Người dân tại xã Ea Drơng (huyện Cư M’Gar, Tỉnh Đăk Lăk) đang bàn tán xôn xao vì chuyện ba người đàn ông trong buôn liên tục gặp tai ương vì bị cho rằng đã “phạm tội” với “kỳ đà thần linh”?
Kỳ đà “thần” trả thù?
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chiều 30 Tết Âm lịch vừa qua (tức ngày 18/2/2015), các anh Y Yốc Niê (SN 1969), Y Thăm Niê (SN 1972) và Y Lóa Êban (SN 1982, cùng ngụ buôn Yông, xã Ea Drơng) mua được con kỳ đà nặng 1,6kg của một người bạn mang về từ Phú Yên. Cả nhóm tiến hành làm thịt và mời thêm sáu người khác ở trong buôn cùng nhậu tại nhà Y Lóa. Sau cuộc nhậu, mọi người ai về nhà nấy.
Bệnh nhân Y Yốc đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Thế nhưng, sáng hôm sau, cả ba người đều có những triệu chứng buồn nôn, ngứa khắp người, cơ thể nhức mỏi. Họ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện tư nhân điều trị. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe có chiều hướng xấu đi, nên ba người được chuyển vào bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’Gar, sau đó được chuyển lên bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk để điều trị, rồi lại tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Từ lúc cả ba người bị bệnh lạ sau khi chế biến và ăn thịt kỳ đà, mọi người trong buôn đều hoang mang. Một số tin đồn về con kỳ đà được người dân bàn tán xôn xao. Họ đặt ra nghi vấn rằng, vì sao trong cuộc nhậu có tất cả chín người cùng nhau ăn nhưng chỉ có ba người trực tiếp làm thịt kỳ đà bị phát bệnh, còn những người khác hoàn toàn khỏe mạnh?.
Gia đình đang tổ chức ăn mừng khi bệnh nhân Y Thăm lành bệnh.
Anh Y Won Niê (SN 1967, một trong chín người trong bàn nhậu hôm đó) phân vân: “Khi được Y Lóa mời tới nhà nhậu thịt kỳ đà, đến nơi, tôi thấy họ đã làm thịt xong và chế biến hai món là giả cầy và nướng sả ớt. Tiết và mật kỳ đà cũng được giữ lại để pha với rượu. Trong cuộc nhậu, tất cả chúng tôi đều ăn các món, một số người uống rượu tiết và một số người uống rượu mật. Tuy nhiên, khi về nhà, sức khỏe sáu người khách đều bình thường, chỉ có ba người trực tiếp làm thịt con kỳ đà là bị phát bệnh”.
Ngay sau khi ba người trong buôn bị bệnh lạ, anh Y Prah Niê, người trực tiếp bán con kỳ đà bẫy được từ Phú Yên mang về cũng vô cùng lo sợ. Y Prah Niê kể cho anh Y Won rằng: Ngày anh Y Prah Niê bẫy được con kỳ đà, khi ngủ nằm mơ thấy có một người đàn ông về bảo “ngươi bắt con gái của ta, hãy mang nó trả về chỗ cũ!”. Tuy nhiên, anh Y Prah vẫn không tin, nên mang về bán cho mọi người trong buôn. “Xâu chuỗi hai vấn đề lại, tôi nghĩ con kỳ đà này chỉ có thể là con kỳ đà thần (!?). Những người trực tiếp làm thịt đã bị nó nhìn thấy và giờ đây nó bắt bệnh để trả thù…”, anh Y Won hoang mang.
Chị H’Brah Niê (SN 1989, cháu của anh Y Yốc) đẩy sự nghi ngờ lên tột cùng: “Đó là con kỳ đà thần rồi. Chú Y Yốc và hai người kia đã phạm tội giết nó nên bây giờ nó bắt bệnh!”. Cũng theo chị H’Brah Niê, từ ngày ba người trong buôn bị bệnh, anh Y Prah (người bán con kỳ đà) cũng sợ nên không dám đi đâu, luôn luôn né tránh mọi người; thậm chí anh ta không dám đến thăm các nạn nhân...
Viêm màng não vì... mật kỳ đà
Qua tìm hiểu của PV, sau nhiều ngày điều trị ở khoa Nhiệt đới của bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng sức khỏe của cả ba bệnh nhân Y Yốc, Y Lóa, và Y Thăm đã có phần thuyên giảm nên được chuyển về bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục theo dõi. Riêng bệnh nhân Y Thăm, tình trạng sức khỏe đã có phần ổn định, nên được bệnh viện Chợ Rẫy cho xuất viện về nhà tự chăm sóc. Sau khi tình trạng sức khỏe của Y Thăm ổn định, ngày 6/4, gia đình bệnh nhân đã tổ chức ăn mừng, mời người trong buôn đến dự chia vui!
Sáng 8/4, làm việc và trao đổi với PV, bác sỹ Trịnh Hồng Nhựt (Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk) cho biết: “Cả ba bệnh nhân Y Yốc Niê, Y Thăm Niê, và Y Lóa Ê Ban nhập viện ngày 24/2 với những biểu hiện buồn nôn, co giật và sốt cao. Qua kết quả xét nghiệm lâm sàng, chúng tôi chẩn đoán, các bệnh nhân có dấu hiệu viêm màng não. Qua quá trình điều trị và giải độc, sức khỏe của các bệnh nhân đã có phần thuyên giảm, nên chúng tôi đã chuyển lên khoa Nội để tiếp tục theo dõi”.
Cũng theo bác sỹ Nhựt, sau khi được chuyển khoa Nội, các bệnh nhân trên lại có dấu hiệu tái nhiễm, sốt cao, tay chân co giật liên hồi, rối loạn ý thức (dấu hiệu bệnh viêm màng não). Ngày 24/3, bệnh viện đã làm các xét nghiệm, đồng thời chuyển các bệnh nhân lên khoa Nhiệt đới của bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 15 ngày điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Y Yốc đã được chuyển về lại bệnh viện tỉnh để tiếp tục theo dõi.
Về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Y Lóa, được biết, sau khi điều trị ở khoa Nhiệt đới (bệnh viện Chợ Rẫy), tình trạng sức khỏe đã khá lên nên được bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu chuyển về bệnh viện tỉnh để theo dõi. Tuy nhiên, người nhà của bệnh nhân đã đưa thẳng về nhà. Đến ngày 5/4, Y Lóa bỗng dưng sốt cao, co giật chân tay, không đi đứng được, người nhà đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.
“Thấy bệnh tình của chồng đã thuyên giảm, chúng tôi mừng lắm. Vì thời gian nằm ở bệnh viện quá lâu nên sau khi được chuyển từ bệnh viện Chợ Rẫy về bệnh viện tỉnh, anh ấy (Y Lóa- PV) muốn về nhà vài ngày để tĩnh dưỡng, ngờ đâu khi về nhà, bệnh lại tái phát. Chúng tôi vội vàng đưa anh ấy lên lại bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị”, chị H’DLốc Niê (vợ Y Lóa) ngậm ngùi cho biết.
Trao đổi thêm về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Y Lóa, bác sỹ Nguyễn Hai (Trưởng khoa Truyền nhiễm) cho biết: “Theo giấy chuyển viện của bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não tủy do ký sinh trùng sau khi uống mật, máu kỳ đà. Hiện nay, bệnh viện đã tiến hành chọc dò tủy, tiến hành xét nghiệm xem có chính xác viêm màng não hay không. Chúng tôi vẫn điều trị theo phác đồ của bệnh viện tuyến trên. Nếu trong thời gian tới, tình trạng bệnh không có chiều hướng thuyên giảm, bệnh viện sẽ thay đổi phác đồ mới”.
Chỉ là tin đồn nhảm nhí! Trao đổi với PV về tin đồn “kỳ đà thần” hại người, ông Y’ BLăm K’Pă (Trưởng buôn Yông) khẳng định: “Tôi nghĩ rằng, cả ba người trên bị bệnh là do uống rượu mật kỳ đà, Y Yốc bị bệnh nặng nhất do nuốt luôn cả túi mật sau khi pha vào rượu. Có chín người cùng ăn, uống nhưng chỉ có ba người bị phát bệnh là do cơ địa của mỗi người khác nhau nên sự thích ứng với mật kỳ đà cũng khác nhau. Những tin đồn của người dân về “kỳ đà thần” là hoàn toàn nhảm nhí, bịa đặt…”. |
Theo Mai Cường/Đời sống và Pháp luật