Theo tin tức từ Thanh niên, Dân trí, Tiền phong đồng loạt đưa tin từ ngày 1/7, người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tập trung chặn xe chở rác thải vào bãi rác để phản đối chính quyền chậm đền bù di dời. Tình trạng này kéo dài khiến cho nhiều khu vực nội thành Hà Nội ùn ứ, ngập trong rác thải.
Tại nhiều tuyến đường tại Hà Nội sáng nay, rác thải sinh hoạt được chất đầy xe rác, xếp hàng dài giữa lòng đường khiến người tham gia giao thông bức xúc. Trong đó có các tuyến phố Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy), cầu Đen (Hà Đông),… Dù chịu ảnh hưởng từ bão số 2 nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc tại các bãi tập kết rác. Nhiều người dân cũng phải chịu cảnh sống chung với rác thải trong những ngày qua.
Đặc biệt tại khu đất dự án bỏ hoang thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Yên Hòa), nhiều xe thu gom rác, chở rác liên tục vào đây tập kết, chất đống cao với khối lượng lớn. Sau nhiều ngày, rác thải đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối nồng nặc, nước bẩn từ khu rác này chảy ra xung quanh lênh láng.
Trao đổi với phóng viên báo Thanh niên, ông Vũ Tiến Lực, trưởng thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: Bà con nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn, vẫn dựng lều, căng bạt không cho xe vào đổ rác với mong muốn thành phố biết và giải quyết bồi thường cho người dân này theo cam kết.
Theo đó, người dân phản ứng gay gắt vì mức bồi thường 860.000/m2 đất là quá thấp, không giúp bà con ổn định đời sống sinh hoạt và tái định cư. Nếu không chi trả cao hơn, người dân nơi đây sẽ tiếp tục chăn không cho xe rác tiến vào khu vực xử lý chất thải ở Sóc Sơn. Dù đã có buổi đối thoại diển ra giữa chính quyền và người dân nhưng vẫn chưa thể có được tiếng nói chung.
Theo nhiều chuyên gia, với lượng rác sinh hoạt gần 5.000 tấn/ngày như hiện nay thì chỉ trong 3- 4 ngày nữa là Hà Nội sẽ ngập đầy rác. Chất thải sinh hoạt tại Thủ đô chiếm đến 60- 70% là rác hữu cơ, gặp thời tiết nóng ẩm sẽ nhanh chóng phân huỷ phát sinh mùi và nước rỉ rác. Trong tình thế như hiện nay, nếu không có biện pháp xử lý tại chỗ sẽ gây ra hệ luỵ rất dai dẳng sau đó.