghiên cứu sâu về phong tục tập quán của người dân bản địa thì sẽ có ác cảm.
Ở góc độ văn hóa, một nhà nghiên cứu cho rằng, dù là tiểu phẩm được dựng ra nhằm mục đích giáo dục nhưng cũng phải gắn liền với thực tế, nhất là liên quan đến vấn đề nhận thức, phong tục tập quán của các dân tộc, địa phương. Không thể đưa những chi tiết của một chuyện cười gán vào một vụ án để giáo dục pháp luật. Việc xây dựng một nhân vật như trong clip ít nhiều làm méo mó đến hình ảnh người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, cách nói "hiếp nắng", "hiếp dâm" là đặc trưng của người kinh chứ không phải của người dân tộc.
H.Minh