Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý. Nước ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục của UNESCO hay 4 mục tiêu là học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 1/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời về triết lý giáo dục Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý. Chúng ta đang học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Nhưng một số nước đúc kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm.
"Đất nước ta có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Chúng ta tìm thấy trong đó như một triết lý. Giáo dục cũng có nhiều như phát triển con người đức, trí, thể, mỹ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề.
Cũng theo Phó Thủ tướng, nước ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục của UNESCO hay 4 mục tiêu là học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Những điều này nằm trong Nghị quyết hay văn bản có tính chất quy phạm pháp luật.
Tới đây, khi bản sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của luật là mục tiêu giáo dục. Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam.
“Tôi khẳng định lại, giáo dục Việt Nam có triết lý của mình chứ không thể nói không có triết lý nên đề nghị đại biểu Quốc hội nếu quan tâm có thể tham gia vào các buổi trao đổi mà Bộ GD-ĐT và nhiều hiệp hội đang thảo luận sôi nổi để đóng góp vào Luật Giáo dục sửa đổi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đức Hoà (tổng hợp)