Theo tin tức từ báo Lao Động, VTC News, Bộ luật Lao động 2019 đã chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 20/11/2019 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Bộ luật này là quy định về nguyên tắc trả lương và thưởng đối với người lao động.
Theo đó, bộ Luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm tiền thưởng - không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác.
Cụ thể, Điều 104 của Bộ luật quy định về "Thưởng" (thay vì "Tiền thưởng" như Bộ luật Lao động 2012) quy định, Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Cũng theo Bộ luật Lao động 2019, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.
Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi.
Bộ luật này cũng bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1/9 hoặc 3/9 Dương lịch tùy theo từng năm.