PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Trung Quốc đưa vấn đề biển Đông vào giáo trình, SGK là âm mưu hiểm độc |
"Thế kỷ 17, cả thế giới đã biết quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, vậy mà Trung Quốc dám đưa 2 quần đảo này vào giáo trình và sách giáo khoa là không được, hoàn toàn sai sự thật… Rõ ràng, đây là âm mưu bành trướng nhằm xâm chiếm biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên đưa vào sách giáo khoa đường lưỡi bò và viện dẫn mọi lý do để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam vốn là của Trung Quốc đã khiến những người làm giáo dục của Việt Nam phẫn nộ.
Trao đổi với PV Infonet, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bức xúc cho hay: “Việc Trung Quốc đưa bản đồ có đường chín đoạn (đường lưỡi bò), bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam vào sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên là một âm mưu hiểm độc, tỏ rõ tư tưởng bành trướng đã "ăn vào máu” của lãnh đạo nước này từ lâu, điều này khiến cho nhiều người hiểu sai lệch về Biển Đông…”
Theo PGS. TS Nhĩ, phần lớn lưu học sinh học tập tại Trung Quốc đều được học môn cơ bản Khái quát Trung Quốc (môn học bao gồm địa lý, lịch sử, văn hóa). Đây có thể là môn tự chọn hoặc môn bắt buộc tùy chuyên ngành mà lưu học sinh theo học.
Giáo trình mà Trung Quốc đưa vấn đề Biển Đông vào không chỉ gây ra sự ngộ nhận cho chính học sinh trong nước mà còn khiến nhiều sinh viên nước ngoài hiểu sai lệch hoàn toàn về Biển Đông.
Trước đây, Trung Quốc còn vẽ ra đường 9 đoạn, rồi 10, 11 đoạn để đưa vào sách giáo khoa để thể hiện dã tâm thâu tóm biển Đông. Không chỉ riêng cá nhân tôi phản đối, mà cả nhân dân Việt Nam phản đối hành động đó, nhân dân thế giới cũng phản đối hành động vô lý đó của Trung Quốc.
Trước hành động này, chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh về mặt pháp lý, để người dân toàn thế giới ủng hộ. Còn về nội dung quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, chúng ta phải dạy các thế hệ học sinh hiểu rõ hai quần đảo này của đất nước mình và đã được chứng minh trong bản đồ, tư liệu lịch sử từ lâu.
Tôi được biết ngay trong một cuốn sách của Trung Quốc xuất bản thế kỷ thứ 10, có nói rằng địa giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, vĩ tuyến 18, làm sao mà xuống đến tận Hoàng Sa được. Ngoài ra, năm 1958, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã có ý kiến 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Rõ ràng chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền hai quần đảo trên.
Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ của ngành giáo dục, của các trường học hiện nay phải giảng dạy cho học sinh, cho người dân mình thấy rõ chủ quyền không thể chối cãi được về 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, cũng cho người dân thế giới biết rằng, 2 quần đảo đó đã được giảng dạy trong hệ thống nhà trường ở Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đấu tranh kiên quyết bằng biện pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước để đòi lại chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - PGS Nhĩ nêu quan điểm.
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Nữ sinh Việt xinh như nguyệt chụp ảnh cổ vũ tuyển Đức