Sự quan tâm không đúng lúc, đúng chỗ đôi khi lại bị xem là hành động “làm phiền” người khác.
@ Em là một người rất quan tâm bạn bè nhưng nhiều khi em hay chọc bạn làm bạn tức trong lớp em lúc nào cũng bị "hắt hủi" vì lớp em rất ghét tính em. Giờ em phải làm sao để mọi người không ghét em nữa. (xin giấu tên, 018363…)
Quan tâm đến bạn là một công việc quan trọng của đời người. Ai sống mà không quan tâm đến bạn bè thì chính họ sẽ rơi vào vòng cô đơn, buồn khổ. Người nào quan tâm đến bạn bè, người thân, xã hội sẽ có cuộc sống phát triển thuận lợi hơn những người không quan tâm đến bạn bè. Tuy vậy, việc quan tâm đến bạn bè cũng cần kỹ năng nhất định như quan tâm đến cái gì, lúc nào, ở đâu … có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người được quan tâm. Nếu quan tâm không đúng lúc, đúng chỗ, đúng trạng thái tâm lý có thể dẫn đến phản tác dụng.
Trường hợp của bạn “rất quan tâm bạn bè nhưng nhiều khi hay chọc làm bạn tức”. Đây là kiểu quan tâm không phù hợp. Tại sao quan tâm bằng cách “chọc bạn”? Cá tính này sẽ tạo thành thói quen và tự thói quen “chọc tức” làm cho mọi người xa lánh, hắt hủi.
Bây giờ bạn phải thay đổi cá tính. Trước hết bạn hãy sống hòa thuận với mọi người, tự ngăn cản tư tưởng, hành vi “thích chọc tức” người khác. Việc này khó lắm vì do lâu nay bạn không kiểm soát được việc “chọc tức” người khác. Sau đó bạn cần nói những điều vui tươi, không xúc phạm đến bất cứ ai, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, kể cả việc khó.
Việc quan tâm đến mọi người trên cơ sở có ích cho người được quan tâm, hài hòa với lợi ích xã hội là những điều kiện bắt buộc để “cứu lỗi” đã xảy ra. Bạn luôn luôn chịu “thiệt” trong các cuộc tranh luận, tranh chấp và giành phần lợi cho mọi người sẽ được mọi người quý mến. Ngoài ra bạn hãy chú ý lắng nghe mọi người nói nhiều hơn việc nói của mình, lúc đó bạn sẽ được yêu thương.
Em và 1 cậu bạn chơi thân nhau từ nhỏ nhưng vì 1 chuyện nhỏ mà 2 đứa không nhìn mặt nhau nữa (mặc dù chưa có gay gắt cho lắm). Em phải làm sao để giữ được tình bạn như ban đầu? Xin hãy cho em vài lời khuyên? (Nguyễn Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định)
Chuyện chơi với nhau, giận nhau, không nhìn mặt nhau nữa … vẫn xảy ra bởi vì con người luôn đòi hỏi ở người thân của mình những vấn đề mà có khi người kia không có, không hiểu hoặc không làm được. Nhưng nguyên tắc bạn bè là phải đem đến cho nhau những giá trị mà những người không phải bạn bè không thể có được. Cũng chính vì đòi hỏi ở người khác mà có thể dẫn đến “thù nhau”, “không nhìn mặt nhau”.
Trường hợp của bạn có nói “bạn và cậu bạn chơi thân với nhau từ nhỏ” nhưng bạn không cho biết năm nay bạn bao nhiêu tuổi nên chuyên gia tâm lý rất khó tìm nguyên nhân, bởi vì tâm lý lứa tuổi có thể ảnh hưởng đến diễn biến mâu thuẫn và cách giải quyết. Nếu bạn ở tuổi thiếu niên thì cách giải quyết mâu thuẫn sẽ khác ở lứa tuổi thanh niên.
“Vì một chuyện nhỏ mà 2 đứa không nhìn mặt nhau nữa” cũng là thách đố chuyên gia, vì “chuyện nhỏ” là chuyện gì, ở độ tâm lý nào … để đưa ra cách giải quyết. Tâm lý đòi hỏi chuyên gia phải “cho đúng thuốc”, cho sai thuốc sẽ gây hại cho người tư vấn.
Như vậy thật khó tư vấn cho bạn vì câu hỏi của bạn thiếu những thông tin tối thiểu như phân tích trên. Bây giờ bạn phải xem lại việc không nhìn mặt nhau có nguyên nhân từ đâu, sau đó phải xử lý nguyên nhân đấy bằng việc gặp gỡ nhau để hòa giải, hoặc bạn tìm một người trung gian để nối kết cho việc hòa giải này và không làm cho tình hình phức tạp lên. Có thể trao đổi chuyện này với cha mẹ của người bạn hoặc với cha mẹ mình rồi xin ý kiến giải quyết hoặc nhờ cha mẹ làm trung gian giải quyết cho hai bên.
GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn
Theo Mực tím