(Tinmoi.vn) Thi 4 môn theo phương án 1 hay 5 môn như phương án 2; đề thi năm nay có khó hơn, công tác tổ chức thi có nghiêm hơn…? là thắc mắc của nhiều teen thi tốt nghiệp năm nay trước khi Bộ GD-ĐT đưa ra thông báo chốt.
Theo dự kiến, từ năm nay (năm 2014), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ thi 4-5 môn như 2 phương án đã được Bộ GD-ĐT đưa ra. Trong khi đó, một số trường ĐH,CĐ đề có phương án tuyển sinh ĐH, CĐ riêng đề xuất xét tuyển bằng kết quả THPT. Những điểm mới này khiến teen lớp 12 khá sốt ruột trước những tin tức về kỳ thi tốt nghiệp năm nay: Thi 4 môn theo phương án 1 hay 5 môn như phương án 2; đề thi năm nay có khó hơn, công tác tổ chức thi có nghiêm hơn…?
Nguyễn Thị Huyền, học sinh lớp 12, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội chia sẻ: “Các anh chị năm trước biết trước 3 môn thi rồi nên có thể tập trung cho khối thi ĐH, khi Bộ có công bố chính thức thì mới dồn sức vào học các môn còn lại. Năm nay hai đợt thi có nhiều thay đổi quá khiến chúng em hoang mang. Chỉ mong bộ sớm chốt phương án cuối cùng để chúng em yên tâm ôn luyện. Không biết tình hình này đề thi tốt nghiệp có khó hơn không, thi cử có phức tạp hơn không”.
Teen thi tốt nghiệp THPT 2014 hồi hộp chờ Bộ GD-ĐT chốt phương án. Ảnh minh họa
Về phía giáo viên, nhiều ý kiến cũng chia sẻ sự bă khoăn trước hai phương án thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT đưa ra rằng: nếu không làm khéo, cứ để cho học sinh lựa chọn 2 môn sẽ dẫn đến tinh trạng học lệch, học tủ. Hơn nữa, từ khâu ra đề đến tổ chức thi cử ở kỳ thi này chưa đủ "thật” để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển học sinh vào học sau phổ thông.
Lý giải những băn khoăn của học sinh, giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mục đích của giảm môn thi tốt nghiệp THPT là dần hướng tới đáp ứng nhu cầu chọn môn học phù hợp với khả năng của học sinh và giúp các em định hướng, tiếp cận nghề nghiệp tốt hơn.
Còn việc đánh giá cũng như cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ không chỉ dựa vào kết quả một số môn thi tốt nghiệp mà là quá trình học tập suốt 3 năm THPT. Theo đó, học sinh muốn được học lên ĐH, CĐ không chỉ trông chờ vào những môn thi tốt nghiệp THPT mà phải nỗ lực học tập toàn diện, đồng đều ở tất cả các môn.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, cách thức ra đề những năm qua chưa phát huy được năng lực và phẩm chất của người học, mà vẫn còn nặng về việc kiểm tra xem học sinh học được số lượng kiến thức theo kiểu học thuộc lòng hay theo những mẫu bài, đề cho sẵn. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các địa phương đề xuất cách thức thi cử chất lượng nhất. Bộ cũng đang giao cho một số đơn vị nghiên cứu đổi mới cách ra đề thi tốt nghiệp THPT theo kiểu sẽ có “ngân hàng” đề thi. Đề thi sẽ phải khắc phục được tình trạng “học lệch, học tủ”; đồng thời giúp học sinh hiểu kỹ được những vấn đề đã được học và có thể vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn của cuộc sống.
H.Minh