Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, đến bây giờ Sở mới thu hồi chứng chỉ của bác sĩ Hoàng Công Lương vì khi truy tố có nhiều ý kiến cho rằng bác sĩ Lương vô tội, còn một số ý kiến thì nói chưa có kết luận rõ ràng chưa nên thu hồi.
Theo báo Đất Viêt, quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Hoàng Công Lương do ông Trần Quang Khánh – Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, ký ban hành.
Nguyên nhân thu hồi chứng chỉ hành nghề là do bác sĩ Lương đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Quyết định số 07/PC45 ngày 14/11/2017 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình về việc thay đổi quyết định khởi tố bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (ngoài cùng bên trái) bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. (Ảnh: Đất Việt) |
Theo đại diện Sở Y tế Hoà Bình, quyết định này đưa ra sau khi Sở có văn bản xin ý kiến Vụ pháp chế – Bộ Y tế. Sở Y tế cũng hỏi ý kiến của công an, thì đều được góp ý nên chờ xem sau phiên tòa tuyên án thì thu hồi. Nhưng theo Luật khám bệnh, chữa bệnh thì không cần thiết sau khi Tòa tuyên án mà chỉ cần truy tố là tạm thời thu hồi.
Ông Trần Quang Khánh – Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết: “Đây là lần đầu tiên Sở Y tế Hòa Bình thu hồi chứng chỉ hành nghề của một bác sĩ khi bị truy tố”.
“Sau khi có quyết định thu hồi, hàng ngày tôi vẫn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm việc nhưng không trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân”, bác sĩ Hoàng Công Lương xác nhận sự việc trên.
Luật sư Lê Văn Thiệp – luật sư bào chữa cho bác sĩ Phạm Công Lương nhận định: “Về cơ bản thì việc thu hồi chứng chỉ hành nghề của ông Lương là đúng pháp luật, vì theo quy định thì với những người đang bị khởi tố, điều tra thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án.
Tuy nhiên, tôi không biết có lý do, động cơ, hay bất cứ sự thay đổi gì, nhưng kể từ khi xảy ra sự cố từ tháng 5/2017 đến nay, bác sĩ Phạm Công Lương vẫn đang làm việc tốt, không để xảy ra sai sót gì”.
Về việc này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của luật Khám chữa bệnh, khi bác sỹ bị khởi tố, Sở Y tế sẽ tạm thu hồi Giấy phép hành nghề. Sau đó nếu các cơ quan tố tụng xác định không có tội thì sẽ trả lại Giấy phép hành nghề cho bác sỹ.
Còn trong trường hợp bác sĩ bị tòa tuyên có tội và phải chịu thi hành án, thì giấy phép hành nghề cũng không bị thu vĩnh viễn.
Theo Tri thức trực tuyến, sau khi người chấp hành xong án phạt và tiếp tục có thời gian 2 năm liên tiếp thực hành nghề không sai phạm, cập nhật kiến thức y khoa… đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp lại giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.
Trang Vũ (tổng hợp)