Theo lãnh đạo Bộ Y tế, lô vắc xin sử dụng tiêm cho bé ở Hải Dương cùng lô với bé tử vong ở Nghệ An.
Vụ bé 3 tháng tuổi ở Nghệ An tử vong ngay sau khi tiêm vacxin Quinvaxem vừa có kết luận nguyên nhân thì tại Hải Dương lại xảy vụ bé gái 4 tháng tuổi tử vong sau 2 ngày tiêm vắc-xin Quinvaxem khiến dư luận lo ngại về độ an toàn của vacxin này.
Vắc xin được bảo quản lạnh. Ảnh: Soha.vn |
Trao đổi trên Tuổi trẻ, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, tạm thời lô văc xin sử dụng tiêm cho bé ở Hải Dương bị tử vong sẽ bị dừng sử dụng, kiểm tra lại chất lượng. "Hội đồng làm việc nghiêm minh, do văc xin thì họ kết luận do vắc xin, do thực hành tiêm chủng thì kết luận do thực hành tiêm chủng, hoặc có những vụ không tìm được nguyên nhân. Sai ở đâu thì sửa chữa khắc phục ở đó", ông Phu trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ.
Cũng theo cuộc trao đổi của ông Phu, lô vắc xin sử dụng tiêm cho bé ở Hải Dương cùng lô với bé tử vong ở Nghệ An.
Trước câu hỏi Bộ Y tế khi nào sẽ tính đến việc tìm vắc xin mới thay thế, ông Phu cho biết, trong trường hợp có liên tiếp phản ứng xảy ra do vắc xin thì sẽ tính đến việc dừng văcxin. Quan điểm của Bộ Y tế là tìm vắc xin thế hệ mới hơn cho trẻ em Việt Nam.
Như tin tức đã đưa, bé N.N.T.V, hơn 4 tháng tuổi ở Tứ Kỳ, Hải Dương được tiêm Quinvaxem mũi 2 hôm 25/10, cùng với 16 bé khác trong ngày tiêm chủng thường kỳ của xã.
Đến ngày 26/10, bé có các biểu hiện bất thường như nôn, mông xuất hiện các vết tím. Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện đa khoa huyện Tứ Kỳ cấp cứu. Tuy nhiên, bé đã tử vong sáng sớm ngày 27/ 10.
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế và các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ có cuộc họp vào 2/11 để tìm căn nguyên ca tử vong này.
Trước đó, ngày 20/10, tại Nghệ An cũng xảy ra trường hợp một cháu bé tử vong sau khi tiêm mũi vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem). Nạn nhân là cháu Lô Tuấn Tr. (SN ngày 4/7/2015, trú tại bản Có Hướng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong). Cháu Tr. được bố mẹ đưa đi tiêm chủng vắc xin tại trạm y tế của xã. Khi tiêm xong được khoảng 4 phút sau thì cháu Tr. khóc, ngất và tử vong ngay sau đó. Ngày 22/10, hội đồng chuyên môn đã có kết luận về nguyên nhân tử vong của cháu Tr. là do sốc phản vệ.
Trước khi xảy ra vụ N.N.T.V. ở Hải Dương Tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế, 10 tháng đầu năm 2015 có 16 trẻ em bị phản ứng nặng sau tiêm văcxin Quinvaxem, trong số này có 8 bé tử vong. Trong đó có 7/8 ca được xác định do bệnh trùng lặp, 1/8 do sốc phản vệ.
H.Minh (tổng hợp)