Bộ sách giáo khoa (SGK) mới sẽ có 2 thay đổi: Chuyển từ chú trọng kiến thức sang phát triển năng lực người học; sử dụng một chương trình, nhiều bộ SGK.
Trong 2 ngày 6 và 7/5 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và SGK theo chương trình giáo dục phổ thông với sự tham dự của hơn 200 đại biểu thuộc các trường, các sở GD-ĐT và chuyên gia nước ngoài.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hiển Vinh khẳng định, theo đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 thì bộ SGK mới sẽ có 2 thay đổi. Đó là chuyển từ chú trọng kiến thức sang phát triển năng lực người học và sử dụng một chương trình, nhiều bộ SGK.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm: "Chúng ta cần phải xác định đầy đủ và đúng hơn các tiêu chí đánh giá SGK theo chương trình giáo dục tiếp cận phát triển năng lực của học sinh, phù hợp với điều kiện chung cả nước và điều kiện từng nơi khác nhau".
Chia sẻ về quy trình xây dựng SGK, bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty Rising Stars and Hodder Primary, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản giáo dục cho rằng, sang thế kỷ 21, xu hướng các cuốn SGK tập trung vào người học nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung vào kiến thức với nhiều câu hỏi hơn, sống động hơn, học sinh nghĩ nhiều hơn.
Sách giáo khoa mới thay đổi thế nào?. Ảnh minh họa |
Cấu trúc của SGK mới cần cho phép sự tiếp nối học tập một cách gắn kết về kiến thức giữa các cấp học và hỗ trợ sự phản hồi của người học. Trình tự kiến thức trong SGK nên được trình bày theo một chuỗi thích hợp, có tính đến sự phù hợp về lứa tuổi.
Tại buổi hội thảo, các vị đại biểu cũng đã chia sẻ những thách thức mà giáo dục Việt Nam đang gặp phải, đó là những vấn đề hoàn toàn khác biệt so với nền giáo dục Anh Quốc. Việc mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới đầu tiên hiện nay là hướng dẫn dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình mà không phụ thuộc vào bộ SGK nào.
Khẳng định SGK là một công cụ dạy học trong nhà trường với hai nhóm chức năng chính, đó là cung cấp thông tin khoa học đã được trình bày chọn lọc theo các quy luật sư phạm và tổ chức hoạt động dạy học, GS. TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho hay, cấu trúc của SGK sẽ bao gồm các thành tố như: Nội dung giới thiệu vai trò, vị trí môn học, phương pháp nghiên cứu môn học, các kỹ năng chuyên biệt và năng lực chung, liên hệ kiến thức môn học với các môn học khác. SGK cũng phải có nội dung hướng dẫn tổ chức học sinh học tích cực và phát triển năng lực bằng việc hoàn thành các hoạt động tích hợp, vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề; có bảng giải thích thuật ngữ...
Còn theo đề xuất của GS.TS Nguyễn Đức Chính, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Tổ biên soạn SGK, tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá SGK mới của Việt Nam trước hết là không vi phạm quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục và các văn bản luật khác có liên quan; tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông.
SGK phải cung cấp nội dung kiến thức với 5 tiêu chí, gồm: Đảm bảo đồng bộ và phù hợp mục tiêu chương trình; việc lựa chọn và tổ chức nội dung đảm bảo yêu cầu thống nhất giữa tích hợp và phân hóa; hỗ trợ phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học sinh; cấu trúc văn bản SGK; cách thức trình bày SGK.
Ông Nguyễn Đức Chính cho biết, trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề cập ở trên, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK phải tuân thủ quy trình bắt buộc gồm 3 bước: Dự thảo và thử nghiệm SGK theo chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt bản thảo sạch để in. Từ quy trình đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn SGK theo 8 nội dung.
Tâm An