(Tinmoi.vn) "Phương án giảm môn thi tốt nghiệp từ 6 môn xuống 4 môn nhằm giúp học sinh đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg, có thể có lợi cho học sinh nhưng có thể khiến các em học lệch".
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 – NQ/TW; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014 được tổ chức hôm nay (ngày 13/2).
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đổi mới giáo dục phổ thông phải làm đồng bộ nhiều khâu từ đổi mới, chương trình, SGK.. Tuy nhiên, có những việc không cần đợi Bộ mà cơ sở vẫn có thể làm ngay.
“Có những thứ không cần đề án triệu USD, không cần tiền mà vẫn có thể làm ngay, đó là dạy cho học sinh đạo đức làm người. Ngành giáo dục phát phát huy sự sáng tạo, lòng đoàn kết để làm những việc đó”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chúng ta phải đi từ đổi mới chương trình, đội ngũ, sách giáo khoa. Bộ chọn đột phá là công tác thi cử đó cũng có ý nghĩa đột phá, đổi mới thi xong rồi mới làm những cái khác để tạo xung lực mạnh tạo đổi mới lan toả những cái khác. Bộ chọn như thế là đúng, nhưng phải tính toán thận trọng”.
Đề cập đến việc giảm môn thi tốt nghiệp từ 6 môn thành 4 môn, ông Đam cho rằng, cách làm này nhằm giúp học sinh đang gánh nặng 60kg bỏ đi 20kg, có thể có lợi cho học sinh nhưng có thể khiến các em học lệch.
“Vì vậy, đổi mới thi cử phải hết sức thận trọng, tính toán chặt chẽ. Đổi mới thi cử là cần thiết, nhưng phải chặt chẽ, phải bảo đảm tính ổn định. Đừng để học sinh năm nào cũng hồi hộp không biết năm nay thi như thế nào, thi môn gì khi chỉ còn mấy tháng nữa là đến kỳ thi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, hầu hết lãnh đạo các Sở GD-ĐT ủng hộ phương án giảm môn thi tốt nghiệp THPT.
Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum cho rằng phương án thi 4 môn là hợp lý, khả thi trong vài năm trước mắt. Nó giúp thí sinh giảm được áp lực căng thẳng trong thi cử, bảo đảm được việc đánh giá năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc xét tuyển vào ĐH-CĐ.
“Đồng ý trong vài năm trước mắt, môn ngoại ngữ chưa nên là môn thi tự chọn hoặc bắt buộc, chỉ nên là môn thi khuyến khích cộng điểm”, lãnh đạo sở GD-ĐT Kon Tum nói.
Đồng ý kiến, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở GD-ĐT TP HCM cũng tán thành phương án thi tốt nghiếp 4 môn. Tuy nhiên, ông “mạnh dạn” đề xuất: ở thành phố, trong 4 môn thi thì 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ. Các tỉnh khó khăn thì được lựa chọn môn thay thế ngoại ngữ, còn lại là môn tự chọn.
T.Hà