Theo nhận định của ông Hùng, HĐXX đã hiểu sai về điều 12 của Luật giao thông đường bộ nên áp dụng luật không thỏa đáng vào vụ Innova đi lùi trên cao tốc.
Liên quan đến vụ án xe container va chạm ôtô Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, mới đây, TAND tối cao đã chỉ đạo đơn vị liên quan rút hồ sơ để xem xét. Đồng thời TAND tối cao sẽ mời các chuyên gia pháp lý, an toàn giao thông cùng nghiên cứu hồ sơ để đánh giá lại vụ án.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ về vụ án đang gây tranh cãi gay gắt này, ông Thân Quốc Hùng, phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang, cho rằng HĐXX buộc tội tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng vi phạm điều 12 Luật giao thông đường bộ là không thỏa đáng bởi điều luật này quy định "người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước mình" và "giữ khoảng cách tối thiểu không nhỏ hơn số ghi trên biển báo".
Ông Hùng cho biết, do HĐXX hiểu sai về điều luật này và áp dụng luật không thỏa đáng bởi việc giữ khoảng cách là đối với hai xe đang chạy cùng chiều, chứ không phải một xe tiến và một xe lùi.
"Tài xế Ngô Văn Sơn khai nhận điều khiển xe Innova chạy lùi. Điều này được hiểu là dù Hoàng có dừng xe lại mà xe Innova vẫn lùi thì không thể giữ đúng được khoảng cách. Bởi vậy, việc áp dụng pháp luật đối với tình huống này chưa chính xác" - ông Hùng nói trên báo này.
Container tông innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh GĐVN |
Chia sẻ quan điểm khi giám định viên lý giải việc đưa ra kết luận giám định trong thiết bị giám sát hành trình của xe container khi xảy ra tai nạn là 62km/h sau đó đột ngột về 0 ngay, luật sư Giang Hồng Thanh - người bào chữa cho bị cáo Hoàng cho biết trên báo Gia đình Việt Nam, tại Bản kết luận giám định số 5902/C54-P6 ngày 19/01/2017, Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: "Theo dữ liệu hành trình và dữ liệu tốc độ từng giây lưu trữ trong bộ nhớ của thiết bị giám sát hành trình: Ngay trước khi tốc độ về 0km/h xe ô tô không giảm tốc độ".
Cũng trong Bản kết luận giám định này, Viện khoa học hình sự nêu: "Phát hiện thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình từ 15 giờ 39 phút 02 giây đến 15 giờ 39 phút 54 giây (52 giây), không xác định được nguyên nhân mất dữ liệu".
Tại phiên tòa phúc thẩm chiều ngày 01/11/2018, Giám định viên đã trả lời là việc giám định của ông căn cứ vào dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình. Điều này là đúng pháp luật và qua đó có thể hiểu cơ quan giám định vô tư, khách quan.
Thế nhưng quan điểm của luật sư cho rằng ông Giám định viên đã vô tình sử dụng từ ngữ có thể gây hiểu lầm. Lẽ ra khi đã mất dữ liệu rồi và không xác định được nguyên nhân mất dữ liệu, thì không nên kết luận "Ngay trước khi tốc độ về 0km/h xe ô tô không giảm tốc độ", bởi lẽ trong 52 giây mất dữ liệu đó hoàn toàn có khả năng thiết bị giám sát hành trình ghi nhận được sự giảm tốc độ.
Chính câu chữ kết luận này là một trong những lý do khiến cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng như Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm cáo buộc lái xe Lê Ngọc Hoàng không giảm tốc độ khi thấy xe do Ngô Văn Sơn điều khiển mà không quan tâm đến lời khai của Hoàng về việc Hoàng đã giảm tốc độ, dẫm phanh "chết".
Đối chiếu với các tài liệu khác có trong hồ sơ, có thể khẳng định khi hai xe va chạm với nhau, xe của Lê Ngọc Hoàng không phải đang ở tốc độ 62km/h.
Theo cáo trạng, sáng 19/11/2016, bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Toyota Innova) nhận hợp đồng chở 10 khách từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên ăn cưới. Khoảng 15h30 cùng ngày, qua lối ra khỏi đường cao tốc thuộc nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), bị cáo đi chậm để hỏi đường rồi lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để ra khỏi nút giao Yên Định.
Đang lùi thì chiếc Innova của Sơn bị xe đầu kéo của Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) đâm vào đuôi, hất văng. Vụ tai nạn khiến 3 người lớn và 1 bé trai tử vong, 6 người còn lại bị thương.
Sơn chở quá số người quy định, vi phạm luật giao thông khi đỗ, lùi trên cao tốc. Hoàng vi phạm quy định về tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước.
Ngày 2/11, TAND tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm đã quyết định giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Hà Trang (tổng hợp)