Cơn lốc ma túy đi qua, Chiềng Khừa tan hoang, xơ xác. Hình ảnh những người đàn bà mòn mỏi phát điên vì chồng con hay những đứa trẻ côi cút, lay lắt “tự sinh, tự diệt” giữa đại ngàn… đã ám ảnh những cô gái Chiềng Khừa.
Một góc Chiềng Khừa
|
Sơn nữ thà ở không
Một hệ quả không ngờ từ ma túy là tình trạng các sơn nữ sợ lấy chồng, sợ lặp lại cảnh bi đát giống như gia đình mình và nhiều gia đình khác ở mảnh đất này.
Một trong những cô gái như vậy là Hà Thị Tuyên (25 tuổi). Ở tuổi căng tràn nhựa sống nhưng bất hạnh của gia đình đã khiến cô gái mặc cảm không dám nghĩ đến hạnh phúc lứa đôi.
Sinh ra và lớn lên trên đất Chiềng Khừa, từ bé Tuyên đã nhiều lần phải chứng kiến cảnh người đói, phê thuốc,…vật vã giữa đường. Gia đình cô cũng là một “điển hình”: mẹ đang phải thi hành án do buôn bán ma túy, bố, anh và em trai đang phải đi cai nghiện bắt buộc, họ hàng cũng bị cuốn vào vòng xoáy của “cái chết trắng”.
May mắn hơn những người thân trong gia đình và nhiều bạn bè cùng trang lứa, Tuyên được học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Tin học Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, cô gái ở bản Chiềng Khừa này từng ấp ủ mơ ước được đi dạy, được làm đám cưới với người yêu và dành dụm tiền đưa bố mẹ được một lần ra khỏi bản làng đi thăm Thủ đô…
Nhưng nay mơ ước hạnh phúc đã trở nên mong manh. Bạn trai cô cũng là người Sơn La, thông cảm hoàn cảnh của Tuyên nhưng chính cô gái lại ngại ngần không dám tiến tới hôn nhân.
Tuyên tâm sự: “Giờ bố mẹ em đều đang thi hành án, các cô chú, các cậu, dì thì quá nửa bị nghiện hoặc chết cả rồi, đâu có ai đứng ra lo liệu đám cưới. Hơn nữa, bố mẹ anh ấy lại không đồng ý, có ai muốn con mình lấy vợ có hoàn cảnh giống như gia đình em đâu.
Nếu bất chấp lấy nhau, thỉnh thoảng đi lại thăm nhà, rồi anh em, bạn bè đằng vợ rủ rê “chơi” thử mà nghiện thì chết. Em sợ lắm. Ở xã cũng có mấy anh theo đuổi nhưng em chả dám tin vì biết đâu họ cũng chích ma túy hoặc mang trong mình căn bệnh thế kỷ”.
Gạt nước mắt, Tuyên bùi ngùi: “Trước đây em luôn nghĩ học xong sẽ xin đi làm ở một nơi thật xa và không trở về mảnh đất đau thương Chiềng Khừa nữa. Nhưng giờ đây khi mọi người đều bị bắt vì ma túy, em trở thành trụ cột gia đình, không thể bỏ nhà mà đi được.
Lý lịch nhà em như vậy không biết có xin được việc ở đâu không, tạm thời em sẽ trồng ngô, nuôi cá, nuôi lợn để lo cho bản thân, cho mấy đứa em, đứa cháu và đi trại thăm nuôi bố mẹ. Nếu em bỏ đi, cái nhà này sẽ tan nát mất, bố mẹ, anh, em sẽ không còn chốn để trở về được nữa”.
Tuyên sợ lấy chồng vì cả nhà đã dính vào ma túy
|
Tháng 9 tới, Hà Văn Tình và Hà Văn Tính (anh và em trai Tuyên - PV) sẽ cai nghiện về, nhưng không biết có “ngựa quen đường cũ” hay không. Bố của Tuyên – ông Hà Văn Cung mới đi cai được 2 tháng, mẹ Lò Thị Sa vừa nghiện vừa buôn ma túy, mới bị kết án 7 năm 6 tháng tù giam.
Nhà cửa, nương rẫy, lợn gà, đứa em trai con dì ruột đang học lớp 5, cô em dâu và cả đứa cháu gái chưa đầy 2 tuổi đều do một tay Tuyên cáng đáng. Tuyên không còn thời gian để lo cho hạnh phúc của riêng mình. Mà biết yêu ai, lấy ai khi người xa thì miệt thị, người gần thì bị ma túy bủa vây?
“Sợ là phải”
Các bạn thân của Tuyên là Hà Thị Luyến, Hà Thị Lê cũng ở trong hoàn cảnh “sợ” không dám lấy chồng. Luyến học xong Trung cấp Tư pháp trên Sơn La, giờ làm ở Văn phòng Đảng ủy xã Chiềng Khừa; Lê cũng đang học liên thông đại học ngành Luật ở Sơn La.
Ở mảnh đất này, những cô gái có học vấn như Tuyên, Luyến, Hà là những “báu vật” của bản, của xã và là niềm mơ ước của đám trai bản. Nhưng các cô luôn e dè, sợ hãi không dám yêu, không dám lấy chồng vì “sợ” lấy phải người nghiện ngập.
“Em cũng có mấy đứa bạn học xong cấp III ở nhà lấy chồng. Có đứa lấy chồng đi nơi khác sống thì may mắn không dính đến ma túy, những đứa lấy chồng ở bản hoặc lấy chồng nơi khác nhưng về đây sống thì đa phần bị lôi kéo nghiện ngập hết.
Có người đi làm cả năm, chỉ có Tết mới về, thế mà cũng bị dụ dỗ bỏ cả công việc, vợ con đi bản Mèo hút chích. Mới hơn 20 tuổi mà nhiều bạn đã góa chồng, chồng đi cai, một mình làm nương nuôi đàn con nheo nhóc” - Tuyên buồn rầu.
Anh Hà Văn Ắm – Bí thư Đoàn xã Chiềng Khừa chia sẻ: “Cả xã này may mắn nhất chỉ có trường hợp cô Lò Thị Hằng (bản Cang), vừa xinh xắn, học giỏi, tốt nghiệp đại học ra trường về dạy cấp III ở Yên Châu, lấy anh bộ đội biên phòng gốc Hà Nội đang đóng quân ở Sơn La.
Chứ có mấy người con gái vừa xinh xắn, có học vấn ở cái xứ này mà chồng con đề huề không nghiện ngập như vậy đâu. Đàn ông, thanh niên trong xã nghiện nhiều nên các cô ấy sợ là phải thôi”.
Một thời cơm chưa kịp ăn đã bị “nghiện” bê mất
Ngồi lật giở những trang sổ sách ghi lại tỉ mỉ từng vụ trộm cắp, đánh chém đã diễn ra ở xã từ vài năm về trước, ông Lò Văn Nam – Trưởng Công an xã Chiềng Khừa hồ hởi: “Giờ đỡ hơn nhiều rồi, ngày trước cứ hở ra cái gì là mất cái đó. Từ con gà, con vịt, ngô lúa đến trâu bò, xe máy, thậm chí nồi cơm nấu để trên bếp chưa kịp ăn cũng bị “nghiện” bê trộm cả cơm lẫn nồi”.
Theo thông tin từ Công an huyện Mộc Châu, Chiềng Khừa là một trong những điểm nhức nhối về tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Từ đầu năm 2014, Công an huyện đã tham mưu cho Huyện ủy mở Cuộc vận động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa bàn xã Chiềng Khừa.
Sau cuộc vận động đến nay, hàng trăm người bị phát giác và đưa đi cai nghiện bắt buộc; tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy giảm đáng kể, đặc biệt là tình trạng trộm cắp giảm rõ rệt; an ninh trật tự được đảm bảo hơn.
“Tuy nhiên, người nghiện đi cai chỉ có thời hạn 2 - 4 năm. Kết thúc quá trình cai ở các Trung tâm, họ lại trở về địa phương sinh sống. Người cai được thì ít mà người tái nghiện thì nhiều. Có không ít người đã cai tới 3, 4 lần đều bất thành.
Mấu chốt nằm ở chỗ cần giải quyết vấn đề việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân nói chung và người nghiện nói riêng, may ra mới có hy vọng thay đổi, phát triển bền vững”, ông Lò Văn Hương – Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa nói.
(Theo Pháp luật Online)