Đại gia bí ẩn nhất Việt Nam là chú Hỏa. Ông sở hữu hơn 20.000 nhà mặt phố cùng nhiều công trình xây dựng tồn tại đến tận ngày nay.
Từ xưa đến nay, người Sài Gòn cũng như người dân Việt Nam vẫn biết đến cái tên chú Hỏa qua nhiều công trình độc đáo tại TP.HCM cũng như những giai thoại ly kỳ về cuộc đời và sự nghiệp giàu có của ông.
Theo tìm hiểu trên báo Tiền Phong, chú Hỏa sinh năm 1845 và mất năm 1901 hưởng dương 56 tuổi. Tên thật của ông là Hua Bon Hoa (Hứa Bổn Hòa) hay còn có tên là Jean Baptist Hui Bon Hoa, quê ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, có nguồn gốc là người Minh Hương. Từ xa xưa,khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh, tổ tiên ông đã chạy nạn sang Việt Nam.
Do đã qua một thời gian khá lâu nên những câu chuyện về chú Hỏa vẫn chỉ được truyền miệng, không có căn cứ rõ ràng. Nhiều cuốn sách xuất bản trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đã viêt, ban đầu, chú Hỏa kiếm sống bằng nghề thu mua ve chai dạo, tái chế đồ cũ bán lại. Sau đó ông tích cóp được một ít vốn đã dùng để hùn hạp buôn bán bất động sản, từ đó ông phất lên nhanh chóng.
Trong dinh thự 99 cửa còn trưng bày đôi quang gánh thu mua ve chai, tượng trưng cho sự khởi đầu khó khăn của chú Hỏa. Ảnh: Trí thức trẻ |
Hay ngoài ra còn có một số tác giả nhận định, chú Hỏa đã may mắn trúng “lộc trời cho” trong một lần mua ve chai. Ông mua được bức tượng bên trong chứa đầy vàng, và bắt đầu phất lên như diều gặp gió.
Nhưng không thể không nhắc lại phi vụ thu mua ve chai đình đám nhất của chú Hỏa. Đó là lần trúng thầu, ông mua được 20.000 cái máy truyền tin phế thải của Pháp với mức giá hời. Trong khi những người khác không mặn mà gì với thứ đồ phế thải này thì đối với chú Hỏa đây là một thứ có thể biến thành vàng.
Sự thật đúng như chú Hỏa nghĩ, 20.000 bộ máy truyền tin sau khi được phân kim đã cho ông một số lượng vàng rất lớn. Từ số vàng đó, chú Hỏa nhạy bén chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản, nhanh chóng trở thành người tiên phong trong môi trường kinh doanh còn bỏ ngỏ ở Sài Gòn.
Chính thời gian đó, ông nhận thấy tiềm năng to lớn của vùng đất hoang, nhiều ao hồ kênh rạch ngay trung tâm Sài Gòn, ông vạch ra kế hoạch san lấp để xây dựng khu buôn bán sầm uất, sau này có tên là chợ Bến Thành.
Sau khi chi hàng đống tiền xây dựng nên khu chợ này, chú Hỏa nắm trong tay hơn 20.000 nền nhà thuộc khu đất vàng đắc địa của Sài Gòn như các tuyến phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi,… Đây trở thành 20.000 căn nhà mặt phố cho thuê.
Không dừng lại tại đó, chú Hỏa tiếp tục dùng tiền đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. Ông thành lập công ty “Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con”. Một trong những công trình nổi tiếng của công ty ông vẫn còn được sử dụng đến tận ngày nay là khách sạn Majestic. Khách sạn nằm ở góc đường Tôn Đức Thắng – Đồng Khởi, công trình mang đậm phong cách châu Âu.
Một số công trình khác như nhà bảo sinh Từ Dũ trên đường Cống Quỳnh, bệnh viện Sài Gòn trên đường Lê Lợi, chùa Kỳ Viên, khu nhà khách Chính phủ, các trụ sở ngân hàng, khách sạn Palace Long Hải,….
Tòa dinh thự chú Hỏa hiện nay được dùng làm Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Tiền phong |
Đặc biệt trong số đó là ngôi nhà ở của chính chú Hỏa. Tòa dinh thự tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính, Quận 1, TP.HCM. Đây là khu đất vàng rộng 3ha, cách chợ Bến Thành vài bước. Từ khi xây dựng đến nay dinh thự chú Hỏa đã trở thành một trong những tòa nhà cổ đẹp nhất Sài Gòn.
Tòa dinh thự với nhiều khối nhà hình chữ U, có thang máy sở hữu thiết kế theo phong cách Art decort, mang vẻ cổ kính hài hòa giữa trường phái kiến trúc Âu và Á. Nhiều vị trí của dinh thự được chạm khắc hoa văn cầu kỳ cùng bà chữ H.B.H (Hứa Bổn Hỏa) tinh tế. Tòa nhà được xây 3 tầng, được bao bọc xung quanh bởi những dãy phố sầm uất như Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Nguyễn Thái Bình.
Các cửa chính, cửa sổ của dinh thự được thiết kế không đối diện nhau, kích thước từng cửa sổ, cửa lớn đều khác nhau. Đặc biệt, dinh thự có tất cả 99 cánh cửa theo Phong thủy. Lý giải vì sao lại là 99 chứ không phải 100 cánh cửa liên quan đến giai thoại viên quan toàn quyền Đông Dương trong lúc duyệt thiết kế dinh thự đã bắt chú Hỏa bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính vì to hơn cổng dinh toàn quyền.
Một số đồ dùng quý giá của chú Hỏa vẫn còn được trưng bày trong dinh thự 99 cửa. Ảnh: Tiền phong |
Trải qua hơn 100 năm biến cố, ngôi biệt thự vẫn đẹp lộng lẫy, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Sau ngày giải phóng miền Nam, con cháu chú Hỏa di tản sang nước ngoài sinh sống. Tòa nhà này được Nhà nước sở hữu. Hiện nay nó được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.
Không chỉ tập trung vào làm giàu, xây dựng công trình kiếm lời, gia đình chú Hỏa còn cho tiến hành xây dựng nhiều công trình công cộng, chuyên phục vụ người nghèo như cô nhi viện, chùa Phụng Sơn, bệnh viên Maternite Indochinoise (nay là bệnh viên Từ Dũ), trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Phước thiện y viện (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi),...
Dù có nhiều giai thoại, lời đồn như thế nào thì chú Hỏa vẫn là một trong những “tứ đại hào phú” của vùng đất Nam Bộ xưa và nay.
Hoài An (tổng hợp)