Trên thị trường có hàng nghìn cơ sở sản xuất nước với rất nhiều thương hiệu. Tuy nhiên, chất lượng của chúng lại như một ma trận khiến người tiêu dùng khó lựa chọn.
Nước đóng bình vẩn đục bất thường
Theo phản ánh qua đường dây nóng từ độc giả tên Nguyễn Minh Nhật, số 34 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm đến địa chỉ nêu trên để xác minh thông tin về một loại nước uống đóng bình bẩn.
Theo đó, gia đình anh Nhật nhiều năm nay đã tin dùng sản phẩm nước uống đóng bình nhãn hiệu Aqua Everyday, sản phẩm cao cấp của công ty cổ phần TMDV TMC có địa chỉ tại số 5, phố Trần Hữu Tước, Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, buổi sáng ngày 6/7 vừa qua, anh Nhật phát hoảng khi rót nước ra cốc uống thì phát hiện nước vẩn đục kỳ lạ. Để cốc nước sau 2-3 tiếng thì những vẩn đục kết lại thành vô số vụn nhỏ li ti màu trắng nhờ nhờ. Trước đó, vào tối ngày 5/7 khi người em của anh Nhật lấy nước trong bình cho vào khay đá đã phát hiện nước có những cặn bẩn. Tuy nhiên, lúc đó anh Nhật không để ý. Phải tới sáng hôm sau, khi trực tiếp rót nước uống, "tôi đã suýt bị nôn ọe", anh Nhật ái ngại tâm sự.
Ngay lập tức, anh Nhật phản ánh tới đại lý phân phối nước ngay cạnh nhà thì được giải thích "do nước bị để ngoài nắng, bị rêu nên có những vẩn đục như vậy". Nhân viên này còn khẳng định: "Bất cứ loại nước tinh khiết nào cũng vậy, cứ hễ để ngoài trời nắng là sẽ mọc rêu. Rêu này không có độc tố gì, không gây hại tới sức khỏe"(!?).
Tuy nhiên, không thấy thuyết phục với lời giải thích như vậy, anh Nhật nghĩ rằng có thể do bình nước đã bị bẩn từ trước, phía công ty chưa vệ sinh bình sạch sẽ đã đem nước đóng vào bình rồi bán ra thị trường. Hơn nữa, bình nước nhà anh để trong nhà, không hề bị phơi ngoài nắng. Anh Nhật cũng tin rằng, các loại nước đã đóng bình bán ra thị trường với cam kết "Sản xuất bằng thiết bị hiện đại của Hoa Kỳ, nguồn nước được lọc qua hệ thống thẩm thấu ngược R.O, xử lý tiệt trùng bằng Ozone và tia cực tím" như quảng cáo in trên vỏ bình thì không thể nào có yếu tố tạo rêu nhiều như thế", anh Nhật nói.
Bởi vậy, anh Nhật đã gọi điện trực tiếp đến công ty theo số điện thoại in trên vỏ bình nước. Phía công ty hẹn sẽ cho người xuống kiểm tra trong buổi sáng nhưng chờ mãi không thấy phản hồi nên anh quyết định gọi điện thoại đến đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật.
Anh tâm sự: "Tôi không có bất cứ ác ý gì nhưng tôi muốn phản ánh để người tiêu dùng như tôi biết được. Hơn nữa, tôi phản ánh cũng vì bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Không biết việc đã uống nước của hãng nhiều năm nay và uống gần cạn bình nước vẩn đục này có mang bệnh gì không? Nhưng theo trực giác mà nói thì tôi thấy rất lo ngại. Trên thị trường hiện nay có biết bao nhiêu hãng nước tinh khiết cạnh tranh. Không biết độ tinh khiết đến mức nào? Nhưng tôi nghĩ các nhà sản xuất nên nghĩ đến trách nhiệm và lợi ích cộng đồng chứ dân như chúng tôi thì không biết thế nào mà phân biệt được".
Theo như tìm hiểu của PV thì hiện nay trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu nước uống tinh khiết cũng như nước uống đóng bình với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại, công tác quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm này còn nhiều bất cập. Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng phát hiện nước tinh khiết, nước đóng bình nhiễm bẩn. Sự việc xảy ra với gia đình anh Nhật cảnh báo người dân nên thận trọng trong chọn lựa nước uống cho gia đình mình.
Bình nước uống mà anh Nhật phát hiện nhiều cặn bẩn.
Địa chỉ ma, cơ sở sản xuất mượn
Để mục sở thị quy trình sản xuất và đóng bình nước, giải đáp nghi ngại của độc giả đã tin tưởng báo Đời sống và Pháp luật, PV tìm đến địa chỉ nhà máy nước tại Hà Nội in rõ trên vỏ bình nằm trên phố Lương Khánh Thiện, quận Hoàng Mai. Khi PV hỏi, những người dân sinh sống lâu năm đều khẳng định là không có bất cứ nhà máy sản xuất nước nào ở quanh khu vực.
Một người dân bán nước giải khát ở đây tỏ ra ái ngại: "Chẳng có nhà máy nước nào đâu. Có khi họ ghi khống để qua mặt các cơ quan quản lý. Mà cũng có khi nước chẳng được sản xuất bằng công nghệ nào cả, chỉ là nước bình thường, thậm chí có thể chỉ là nước bẩn được xử lý bằng phương pháp thô sơ rồi đem đóng bình bán". Cũng theo lời người phụ nữ này thì cuối phố có một đại lý phân phối nước. Tuy vậy, họ cũng thường chở nước từ nơi khác về đây đem bán cho người tiêu dùng.
Tại địa chỉ đặt trụ sở chính của công ty số 5 phố Trần Hữu Tước hiện nay chỉ là một quán cà phê. Gọi điện theo số điện thoại đường dây nóng của công ty thì được người đầu dây cho biết: "Địa chỉ của công ty nằm ở số 14, Nguyễn An Ninh, quận Hai Bà Trưng. Địa chỉ ghi trên vỏ bình chỉ là địa chỉ cũ". PV tiếp tục tìm đến địa chỉ trụ sở công ty nằm trên đường Nguyễn An Ninh nhưng anh Cường, lãnh đạo công ty đi vắng. Trao đổi qua điện thoại, anh Cường giải thích nước đóng bình của công ty là nhờ cơ sở sản xuất của nhà máy một công ty khác và anh này đã từ chối hẹn gặp của PV.
Tiền phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng
Trao đổi với PV về thông tin ghi trên nhãn hàng hoá của sản phẩm Aqua Everyday, luật sư Đoàn Minh Đức cho rằng, hiện nay nhãn hiệu hàng hoá được quy định rõ tại Nghị định 89/2006/NĐ - CP (Nghị định về nhãn hàng hoá) bắt buộc đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước tại Điều 11. Nội dung của điều luật này bắt buộc trên nhãn hàng hoá phải ghi tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; xuất xứ hàng hoá. Nếu nhãn hàng hoá nào vi phạm quy định trên như việc không ghi thông tin hoặc ghi không đúng thông tin sẽ bị xử phạt hành chính.
Luật sư Đức cũng khẳng định: Vấn đề xử phạt được quy định tại Nghị định 06/2008/NĐ - CP, Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thương mại. Trong đó tại Điểm 3, Điều 23 Vi phạm quy định về nhãn hàng hoá có quy định: Đối với một trong các hành vi kinh doanh hàng hoá trên nhãn có nội dung không bắt buộc là hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, biểu tượng chất lượng, mã số mã vạch, huy chương, giải thưởng các loại và các thông tin không bắt buộc khác không đúng sự thật; kinh doanh hàng hoá trên nhãn có các nội dung bắt buộc ghi không đúng với thực tế của hàng hoá hoặc không đúng với nội dung công bố chất lượng; kinh doanh hàng hoá có nhãn (kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hoá nhập khẩu) bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hoá bị xử phạt hành chính bằng tiền. Riêng trong trường hợp của sai phạm trên nhãn Aqua Everyday, cơ quan chức năng còn dựa trên số lượng hàng hoá vi phạm để xử phạt hành chính và số tiền phạt có thể lên đến trên 100 triệu đồng.
Đóng bình, tinh khiết chưa hẳn là sạch! Theo BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM thì người tiêu dùng cần sử dụng các thương hiệu nước đóng chai, đóng bình đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đúng theo tiêu chuẩn yêu cầu của bộ Y tế. Có nhiều loại nước trông có vẻ "tinh khiết" nhưng nếu chưa qua kiểm nghiệm thì có nhiều khả năng chứa vi sinh vật mà bằng mắt thường không thể nào nhận biết được. Đối với một số loại nước đóng chai, đóng bình "đặc bẩn" như có mùi vị, màu sắc lạ hoặc được chứa trong những bình nhựa đã cũ kỹ, bụi bẩn vây bám thì không nên dùng. |
Theo Dương Thu – Trinh Phúc (Đời sống & Pháp luật)