Đêm qua, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9, đưa hai vệ tinh đi vào quỹ đạo, nhưng họ đã không thành công trong việc hạ cánh tên lửa về sà lan tự hành ngoài biển.
Trước khi phóng tên lửa, công ty từng cho biết mong muốn hạ cánh lần này sẽ rất khó để thực hiện, khi tên lửa phải đi vào một quỹ đạo rất cao được gọi là quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO). Đạt đến độ cao của quỹ đạo GTO tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu cho giai đoạn đi lên của tên lửa, khiến nhiên liệu dùng cho lộ trình trở về Trái đất không còn nhiều.
Falcon 9 trong một lần hạ cánh thành công. Ảnh: Space X |
Theo những gì camera đặt trên sà lan tự hành ghi lại, ngay trước khi Falcon 9 đáp xuống, bề mặt tàu rung lắc dữ dội, sau đó hình ảnh của tên lửa hiện ra lờ mờ. Dường như nó đã có thể hạ cánh xuống sà lan, nhưng xảy ra sự cố dẫn đến cháy nổ. Một nhân viên của SpaceX sau đó đã công bố trên kênh truyền hình trực tuyến của công ty, cho rằng họ đã mất tên lửa. "Chúng tôi có thể nói rằng Falcon 9 đã mất trong nỗ lực này", Kate Tice - kỹ sư cải tiến quy trình cho SpaceX, cho biết. Trên trang cá nhân của mình, CEO Elon Musk khẳng định Falcon 9 đã gặp một sự cố gọi là RUD (Rapid Unscheduled Disassembly, tạm dịch: tách rời không theo kế hoạch một cách nhanh chóng).
Musk cho biết vấn đề có thể xuất phát từ một trong 3 động cơ chính của tên lửa, khi lực đẩy của nó khá thấp. Theo Musk, tất cả động cơ cần phải hoạt động hết công suất, mới có thể đáp ứng cho kiểu này hạ cánh này. Ngoài ra, CEO SpaceX cũng cho biết công ty đã bắt tay vào làm việc để nâng cấp cho Falcon 9, giúp khắc phục tình trạng “thiếu lực đẩy” như thế này trong tương lai.
Ngay khi lấy được toàn bộ dữ liệu từ những camera đặt trên sà lan, SpaceX sẽ tải nó lên cho mọi người xem. Sau sự cố, Musk cho rằng chiếc sà lan tự hành không chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, thất bại lần này đã chấm dứt chuỗi thành công liên tiếp gần đây của Tập đoàn Công nghệ Space X, do ông Elon Musk tham gia sáng lập. Công ty trước đó đã thực hiện thành công 3 cú hạ cánh về sà lan tự hành trên đại dương. Tính đến nay, họ đã thành công 4 lần trong việc đưa tên lửa trở về Trái đất sau nhiệm vụ, một trên mặt đất và 3 lần trên biển.
SpaceX vẫn còn nhiều cơ hội để hoàn thiện kỹ năng hạ cánh của họ. Công ty sẽ thực hiện một nhiệm vụ chở hàng tiếp tế lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho NASA vào ngày 16/7 tới. Sau khi hoàn thành sứ mệnh đó, SpaceX sẽ cố gắng hạ cánh Falcon 9 về mặt đất tại Trạm không quân Canaveral, Florida (Mỹ) - kỹ thuật chưa được dùng lại kể từ thành công lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, SpaceX còn có một vụ phóng vệ tinh khác, dự kiến diễn ra vào tháng 8 năm nay.
Trong kho của công ty hiện đã có 4 tên lửa được dùng sau các sứ mệnh thành công trước đó. CEO Elon Musk cách đây không lâu cũng cho biết hãng có kế hoạch dùng lại một trong số tên lửa này, trong một nhiệm vụ diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Quý Vũ (Theo Verge)