“Xảy ra sập cầu như ở Lai Châu, ở các nước sẽ phải đền. Còn ở ta chắc không thế nhưng cũng cần kiểm điểm trách nhiệm. Anh phụ trách giao thông phải từ chức”.
PGS. TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nêu quan điểm PV trước vụ việc sập cầu treo đau lòng xảy ra ở Lai Châu.
Từ những ghi nhận ban đầu, PGS. TS Nguyễn Quang Toản cho rằng, nguyên nhân sâu xa khi để xảy ra sập cầu treo tại một thôn bản ở tỉnh Lai Châu do lỗi kỹ thuật và công tác quản lý của chính quyền địa phương.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm hỏi nạn nhân điều trị tại bệnh viện từ sự cố sập cầu treo. |
Theo TS Toản, đây là cây cầu không cấm nên việc người dân lưu hành, hay đi đưa tang cũng là chuyện bình thường. Đây là xe đưa tang chứ không phải loại xe chở nặng. Việc sập cầu chứng tỏ là do lỗi kỹ thuật.
Trường hợp nếu như cầu có tải trọng yếu thì chính quyền địa phương và ngành giao thông phải có trách nhiệm cắm biển hướng dẫn, thông báo để người dân nắm được. Đây là điều tối quan trọng trong quá trình sử dụng và quản lý hệ thống công trình giao thông.
Vụ sập cầu treo ở một thôn bản của tỉnh Lai Châu được đánh giá là hết sức nghiêm trọng. |
“Thời gian xây cầu không quan trọng. Có thể cầu được xây dựng từ 5 năm trước và đã xuống cấp thì ở góc độ chuyên môn anh phải thông báo cho người dân biết và tiến hành sửa chữa. Hay cầu xây dựng từ những năm 92 đi chăng nữa và đã hết niên hạn sử dụng thì anh vẫn phải có trách nhiệm thông báo cho người dân nắm rõ. Nếu không sửa đi nữa, anh cũng phải cắm biển để người dân không lưu thông” – PGS. TS Nguyễn Quang Toản cho hay.
Theo chuyên gia giao thông này, nếu ở vị trí cầu không có biển báo hướng dẫn, người dân đi và xảy ra tai nạn thì “chính quyền địa phương và cơ quan giao thông là những người có lỗi”.
“Để xảy ra các vụ sập cầu như thế, ở các nước người ta sẽ phải đền. Ở nước ta chắc không có chuyện đó, nhưng phải tiến hành kiểm điểm chính quyền địa phương, và anh phụ trách giao thông sẽ phải từ chức”.
Video: Máu nhuộm đỏ suối vụ sập cầu treo
Còn trong trường hợp nếu địa phương và ngành giao thông đã cắm biển thông báo rõ ràng, mà người dân cứ đi thì vẫn phải bị liên đới trách nhiệm. Cũng như ngành xây dựng, khi người dân làm nhà riêng mà để xảy ra sự cố thì ngành xây dựng cũng liên đới trách nhiệm chứ không thể vô can.
Theo TS Toản, mỗi cây cầu có một thiết kế tải trọng khác nhau. Nhưng khi đã thông xe, phương tiện công cộng được phép đi lại thì đơn vị giao thông phải đưa ra những đánh giá, kết luận cho tải trọng cầu. Nếu chất lượng không đảm bảo, ngành chức năng hoàn toàn có quyền không cho lưu thông, nhưng phải có sự thông báo để người dân nắm được.
Một đoàn đưa tang khoảng 50 người đi qua cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường , tỉnh Lai Châu thì cầu bị sập, nhiều người rơi xuống suối. Do mùa nước cạn, đá nhô lên nhiều khiến vụ tai nạn làm 8 người tử vong, 38 người khác bị thương. Ngay khi có mặt tại hiện trường, bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gọi điện xin ý kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đề xuất điều động trực thăng chở các bác sĩ từ Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai đến Lai Châu cứu chữa cho bệnh nhân. Cũng liên quan đến vụ việc, bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định thành lập tổ điều tra độc lập về nguyên nhân sập cầu. Tổ điều tra bao gồm đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GTVT. Cùng thời điểm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành kiểm tra toàn bộ cầu yếu và cầu treo trên phạm vi toàn quốc, không để những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra. |
Theo Bưu điện Việt Nam