Nhà giáo Phạm Toàn khẳng định đổi mới sách giáo khoa chính là phải phát triển được cách tư duy độc lập của học sinhNhà giáo Phạm Toàn khẳng định đổi mới sách giáo khoa chính là phải phát triển được cách tư duy độc lập của học sinh.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, nhà giáo Phạm Toàn - lãnh đạo nhóm Cánh buồm đã cho biết, nhóm của ông cũng sẽ tham gia vào biên soạn các bộ sách này để hướng tới một nền giáo dục tư duy độc lập ngay từ khi còn ở trên ghế nhà trường và học sinh sẽ phát huy hết khả năng, vai trò định hướng, sáng tạo của mình trong từng bài giảng của giáo viên. Ông cũng không ngại nói rằng sách của bộ quá “nặng” khiến trẻ vác còng cả lưng!
Trong chương trình đổi mới sách giáo khoa, tạo điều kiện cho các nhóm biên soạn những bộ sách ở các cấp học, không còn để Bộ giáo dục "độc quyền" ở khâu biên soạn đã và đang gây được sự chú ý trong dư luận.Theo đó, Bộ sẽ làm công việc rà soát và chọn lựa ra một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh nhất để áp dụng vào nền giáo dục đổi mới. Ý kiến này một lần nữa lại được hâm nóng dư luận với sự tranh cãi có nên hay không thế "độc quyền sách giáo khoa" của Bộ giáo dục.Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang độc quyền về sách giáo khoa và khả năng rất cao là Bộ không buông. Ông có nghĩ đến một lúc nào đó sách của mình biên soạn sẽ thành công và được áp dụng rộng rãi?
Nguyên tắc của chúng tôi là phi lợi nhuận, vì cộng đồng và lợi ích quốc gia, chúng tôi cũng như đi đánh trận, nhưng không quan tâm đến thắng thua chỉ biết luôn luôn phải cố gắng hết mình cho sự nghiệp chung thôi. Chúng tôi đang rất cố gắng làm việc không ngưng nghỉ, nhóm có những hành động cụ thể trong kế hoạch của mình nhằm đưa sách vào hệ thống trường học như ngày 3.2.2012, Vụ Tiểu học tiếp và nghe Nhóm trình bày và nhóm đã trình lên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội ngày 16.7.2014 kế hoạch biên soạn sách giáo khoa.Ngoài ra nhóm liên tục tổ chức các hội thảo chuyên môn nhằm lấy ý kiến chuyên gia, đánh giá và nhìn nhận lại những công việc nhóm đã và chưa làm được. Ở bộ sách mới này chúng tôi sẽ chú trọng cho trẻ sẽ tự phát huy khả năng tư duy, hiểu biết của mình, cảm nhận từng năng lực của các học sinh qua các bài giảng chứ không chú trọng vào việc học sinh cần phải làm gì, hoàn thành những gì mà để tự do cho các em phát triển khả năng của mình.
Cải cách giáo dục điều cần thiết là thay đổi tận gốc rễ, vậy làm thế nào khi giáo viên học ở hệ thống cũ, lối tư duy cũ trong khi sách của nhóm có nhiều cái mới? Trước nay có một khẩu hiệu trong ngành giáo dục mà chưa khi nào có thể làm được đó là “sư phạm đi trước một bước”. Vì thế, chúng ta phải thay đổi nhận thức của giáo viên một cách từ từ. Nếu thực hiện cải cách một cách “nghiêm túc” và khoa học, chúng ta sẽ “chỉ mất” 70 năm nữa để có thể đạt trược trình độ giáo dục của các nước hiện đại bây giờ. Đối với hệ thống sách của nhóm cánh buồm biên soạn, giáo viên chỉ cần học một năm sư phạm là có thể giảng dạy được. Nếu một năm nghe có vẻ “sỉ nhục” nền giáo dục hiện tại quá thì ta học 2 năm, 1 năm lĩnh hội kiến thức và 1 năm thực hành phương pháp. Như vậy là đủ!Hiện nay, sách của Bộ quá “nặng” so với trẻ em khiến trẻ em vác còng cả lưng. Nhưng nếu nói về tính hàn lâm thì chẳng có tí gì hàn lâm cả, sách của Cánh buồm mới được gọi là hàn lâm. Hàn lâm là gì? Là học từ khái niệm, trong khi sách bộ có đề cập gì đến các khái niệm mấy đâu mà đòi hàn lâm.
Ví dụ: Bậc tiểu học là gì, bậc trung học là gì, cách dạy từng bậc ra làm sao. Với dự án Cánh Buồm, chúng tôi chủ trương bậc tiểu học là bậc học cách học, học thể hiện tình cảm, cảm xúc; bậc trung học là bậc tập nghiên cứu, tình cảm và cảm xúc phải lùi sau lý trí; bậc đại học là phải tập độc lập nghiên cứu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ định nghĩa được điều đó cả. Làm thế nào để có nền văn hóa, giáo dục ngang bằng với các nước tiên tiến nhưng vẫn phải giữ được bản sắc của dân tộc mình, đó mới là bài toán phát triển.
Ở bộ sách mà chúng tôi biên soạn, tôi chỉ mong muốn đưa bộ sách này vào một môi trường giáo dục thực nghiệm để đào tạo các khuôn mẫu phù hợp với văn hóa và lối sống của người Việt. Từ đó, các trường sẽ theo khuôn mẫu đó mà làm theo, dạy theo chứ bản thân chúng tôi cũng không đủ sức để đi giảng dạy toàn bộ hệ thống dạy và học của cả nước trong thời gian ngắn tới đây.
Vậy bộ sách giáo khoa này khác gì so với những bộ sách giáo khoa của Bộ và các bộ khác ở một nhóm khác viết, thưa ông?
Ở bộ sách này, chúng tôi đưa vốn từ vựng vào chương trình và tính đến sự cân bằng giữa thành thị và nông thôn - phát triển tư duy độc lập ở học sinh. Trách nhiệm của giáo viên là phải giúp học sinh hinh dung ra, phải làm sao để cụ thể hóa các khái niệm, sách của chúng tôi muốn học là phải tưởng tượng. Trước đây, bộ sách của Bộ giáo dục chỉ nói đến khái niệm ngô, khoai, sắn… nhưng chúng tôi sẽ đưa hình ảnh và cả thông tin vào để học sinh dễ hình dung.
Ở bộ sách chúng tôi đặt vấn đề Kỹ năng sống, lối sống cho trẻ để trẻ tiếp thu và hòa nhập với cộng đồng. Phải đưa tính tư duy độc lập lên hàng đầu tiên để phát huy năng lực tối đa của các học sinh ở mỗi chương trình. Cách làm giáo dục của chúng tôi là làm thế nào để cho cả ba đối tượng: Con trẻ, cha mẹ và nhà trường đồng thuận được với nhau về những công việc mình phải làm.
Chúng tôi sẽ áp dụng bộ sách này ở một môi trường thực nghiệm mà ở đó các giáo viên đã trải qua các chương trình giáo dục phù hợp để giảng dạy các học sinh theo bộ sách “chuẩn”. Học đến đâu, chúng ta tiếp thu, đánh giá đổi mới đến đấy, không ngại khó khăn và những vấp váp. Ở môi trường đó, giáo viên và học sinh sẽ là những người bạn để có thể tự do trao đổi những điều kiện cũng như kiến thức mình dung nạp được. Từ đó, giáo viên sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy cho học sinh của mình những kiến thức, phát triển tư duy mà học sinh đó còn thiếu.
Cảm ơn ông về những sẻ chia.
Theo Dạ Thảo/Một thế giới